Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái - Đào tạo nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động

16/10/2019 09:26:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 54,65 nghìn lao động. Trong đó: Từ phát triển kinh tế - xã hội 31,6 nghìn lao động; từ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm gần 4,8 nghìn lao động; từ xuất khẩu lao động 3,3 nghìn lao động; đi làm việc tại các tỉnh, thành ngoài địa bàn Yên Bái trên 15 nghìn lao động. Những kết quả này tiền đề vững chắc công tác chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Lớp dạy chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ quế cho các học viên đang được người dân quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 4 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tuyến huyện). Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo cho trên 50,4 nghìn người (trong đó: Trình độ cao đẳng 4,045 nghìn người; trung cấp gần 7,4 nghìn người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng gần 39 nghìn người). Trong giai đoạn này, đã có gần 15,4 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 27,8%.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cả về quy mô, chất lượng và năng lực đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề luôn chú trọng gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm bằng cách liên kết, ký hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Điện, điện tử công nghiệp, cơ khí, xây dựng,… Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề còn đào tạo thêm một số nghề mà người lao động có nhu cầu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, đào tạo cấp bằng lái ô tô, may mặc, du lịch, dịch vụ…

Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề đã chủ động đào tạo nghề mới, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo nghề. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng người lao động sau khi đào tạo nghề không có việc làm hoặc học xong nhưng không làm nghề đã học, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, địa phương, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát lại danh mục đào tạo nghề cho phù hợp với yêu cầu xã hội và nhu cầu thực tế của người học.

Bên cạnh đó, để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đội ngũ lao động theo các ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động đã áp dụng hiệu quả các kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi, canh tác và kinh doanh… tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Song song đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được tỉnh Yên Bái thực hiện có hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 54,65 nghìn lao động (Trong đó: Từ phát triển kinh tế - xã hội 31,6 nghìn lao động; từ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm gần 4,8 nghìn lao động; từ xuất khẩu lao động 3,3 nghìn lao động; đi làm việc tại các tỉnh, thành ngoài địa bàn Yên Bái trên 15 nghìn lao động).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tập trung chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tải, tích hợp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Nâng cao và khẳng định thương hiệu với người học và xã hội bằng sản phẩm đầu ra, đáp ứng được yêu cầu và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm. Đặc biệt, sẽ tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo./.

Ban Biên tập

Các bài khác