Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một ngày ở Nậm Mười

15/11/2016 01:16:00 Xem cỡ chữ
Cứ hẹn rồi dùng dằng mãi tôi mới lên được Nậm Mười (Văn Chấn). Chẳng biết có phải trời muốn thử lòng người hay không mà lần đi công tác này cứ chùng chằng mưa nắng. Nghĩ tới câu nói của đồng bào vùng cao “khắc đi khắc đến” mà thấy lòng nhẹ nhõm, phấn chấn. Bao nhiêu khó khăn mường tượng trong đầu dường như chẳng còn là trở lực...

Đường tới thôn Làng Cò.

Đường lên Nậm Mười không thể nói là dễ đi, vì cả chặng đường dài gần hai chục cây số lên đến trung tâm xã chỉ toàn đường đất trơn trượt, lởm chởm đá núi. Đấy là chưa kể đến hai ngầm tràn qua suối đang được triển khai thi công đã đỡ đi phần nhiều khó khăn, cách trở. Mùa này, xe máy đi còn tạm chứ ô tô lên xã gặp thời tiết bất lợi như lũ suối thì có khi phải đợi nước rút tới cả ngày trời. Mà thời tiết ở vùng cao kể cũng đến lạ! Cứ đỏng đảnh nắng mưa, thất thường bão lốc. Vừa bất chợt xối xả mưa rừng, thoáng chốc đã tạnh khô như không. Lũ quét, lũ ống vì thế ập đến bất ngờ khó mà dự báo trước. Chẳng thế, mấy anh bạn khuyến nông có kinh nghiệm đi vùng cao cứ dặn đi, dặn lại là phải cẩn trọng đề phòng lũ suối.

Đánh vật với con đường trơn như đổ mỡ sau gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Nậm Mười. Trụ sở UBND xã xây dựng khá khang trang nhưng chỉ được đâu có gần chục phòng làm việc. Hầu hết khối đoàn thể và Công an xã vẫn tạm bợ, xen ghép trong những dãy nhà gỗ lợp phibrô-ximăng cũ kỹ, bàn ghế thiếu - đủ lôm nhôm. Có đi mới biết, có đến Nậm Mười mới thấy, xếp địa phương này nằm trong tốp 4 xã khó khăn và nghèo nhất nhì của huyện Văn Chấn quả không sai. Ở nơi đại ngàn heo hút chỉ toàn là rừng với núi ấy, có lẽ thứ giàu có nhất chính là đất.

Nậm Mười có tổng diện tích tự nhiên gần 2.700 km2, tiếp giáp với 3 xã của huyện Văn Chấn và xã Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. Xã có trên 1.200 ha đất lâm nghiệp; trong đó, rừng tự nhiên trên 150 ha, rừng trồng của Dự án 661 gần 280 ha, đất chuyển đổi mục đích sử dụng trồng cây cao su 62 ha, rừng phòng hộ trên 336 ha, đặc biệt có gần 400 ha quế, 47 ha chè Shan… Diện tích gieo cấy lúa 2 vụ của xã đã mở rộng trên 240 ha nhưng phân bố manh mún và không đều, cá biệt có những thôn gần như không có đất canh tác ruộng nước như thôn Nậm Biếu, người dân sống dựa cả vào rừng...

Hơn 12 giờ, mưa ngàn vẫn xối xả. Vội vã tiếp chúng tôi khi cuộc làm việc của đoàn công tác Huyện ủy Văn Chấn và lãnh đạo địa phương vừa kết thúc, Chủ tịch UBND xã - Bàn Thừa Phúc nói như phân trần: “Nói thật là địa phương chúng tôi còn nghèo lắm, khó khăn hãy còn đang nhiều hơn thuận lợi nên kinh tế chưa có gì nổi bật. Cái chính là giao thông đi lại ở đây còn quá khó khăn. Nếu so sánh với trước đây thì nay đời sống của nhân dân đã khá lên rất nhiều. Xã cũng ngày một khang trang đổi mới. Một số chương trình, nguồn vốn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho địa phương đang phát huy hiệu quả tốt. Trong 5 năm qua, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai ở địa phương với tổng vốn gần 3 tỷ đồng, góp phần mở mang hệ thống đường giao thông, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ riêng Chương trình 135 trong 4 năm qua đã đầu tư cho địa phương 1,2 tỷ đồng làm mới gần 11 km đường giao thông nông thôn, liên thôn; cứng hóa trên 2 km đường và 2,3 km kênh mương thủy lợi. Đến nay, 7/8 thôn của xã đã có đường ô tô đến trung tâm thôn vào mùa khô, 5/8 thôn sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đặc biệt, từ nguồn vốn chương trình kiên cố hóa lớp học tổng trị giá gần 5 tỷ đồng và các nguồn lực xã hội khác, Trường Tiểu học của xã đã xây dựng khang trang. 3 điểm trường bán trú tiểu học và trung học cơ sở điều kiện học tập cũng từng bước đảm bảo...”.

Không thể phủ nhận, nguồn lực của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện ở huyện Văn Chấn nói chung, xã Nậm Mười nói riêng những năm qua thực sự là đòn bẩy, động lực quan trọng góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; rút ngắn và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các xã vùng sâu, vùng cao với các địa phương trong huyện. Thế nhưng, những khó khăn nội tại của một địa phương nghèo với trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức và trình độ sản xuất hạn chế, giao thông đi lại khó khăn cách trở... thì chưa thể tạo ra phép màu đưa Nậm Mười bứt phá.

