Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống

21/05/2020 10:45:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là bài toán khó, vẫn là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Đồng bào Mông xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trao đổi thông tin tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và kinh nghiệm sản xuất

Thực tế cho thấy tại Yên Bái, các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tình trạng tảo hôn, gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Xét theo giới tính và nhóm tuổi thì tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm của cả nam và nữ giới ở nhóm tuổi tuổi 15 đến 19 tuổi đều có xu hướng gia tăng. Phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn và ở nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18 thì tỷ lệ tảo hôn ở nữ dân tộc thiểu số (DTTS) cao hơn gần 3 lần so với nam.

Xét theo dân tộc thì các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; trong đó 25/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 10%. Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở Yên Bái tập trung chủ yếu ở hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

Hiện nay, kết hôn cận huyết tuy đã giảm những vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì với con chú bác. Do là các hủ tục, bên cạnh tác động, ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường, những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất đa dạng, trong đó phải kể đến sự thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu, do nghèo đói, khó khăn về điều kiện tự nhiên,… Chính những nguyên nhân này khiến cho hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại dai dẳng đến tận ngày nay mặc dù công tác tuyên truyền và sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương, nơi có đông đồng bào DTTS, đã được thực hiện tích cực trong thời gian gần đây.

Trước tình hình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng DTTS vẫn còn phổ biến, gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng dân số,… gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, ngày 18/4/2020, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/TU về việc thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020, giao nhiệm vụ cho Huyện ủy các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh; Ban Tuyên giáo tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban cán sự đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường  huy động cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc thật sự có hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, ngày 28/4, 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch 191-KH/TU ngày 18/4/2020 của Tỉnh ủy, định hướng, quán triệt một số nội dung KH 191, thảo luận cùng các đại biểu về dự hội nghị, đưa ra giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quá trình khảo sát đánh giá cho thấy tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng, nhất là các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Vẫn là một thách thức không nhỏ đối với công tác tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Do đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS là việc làm cần thiết.

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là bài toán khó. Nhưng tin rằng, với sự nỗ lực qua công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu, sát và lâu dài của cấp ủy, chính quyền nơi đây, tình trạng này sẽ dần giảm thiểu, đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số địa phương.

 

2198 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »