Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Nghị quyết 30a giúp giảm nghèo nhanh và bền vững

28/08/2019 10:29:00 Xem cỡ chữ
CTĐT - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững (Nghị quyết 30a của Chính phủ), giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Yên Bái lồng ghép các chương trình, dự án để giúp người dân hai huyện nghèo Mù Cang Chải, Trạm Tấu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nghị quyết 30a của Chính phủ với trọng tâm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương đặc biệt khó khăn trong cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

Toàn tỉnh Yên Bái có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện) với 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 02 huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Năm 2016 có 72 xã đặc biệt khó khăn và 233 thôn, bản đặc biệt khó khăn, năm 2017 và năm 2018 có 81 xã đặc biệt khó khăn và 177 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm đặc biệt đối với vùng dân tộc và miền núi, trong đó trọng tâm là các chính sách ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việc triển khai, thực hiện huy động, lồng ghép các nguồn lực đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước xây dựng đồng bộ, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt, nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá, biết kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm làm ra để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tổng vốn hỗ trợ có mục tiêu cho hai huyện nghèo giai đoạn từ 2016 đến nay là 225.982 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển 129.328 triệu đồng, vốn sự nghiệp 96.654 triệu đồng. Đã đầu tư xây dựng được 25 công trình cơ sở hạ tầng, với kinh phí 129.328 triệu đồng; duy tu bảo dưỡng được 25 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp, với kinh phí 12.986 triệu đồng; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (hàng năm đã hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ trên 46.533 ha rừng các loại; hỗ trợ trên 126.500 liều vacxin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, hỗ trợ giống, phân bón chuyển đổi cơ cấu cây trồng… với kinh phí 80.650 triệu đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu lao động, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cán bộ cơ sở với kinh phí 3.108 triệu đồng.

Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10,24% (năm 2016 giảm 5,24%, 2017 giảm 5%). Đối với hai huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải): Tỷ lệ hộ nghèo trong hai năm giảm 15,58% (năm 2016 giảm 8,26%, 2017 giảm 7,32%), bình quân mỗi năm giảm 7,79%, đạt 130% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn rất cao, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực nhất là mỗi khi có thiên tai, lũ bão. Một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, có tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo có năm chưa phản ánh đúng, đầy đủ mức sống của nhân dân trên địa bàn.

Cùng với đó, Sự nghiệp văn hoá, y tế giáo dục phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo yêu cầu, công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ chuyên môn của một số cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu cán bộ y tế cơ sở. Đến nay, các xã đã có đường ô tô đến trung tâm nhưng nhiều tuyến chỉ đi được vào mùa khô; đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản còn nhỏ, hẹp, lầy lội, đi lại rất khó khăn. Một số cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả chưa cao do dân cư ở phân tán và chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. 

Trong khi đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tái diễn và tiềm ẩn một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tình trạng trồng cây thuốc phiện, tình hình an ninh nông thôn, an ninh vùng dân tộc, tình hình di cư tự do... có nơi vẫn còn xảy ra.

Nguyên nhân là do xuất phát điểm, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh còn rất thấp, trình độ sản xuất còn hạn chế, một số xã thuộc vùng miền núi, đặc biệt khó khăn do địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, ngành nghề dịch vụ manh mún; Thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai, ống, lũ quét, biến đổi khí hậu đã ảnh hướng rất lớn đến công tác giảm nghèo; Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, nhưng mức đầu tư thấp so với nhu cầu thực tế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ trực tiếp cho người dân (chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...), trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề); Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa cụ thể, sâu sát, cơ chế, chính sách đối với người nghèo đã được ban hành, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người nghèo nhưng việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa hiệu quả như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người nghèo, dân tộc thiểu số...

Phát huy những kết quả đạt được, nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS, tỉnh Yên Bái cũng đã đưa ra giải pháp khắc phục như: Thực hiện đa dạng hóa, huy động, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án, các tổ chức, doanh nghiệp để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cần ưu tiên nguồn lực cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi; Tập trung lãnh đạo, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hướng dẫn cách thức tổ chức và thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả ở các xã nghèo đảm bảo phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người nghèo; rà soát các chính sách dân tộc để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới…

Ban Biên tập