Văn Chấn đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

03/08/2017 02:45:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Xác định việc chuyển dịch cơ cấu lao động là mục tiêu quan trọng để hoàn thành 1 trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Văn Chấn đã chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân gắn với phát triển sản xuất. Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn công tác đào tạo nghề với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Các học viên lớp nghề thêu dệt thổ cẩm.

Gia đình chị Đinh Thị Ngọc ở thôn Bản Lào, xã Thanh Lương được tham gia lớp học nghề trồng nấm do tâm Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn mở tại xã, chị và bà con trong thôn nhận thấy đây là một nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình chị Ngọc trồng gần 1 nghìn bịch nấm sò, sản lượng thu hoạch  đạt trên 6 tạ, với giá bán bình quần từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Theo chị Ngọc với diện tích đất nông nghiệp hạn chế thì trồng nấm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị cùng nhiều bà con trong thôn. Hiện nay, riêng thôn Bản Lào đã có 14 hộ trồng nấm, với các loại nấm sò, nấm rơm và đang thử nghiệm trồng nấm linh chi. Đối với một xã thuần nông, có diện tích đất canh tác hẹp, dân số tập trung đông như Thanh Lương thì cây nấm đã trở thành một trong những lời giải cho bài toán thoát nghèo của người dân nơi đây. Mặt khác, từ khi có cây nấm, công tác vệ sinh môi trường ở Thanh Lương của được đảm bảo tốt hơn, bởi toàn bộ rơm sau khi thu hoạch đều được bà con thu gom gọn gàng, các hộ gia đình cũng thu dọn vệ sinh nơi ở sạch sẽ ngăn nắp bởi cây nấm đòi hỏi môi trường sống trong lành, thoáng mát mới cho sản lượng cao nhất.

Các lớp dạy nghề trồng nấm, may, thêu thổ cẩm, sửa chữa xe máy là một trong những hướng đào tạo nghề được huyện Văn Chấn triển khai thực hiện. Điển hình là lớp dạy nghề may công nghiệp được Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn mở ngay tại nhà của trưởng thôn Nà La, xã Sơn Lương. Lớp có 20 học viên là người trong thôn và các thôn lân cận theo học. Mở ngay tại thôn nên học viên gần như không tốn chi phí đi lại, chị em cũng yên tâm theo học mà vẫn chăm sóc được gia đình và làm công việc ruộng nương sau những giờ lên lớp.

Những lớp dạy nghề dã chiến được mở ngay tại cơ sở đã là một trong những giải pháp được Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn thực hiện để thu hút học viên tham gia các lớp học và nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động đầu tư các phương tiện kỹ thuật và tăng cường sự phối hợp với những cơ sở đào tạo nghề, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện để bổ sung những thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Trung tâm  đã đẩy mạnh mối liên hệ với cơ sở, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để nắm nhu cầu được đào tạo nghề và nhu cầu được cung ứng lao động. Trung tâm đặc biệt lưu ý đến thời gian, chất lượng đào tạo để các học viên sau khi tốt nghiệp đều bảo đảm kiến thức cơ bản, được cấp chứng chỉ đào tạo để hành nghề. Theo đánh giá, sau khi kết thúc khóa học các học viên đã biết vận dụng những kiến thức đã học, tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất và chăn nuôi ở gia đình, địa phương.

Xác định việc chuyển dịch cơ cấu lao động là mục tiêu quan trọng để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Văn Chấn đã chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân gắn với phát triển sản xuất từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động. Để thực hiện mục tiêu dạy nghề gắn với nhu cầu lao động việc làm tại địa phương, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường huyện Văn Chấn  đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn công tác đào tạo nghề với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo giảm dần đào tạo lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại. Góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Văn Chấn đã tập trung chỉ đạo, định hướng cho các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho lao động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, yêu cầu của thị trường sử dụng lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, tìm kiếm thông tin về thị trường lao động, thường xuyên thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến nhân dân, đa dạng hóa hình thức, phương pháp và cách thức đào tạo nghề phù hợp cho lao động. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đồng bộ, đạt chuẩn theo nghề, tương ứng với kỹ thuật, công nghệ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề…

Tiến Lập