Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lục Yên Đảm bảo 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn do NHCSXH cung cấp

29/08/2019 15:16:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Lục Yên là huyện miền núi nghèo, điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương và tỉnh chuyển về, hàng năm UBND huyện vẫn chuyển một phần ủy thác qua NHCSXH để cho vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoàn thành 100% kế hoạch.

Tháng 1/2019, gia đình anh Triệu Văn Lừng (thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng) vay NHCSXH huyện 40 triệu đồng đầu tư nuôi trâu và lợn sinh sản.

Số liệu từ NHCSXH huyện Lục Yên cho biết: Hiện có 93/96 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 13.234 hộ vay vốn, với tổng số tiền là 483.354 triệu đồng, tăng 220.340 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 99,9% trên tổng dư nợ. Ngoài ra, NHCSXH huyện đang tổ chức thực hiện giao dịch tại 24 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 353 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ.

Theo ông Dương Quốc Tuấn (Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên): Doanh số cho vay trong 05 năm qua là 619.158 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 377.646 triệu đồng. Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn là 484.164 triệu đồng, tăng 216.865 triệu đồng (81,13%) so với năm 2014; tổng dư nợ là 483.754 triệu đồng, tăng 216.865 triệu đồng (81,14%) so với năm 2014. Đặc biệt, nguồn vốn của NHCSXH đã phủ đến 195/195 thôn, tổ dân phố trong toàn huyện, kịp thời tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, nhờ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban quản lý Tổ TK&VV, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, tình hình sử dụng vốn của hộ vay. Đồng thời, phối hợp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi gắn với việc đầu tư vốn cho các hộ vay; tập trung đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng mô hình giúp các hộ vươn lên thoát nghèo; chủ động rà soát, phân tích, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn; xử lý nợ bị rủi ro kịp thời. Từ đó chất lượng tín dụng chính sách tại các xã, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước.

Là huyện miền núi nghèo, điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương và tỉnh chuyển về, hàng năm UBND huyện vẫn chuyển một phần ủy thác qua NHCSXH để cho vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoàn thành 100% kế hoạch. Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh giao, riêng năm 2018 hoàn thành 110%. Đặc biệt,  NHCSXH huyện còn chủ động huy động tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân bổ sung vào nguồn vốn để cho vay với số tiền: 29.968 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Bùi Văn Thịnh cho biết: Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách căn bản nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả huyện giảm 5%/năm (vượt so với mục tiêu đề ra là từ 3-4%/năm); đã có 4/23 xã được công nhận xã nông thôn mới. Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đã có nhiều đổi thay tích cực, vốn tín dụng đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 27,82% năm 2014 xuống còn 18,76% năm 2018.

Tuy nhiên do tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; trình độ một số Ban quản lý tổ TK&VV, tổ chức hội cấp xã còn nhiều hạn chế; một bộ phận người dân chưa nghiêm túc chấp hành trả nợ gốc, lãi khi đến hạn...là những tồn tại mà huyện Lục Yên cần có giải pháp xử lý hiệu quả - ông Thịnh chia sẻ.

Được biết, trong các năm tiếp theo để thực hiện Chỉ thị thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu tiếp cận vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện đã đề nghị UBND huyện Lục Yên mỗi năm bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách huyện từ 500 triệu đồng trở lên; phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 11-12%; nâng cao chất lượng các mặt hoạt động tín dụng chính sách, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức thấp nhất (dưới 0,04%); đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp gắn với hỗ trợ bà con thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ngày 21/8, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cho vay được gần 130 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với doanh số 3.850 tỷ đồng (chiếm trên 55% nguồn lực các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững hàng năm trên địa bàn tỉnh); doanh số cho vay trên địa bàn các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 1 nghìn tỷ đồng; doanh số cho vay đối với 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt trên 500 tỷ đồng. 

Đến 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách với 84 nghìn hộ gia đình đang vay vốn, tổng dư nợ là 2.994 tỷ đồng; trong đó, dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 60%. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được duy trì và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,16%.

Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 86,5%, vốn đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội chiếm 13,5%. Nhờ đó, giúp cho gần 42 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm trên 4%. 

Ban Biên tập