Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một số kết quả đạt được sau 3 năm triển khai các chính sách cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số tại Yên Bái

28/08/2019 10:05:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sau 3 năm triển khai từ 2016 - 2018, triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, những chính sách cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số tại Yên Bái đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể:

Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, vốn ưu đãi trong những năm qua đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở Yên Bái thoát nghèo

- Chính sách hỗ trợ về y tế

Trong 3 năm toàn tỉnh hỗ trợ mua 1.609.667 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, người làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Trong đó có 20.896 thẻ người thuộc hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, 30% còn lại được Dự án NOREED hỗ trợ 20% và Quỹ BHYT tỉnh hỗ trợ 10%.

Chương trình Mở rộng vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả  vay vốn ngân hàng thế giới (Hợp phần Y tế) năm 2016-2020 hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới 30.000 nhà tiêu.

- Chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi

Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đến nay toàn tỉnh có 36.403 hộ nghèo, 10.723 hộ cận nghèo và 3.231 hộ mới thoát nghèo hiện đang dư nợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trong đó từ năm 2016 đến nay đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho cho vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với số tiền giải ngân là 1.098 tỷ đồng; mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ. Vốn ưu đãi trong những năm qua đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ... góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay.

- Chính sách hỗ trợ tiền điện

Thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngân sách đã bố trí 95.842 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 151.740 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và đã được các địa phương triển khai kịp thời đúng đối tượng, đúng chính sách.

- Chính sách trợ giúp pháp lý

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện với 5 hoạt động gồm: Tham gia tố tụng; tăng cường năng lực cho người trợ giúp pháp lý; xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc; thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý; truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 81 xã và 177 thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.Kinh phí Trung ương bố trí 3 năm là 2,38 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

Theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.154 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà (Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 25 triệu, hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo tỉnh 0,5 triệu, Quỹ vì người nghèo huyện 0,2 triệu, gia đình và cộng đồng đóng góp 24,3 triệu). Tuy nhiên trên thực tế nhiều hộ gia đình đã đầu tư làm nhà lên tới trên 100 triệu đồng do cộng đồng, anh em, dòng tộc chung tay góp sức hỗ trợ.

- Chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số để hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong 3 năm 2016-2018 đã thực hiện hỗ trợ tới 530.435 lượt người dân thuộc hộ nghèo ở các xã vùng khó khăn (khu vực II mức hỗ trợ là 80.000 đồng/người/năm; xã khu vực III với mức hỗ trợ là 100.000 đồng/người/năm); kinh phí hỗ trợ: kinh phí 50.634 triệu đồng.

-  Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Tính đến hết năm 2018: Tổng kinh phí được cấp 970 triệu đồng (trong đó: Ngân sách TW cấp 760 triệu đồng; Ngân sách địa phương 210 triệu đồng) đã triển khai thực hiện Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh và Mô hình thí điểm về “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân trong xã bên cạnh đó còn tổ chức ký cam kết đại diện các hộ gia đình không tổ chức cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện đúng quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

- Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

 Trong giai đoạn với tổng kinh phí 6.611 triệu đồng để thực hiện thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán hàng năm cho 2.357 lượt người; đặt báo Yên Bái và báo Dân tộc và phát triển cho 3.539 lượt người người có uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm đau phải nằm viện điều trị từ tuyến huyện trở lên; thăm hỏi hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai; thăm viếng bố (bố đẻ, bố chồng hoặc bố vợ, bố nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật), mẹ (mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc mẹ vợ, mẹ nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật), vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật), bản thân người có uy tín qua đời; Tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh trong nước cho 97 lượt người với kinh phí  905 triệu đồng (mỗi năm Ban Dân tộc tổ chức 01 đoàn Người có uy tín tiêu biểu đi thăm quan học tập trao đổi kinh nghiệm tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh); cung cấp thông tin cho 1.178 lượt người.

- Chính sách do địa phương ban hành

Giai đoạn 2016-2018 tỉnh đã bố trí 157.219 triệu đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái (chính sách của tỉnh) để thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ thực hiện 8 đề án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: hỗ trợ các cơ sở phát triển chăn nuôi trâu bò cái sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản; chăn nuôi gia cầm …; hỗ trợ đóng mới lồng cá, nuôi cá bằng quây lưới ở eo ngách, cải tạo ruộng kém hiệu quả, đào mới ao nuôi cá...; hỗ trợ trồng mới và trồng cải tạo diện tích cây ăn quả các loại; hỗ trợ trồng mới và trồng cải tạo diện tích chè (hỗ trợ giống chè Shan gieo hạt và chè Shan giâm cành); hỗ trợ canh tác ngô đông trên đất 2 vụ lúa; hỗ trợ trồng mới quế; măng tre Bát Độ; cây Sơn Tra...; hỗ trợ giống lúa, giống ngô lai, cây rơm làm thức ăn gia súc... cho các hộ nghèo trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Ban Biên tập