Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

02/07/2018 14:01:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Người dân thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng thu hái chè Bát Tiên.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, an ninh lương thực được giữ vững, từ việc áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt tăng nhanh.

Năm 2017, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 305.900 tấn, tăng trên 5.200 tấn so với năm 2015 và tăng gần 26 ngàn tấn so với mục tiêu Đề án; cơ cấu giống lúa đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, giảm diện tích lúa lai. Cánh đồng một giống lúa được triển khai thực hiện, qua đánh giá đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường từ 8 - 11 triệu đồng/ha trở lên, do việc tiết kiệm được các chi phí đầu tư, công lao động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, giá trị sản xuất trồng trọt năm 2017 đạt 3.215,1 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2015, chiếm 65,6% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, đạt mục tiêu của Đề án; giá trị sản xuất trên 1,0 ha đất trồng trọt năm 2017, đạt 57 triệu đồng, tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015.

Trên cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống lúa và nilon che mạ cho 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để ổn định sản xuất lúa vùng cao đặc biệt khó khăn. Cùng với việc hỗ trợ xây dựng cánh đồng một giống lúa thuần chất lượng cao 200 ha tại Văn Yên 100 ha lúa Hương Chiêm, tại Văn Chấn 100 ha lúa Séng Cù, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ các chính sách hỗ trợ đó đã góp phần tích cực cho mục tiêu sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao và ổn định an ninh lương thực vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Năm 2017, sản lượng thóc toàn tỉnh đạt trên 211 nghìn tấn, tăng gần 3.800 tấn so với năm 2015; diện tích lúa toàn tỉnh năm 2017, được duy trì và tăng so với năm 2015 là 1.294,4 ha. Hiện tại, diện tích lúa cả năm đạt trên 42.524,8 ha.

Đã cơ bản hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo mục tiêu đề ra trên 2.500 ha tại cánh đồng Mường Lò, cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông huyện Văn Yên, cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật mới đã được đưa vào sản xuất như: Canh tác lúa cải tiến ba giảm, ba tăng, tưới tiết kiệm nước (SRI)…, các giống lúa thuần chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu được khảo nghiệm và ứng dụng vào sản xuất. Việc thâm canh tăng vụ, nhất là sản xuất vụ Đông đã được quan tâm đẩy mạnh (khoảng 4.000 ha ngô Đông trên đất 2 vụ lúa), qua đó đã cho thấy hiệu quả của việc duy trì, sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, đồng thời xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao

Với chính sách hỗ trợ giá giống ngô lai cho 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải và chính sách hỗ trợ trồng ngô Đông trên đất 2 vụ lúa, diện tích ngô cả năm trên địa bàn tỉnh được duy trì đạt trên 28.000 ha. Năm 2017 đạt 28.150 ha, sản lượng đạt trên 94 nghìn tấn, tăng trên 1.400 tấn so với năm 2015.

Việc chuyển đổi vùng sản xuất ngô hàng hóa đạt 15.000 ha. Riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có trên 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương sang trồng ngô. Hiện nay các giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất cho 100% diện tích gieo trồng của tỉnh như các giống. Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật thâm canh được ứng dụng đồng bộ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất ngô năm 2017 đạt 33,54 tạ/ha, tăng 1,9% so với năm 2015.

Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, tỉnh đã quan tâm đến lĩnh vực sản xuất rau an toàn, bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên với quy mô trên 6,0 ha, Hợp tác xã Q và C tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên 3,0 ha, thành phố Yên Bái trên 8 ha; sản xuất rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, quy mô 0,2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP...

Hiện nay, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh năm 2017 là 12.725 ha, vượt so với mục tiêu Đề án trên 2.725 ha, sản lượng đạt 246.718 tấn, tăng 59.042 tấn so với năm 2015. Xu hướng diện tích sắn đang giảm dần, theo đúng mục tiêu ổn định canh tác sắn bền vững trên đất dốc với diện tích 10.000 ha. Việc xây dựng vùng thâm canh sắn bền vững được ngành nông nghiệp triển khai làm tốt công tác hướng dẫn các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác, trồng xen cây họ đậu, trồng băng cỏ để chống thoái hóa, xói mòn, rửa trôi và bạc màu đất.

 

Ban Biên tập