Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đổi thay ở Mù Cang Chải

15/11/2016 01:13:00 Xem cỡ chữ
Là huyện vùng cao có tới trên 90% dân số là đồng bào Mông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải xác định, để thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo thì việc bảo đảm an ninh lương thực cho đồng bào vùng cao giữ vai trò then chốt.

Bản làng Mù Cang Chải hôm nay.

Trước đây đồng bào Mông ở Mù Cang Chải chỉ sản xuất một vụ lúa mùa, dẫn đến lương thực không đủ ăn, đói nghèo triền miên. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XVII về đẩy mạnh thâm canh tặng vụ, các xã trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất vụ đông xuân và tích cực đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào gieo trồng gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh lúa nước nên đến nay sản xuất đông xuân đã trở thành vụ sản xuất chính của đồng bào. Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Mù Cang Chải đã đạt được nhiều kỳ tích mới.

5 năm qua, tổng diện tích gieo trồng các cây lương thực có hạt của huyện đã đạt gần 9.400 ha, tăng gần 2.100 ha so với năm 2010, trong đó đã vận động nhân dân chuyển đổi được gần 1.200 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 ước đạt trên 33 nghìn tấn, tăng 7.200 tấn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XVII đề ra. Trong lĩnh vực chăn nuôi với lợi thế về bãi chăn thả tự nhiên cùng sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều xã trên địa bàn huyện đã phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Đến nay, đàn đại gia súc của huyện đạt 56.500 con, đàn gia cầm gần 165 nghìn con. Trên cơ sở tiềm năng về đất rừng, huyện đã liên tục triển khai các chính sách về trợ giá giống cây, hỗ trợ vốn vay, tập huấn kỹ thuật, giao đất cho nhân dân, trong đó có hộ nghèo để trồng rừng phát triển kinh tế.

Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, huyện đã trồng mới được 3.740 ha rừng các loại góp phần đưa tổng diện tích rừng lên gần 74.000 ha, nâng độ che phủ rừng lên trên 61%. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, Đảng bộ huyện cũng xác định đưa những giống cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương để phủ xanh rừng thiết thực mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, cây sơn tra và thảo quả là những cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu vùng cao. Trên 1.700 ha cây sơn tra mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.500 tấn quả, thực sự là những cây mũi nhọn mang lại nguồn thu đáng kể và mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Từ chỗ chỉ lên rừng hái quả sơn tra, nay đồng bào đã trồng, bảo vệ sơn tra, cũng là bảo vệ nguồn thu và bảo vệ rừng.

Ông Hảng Súa Già ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn cho biết: “Trước đây đồng bào mình chủ yếu trồng lúa nương, năm 1993, thực hiện theo chính sách giao đất, giao rừng nhà mình đã mang cây sơn tra về trồng. Từ năm 1996, cây sơn tra bán được tiền, cho thu nhập, nhà nào trong bản cũng ra sức chăm sóc bảo vệ. Nhất là khi bán được giá cao, gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được 50 đến 60 triệu đồng từ bán quả sơn tra, riêng năm 2015 thu được 70 triệu đồng. Ngoài ra, cùng với thu nhập từ thảo quả và lúa, gia đình tôi không thiếu ăn như trước nữa mà có của ăn của để và cho con ăn học”.

Song song với phát triển nông lâm nghiệp, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ chỗ phát triển manh nha, chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng, rèn đúc công cụ sản xuất, đến nay những ngành nghề công nghiệp đã được hình thành mang tính đột phá, như: chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh, với các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, huyện đã hình thành được những ngành công nghiệp mũi nhọn mang lại nguồn thu đáng kể; cụ thể.

Đến nay, đã có 4 nhà máy thủy điện được xây dựng trên suối Nậm Kim; trong đó, Nhà máy Thủy điện Mường Kim và Hồ Bốn đã đi vào hoạt động, mỗi năm đóng góp cho ngân sách huyện 20 tỷ đồng và góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 270 tỷ đồng năm 2015.
Trong điều kiện của một huyện vùng cao địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh, dân cư sinh sống phân tán, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã đề ra mục tiêu phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giao thông để tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Liên tục trong 5 năm qua, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Đảng và Nhà nước, như nguồn vốn 30a của Chính phủ, nguồn vốn Chương trình 134, 135 và huy động nội lực, sức đóng góp của nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã huy động 2.680 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa hàng trăm công trình trụ sở làm việc, trường học, hệ thống kênh mương thủy lợi, nước sạch, mở mới nhiều tuyến đường. Đến nay, điện lưới quốc gia đã kéo đến 83/126 thôn bản góp phần nâng cao mức sống cho người dân.

Con đường bê tông từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải đi xã Chế Tạo có chiều dài 35 km với tổng mức đầu tư 121 tỷ đồng đang dần hoàn thiện. Ông Sùng Dua Vứ - bản Chế Tạo xã Chế Tạo phấn khởi chia sẻ: “Trước đây không có đường người dân khổ lắm, mùa khô còn đi bộ được còn mùa mưa không đi đâu được. Để đảm bảo cuộc sống hàng ngày thì người dân chủ yếu tự sản xuất lấy lương thực, thực phẩm. Bây giờ có đường, người dân có các mặt hàng nông, lâm sản đã chuyên chở được ra thị trấn bán lấy tiền mua các hàng hóa khác về phục vụ đời sống. Có điện được xem ti vi, được biết đến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã từng bước được cải thiện”.

Tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay Mù Cang chải đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, có 2 xã đạt 11 tiêu chí, 7 xã đạt 9 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5 đến 8 tiêu chí, tạo cho người dân sự tin tưởng, phấn khởi vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.

Đồng thời, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Mù Cang Chải đã giảm đáng kể. Nếu như đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là trên 80% thì cuối nhiệm kỳ còn là 50%.

Công tác giảm nghèo được chú trọng thông qua các chương trình dự án, các nguồn lực và đặc biệt trong 5 năm qua, đã có trên 2.600 lao động trên địa bàn huyện được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 16,2% lên 27%, tạo việc làm mới cho gần 4.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 13 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2010.

Những kết quả đó chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và chính quyền huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đoàn kết thống nhất trong nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới.

 

Theo Báo Yên Bái