Một nhiệm kỳ đầy vất vả, quyết tâm cao và cả sự quyết liệt, nghiêm túc khi mạnh tay xử lý kỷ luật đến 4 đảng viên chưa thực sự gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, Đảng bộ xã đã hoàn thành cơ bản 23/24 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. An ninh lương thực tại chỗ cơ bản đảm bảo. Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt gần 1.500 tấn, bình quân lương thực đầu người trên 320 kg/năm, phần nào bớt đi nỗi lo thiếu đói giáp hạt dù rằng tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn tới 406 hộ, chiếm trên 60%.

Tìm hiểu căn nguyên cái nghèo ở Nậm Mười thì thấy, Nậm Mười nghèo chẳng phải đồng bào Dao nơi đây thiếu chăm chỉ làm ăn. Cũng không phải Nậm Mười chưa tìm được cây, con hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Nói như Bí thư Đảng ủy xã - Đặng Kim Thọ thì người dân chưa thể khá lên nhanh và trở ngại lớn nhất khiến cho địa phương chậm phát triển chính là khó khăn về giao thông đi lại, hạn chế về thông tin liên lạc, về trình độ sản xuất, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu điện... Xã đến nay vẫn còn 3 thôn chưa có điện cũng là 3 thôn nghèo nhất là Khe Trang, Nậm Biếu và Ngã Hai. Đã khó lại càng khó hơn đối với những thôn, bản này khi mà ảnh hưởng của cơn bão số 3 mới đây đã cuốn trôi hầu hết máy phát điện nhỏ của các gia đình; cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại; giao thông ách tắc.

Ở Nậm Mười, ngoài những cây lương thực truyền thống như lúa, ngô, sắn thì quế mới chính là cây kinh tế chủ lực. Người Dao ở Nậm Mười từ lâu nổi tiếng về trồng quế. Có những gia đình ở đây đã có tới cả chục héc-ta quế. Diện tích quế của xã đến nay có gần 400 ha. Tuy nhiên, giá trị mà cây quế mang lại cho địa phương này lại chưa thực sự lớn, mỗi năm chỉ đạt khoảng gần 4 tỷ đồng.

Không phải cây quế ở Nậm Mười thua kém về chất lượng mà chính bởi chi phí vận chuyển quá lớn trong điều kiện đường giao thông đến các thôn, bản của xã vẫn chủ yếu là đường đất, đường núi khiến giá trị kinh tế mà người dân thực thu về không cao. Chăn nuôi hay các sản phẩm nông sản khác cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó, đấy là chưa kể đến việc tư thương lợi dụng ép giá kéo theo kinh tế thị trường ở địa phương chậm phát triển; hoạt động thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ, chưa khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Một ngày ở Nậm Mười. Tôi đã gặp những con người đầy lòng nhiệt huyết. Một anh cán bộ khuyến nông tên Phương, quê Thượng Bằng La hơn chục năm bám địa bàn vùng cao chỉ với chiếc xe máy cũ mèng và đồng lương còm cõi vẻn vẹn hơn 3 triệu đồng.

Anh bảo: “Gắn với cái nghề này nghiệp này rồi thì cứ yên tâm mà đi thôi. Lắm khi nghĩ cũng tủi! Lương tháng ngọ ngằn, tằn tiện tự nấu nướng ăn, vậy nhưng có bận về thăm nhà còn chẳng đủ tiền mua cho con chút quà. Đấy là chưa tính tháng nào vợ cũng đùm dúm gạo muối mang theo đi ăn. Nói chung là mình làm chỉ đủ nuôi  mình”. Tôi cũng đã gặp một cán bộ Hội Phụ nữ xã hoạt bát tên Bàn Thị Sếnh. 38 tuổi nhưng chị đang đảm nhiệm khóa thứ 3 trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Sếnh bộc bạch: “Chị em phụ nữ người Dao lớp trẻ bây giờ nhiều người biết chữ chứ lứa trên tuổi mình trở về trước vẫn còn nhiều người chưa biết đọc thông, viết thạo nên hạn chế về nhận thức. Mô hình phát triển kinh tế của chị em đến giờ cũng có tới gần 50 hộ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Nói thật là phụ nữ người Dao ở đây chủ yếu gánh vác những công việc nặng nhọc trong gia đình nên ít có người học hành lên cao. Có lẽ thế mà địa phương hiếm cán bộ nữ”.

Ngày mưa ở Nậm Mười tôi đã mới cảm nhận phần nào khó khăn mà người dân nơi đây vẫn kiên trì, bền bỉ vượt lên trong công cuộc kiến thiết quê hương, xây dựng nông thôn mới. Mới thấy mong muốn có những con đường bền chắc về thôn, bản của đồng bào vùng cao ở Nậm Mười là hoàn toàn chính đáng. Gửi lại Bí thư Thọ lời hẹn lần tới đi bản.

Nhìn con đường mưa trơn đầy ái ngại, tôi mang theo về những trăn trở của Chủ tịch xã - Bàn Thừa Phúc: “Vấn đề cần nhất địa phương mong muốn đó là làm sao các cấp các ngành sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn thôn Nậm Biếu và xã giáp ranh Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. Hơn 60 hộ, 307 khẩu và trên 1.300 ha đất sản xuất bị mất đi sẽ kéo theo nhiều phức tạp nảy sinh...”.

Nỗi lo của Chủ tịch UBND xã - Bàn Thừa Phúc không phải là không có căn cớ, rất cần được các ngành chức năng của tỉnh và huyện Văn Chấn sớm giải quyết để người dân yên tâm định canh, định cư, bám đất giữ rừng... 

 

Theo Báo Yên Bái