Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cơ hội giảm nghèo cho các huyện khó khăn

05/08/2015 10:42:07 Xem cỡ chữ

Từ khi triển khai đề án Phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2013 - 2017 (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), số hộ nghèo tại 2 huyện miền núi Sông Hinh và Đồng Xuân giảm từ gần 44% năm 2013 xuống còn hơn 35% năm 2014. Mục tiêu đến cuối năm 2015, hai địa phương này giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân từ 4% đến 5%.

 

 

ĐỘT PHÁ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CƠ SỞ

Từ cuối năm 2013, Chính phủ hỗ trợ 70% nguồn vốn từ Nghị quyết 30a cho 2 huyện miền núi Sông Hinh và Đồng Xuân. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, nguồn vốn này đã giúp địa phương đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong hai năm 2014 - 2015, 2 huyện Sông Hinh và Đồng Xuân được hỗ trợ 72 tỉ đồng để phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a. Trong đó, mỗi huyện được nhận 36 tỉ đồng (năm 2014 là 18 tỉ đồng và năm 2015 là 18 tỉ đồng). Hai địa phương này đã sử dụng nguồn hỗ trợ xây dựng 20 công trình phục vụ dân sinh, dân trí, phát triển sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, hai huyện này đã thực hiện hơn 56% kế hoạch giao.

Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Huyện đã giải ngân gần 23/36 tỉ đồng để hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình trường học, đường liên xã, liên thôn tại các xã Ea Bar, Ea Trol, Đức Bình Tây, Đức Bình Đông. Đây là những xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cơ sở vật chất hạn chế và tỉ lệ hộ nghèo cao. Khi đi vào sử dụng, các công trình này giúp con em đồng bào yên tâm tới lớp và người dân bớt khó khăn khi đi lại sản xuất, giao thương. Từ nay đến cuối năm, UBND huyện tiếp tục giải ngân số vốn còn lại để hoàn thiện thêm 4 hạng mục công trình.

Còn theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, thì địa phương đã giải ngân gần 18/36 tỉ đồng để thực hiện 11 công trình phục vụ sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao dân trí… cho bà con ở các xã nằm cách xa trung tâm huyện.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Những công trình đầu tư từ nguồn vốn 30a đang phát huy hiệu quả góp phần thay đổi diện mạo của các xã miền núi vốn khó khăn. Xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, được xây dựng Trạm y tế xã. Có trạm y tế, sức khỏe đồng bào trong xã được quan tâm. Già Mo Loan ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, chia sẻ: Nơi đây nằm ở vùng núi cao, nên ngày trước có bệnh gì cũng phải tự chữa bằng lá cây rừng, chỉ có bệnh thật nặng mới được đưa xuống huyện. Nay có trạm y tế xã rồi, thấy trong người không khỏe có thể tới trạm khám kịp thời nên sức khỏe người dân trong xã được nâng cao.

Xã Đức Bình Tây được đầu tư hơn 6,1 tỉ đồng, xây dựng 3 hạng mục công trình gồm tuyến đường Hòn O đi ĐT645, trường tiểu học và trường mầm non xã. Những công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2014. Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Tuyến Hòn O nối xã Đức Bình Tây với buôn Nhum của xã Ea Bia nhập vào ĐT645 (quốc lộ 29), mở ra con đường giao thương đi các xã trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên. Còn các công trình trường học giúp kéo con em trong xã tới trường, tới lớp, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Những công trình này thực sự làm thay đổi bộ mặt xã, hỗ trợ xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn và giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ có trạm bơm điện từ nguồn vốn 30a mà nhiều cánh đồng vốn khô cạn nước trên địa bàn xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) nay đã có nước, giúp chuyển đổi cây trồng, ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thanh Lan ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, chia sẻ: Cánh đồng Soi Chùa bao năm ruộng cạn chỉ trồng được cây mía ăn nước trời, thu hoạch bấp bênh. Từ khi có trạm bơm điện Gò Ổi đưa nước về đồng, không chỉ cây mía mà cây lúa nước cũng xanh tốt. Có thu nhập từ mía, từ lúa nên người dân ổn định được cuộc sống, không còn lo đói nữa.

Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, tại 2 huyện Sông Hinh và Đồng Xuân cơ sở hạ tầng yếu và thiếu khiến đời sống kinh tế ở đây thời gian qua không có cơ hội phát triển. Từ năm 2014, nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 30a đã góp phần giúp các địa phương này hoàn thiện các công trình hạ tầng cơ bản như đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã và từ trung tâm xã tới các thôn bản, công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trường học và trạm y tế…. Những công trình này sẽ là tiền đề cho phát triển sản xuất, thúc đẩy giao thương, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi về bằng với bình quân chung của cả tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2015, 9 công trình hạ tầng cơ sở sẽ được 2 huyện này tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trên cả nước, 2 huyện nghèo Sông Hinh và Đồng Xuân của Phú Yên vào năm 2013 có 28.564 hộ dân, trong đó có 12.476 hộ nghèo, chiếm 43,68%. Hộ nghèo dân tộc thiểu số 5.107 hộ, chiếm tỉ lệ 17,88% so với tổng số hộ dân. Đến năm 2014, số dân của 2 huyện này tăng lên 28.981 hộ, hộ dân tộc thiểu số 7.831 hộ; trong đó, hộ nghèo 10.206 hộ, chiếm tỉ lệ 35,22%, hộ nghèo dân tộc thiểu số 4.421 hộ, chiếm tỉ lệ 15,25% so với tổng số hộ dân.

Theo trang tin giảm nghèo Quốc gia