Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp

01/11/2019 09:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Tính đến ngày 15/8/2019, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tuyển sinh đào tạo cho 21.295/30.000 người, đạt 70,98% so với kế hoạch; trong đó, trình độ cao đẳng: 1.235 người; trung cấp: 2.188 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.872 người. Đã có 2.643 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956.

Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.

Học viên học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. 

Đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 16.617/20.500 lao động, đạt 81,05% so với kế hoạch, chia ra: Từ phát triển kinh tế xã hội: 9.340 người; từ xuất khẩu lao động: 759 người; từ vay vốn giải quyết việc làm: 1.485 người; từ cung ứng đi tỉnh ngoài: 5.033 người. Đã chuyển dịch được 4.242/5.300 người (đạt 80,03% so với kế hoạch) lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Để đảm bảo tiến độ và hoàn thành các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu kê hoạch được giao trong năm 2019.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm phù hợp theo từng vùng, từng nhóm đối tượng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, tăng cường đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp (đạt 40% trở lên) gắn đào tạo nghề với định hướng phát triển ngành nghề của địa phương và yêu cầu giải quyết việc làm sau đào tạo.

Tổ chức khảo sát xác định nhu cầu đào tạo nghề, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kịp thời đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.

Định kỳ thực hiện rà soát, thống kê hiện trạng lao động, số lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong năm, đảm bảo việc rà soát thực hiện từ các thôn, bản, tổ dân phố.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2019, trong đó tập trung tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng. Trong đó, trường Cao đẳng nghề Yên Bái tuyển sinh đào tạo gắn với xuất khẩu lao động, liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia vào quá trình đào tạo lao động (dự kiến 300 người); Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch 60 người (gồm nghề Hướng dẫn viên du lịch 30 người, nghề Nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng 30 người); Trường Cao đẳng Y tế 30 người (nghề Điều dưỡng viên).

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp tại địa phương để triển khai thực hiện công tác đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. Thành lập bộ phận đầu mối phối hợp với các doanh nghiệp tại tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp (về xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, bố trí thực tập tại doanh nghiệp, sát hạch đánh giá trình độ lao động, tuyển dụng lao động).

Chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tìm kiếm các đơn đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh) để cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng gắn với giải quyết việc làm đầu ra cho người học. Tư vấn, ký cam kết với người học nghề về việc làm sau đào tạo (đảm bảo trên 70% lao động có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp học nghề.

Tăng cường tuyển sinh đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, đào tạo các nghề trọng điểm, đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu sử dụng của tỉnh, tích cực tham gia đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Đa dạng các loại hình đào tạo, liên kết, liên thông đào tạo theo nhu cầu của người học nghề. Phối hợp chặt chẽ với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề; phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người học sau đào tạo.

 

Ban Biên tập