Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tháo gỡ khó khăn cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Yên Bái: nhìn từ phía các doanh nghiệp

16/10/2019 09:34:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm 1,6% so với năm 2018, tương ứng 4.367 người; cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh vực: nông nghiệp chiếm 63,33%, phi nông nghiệp chiếm 36,67%; phấn đấu đào tạo nghề cho 16.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 57%. Để đạt được những chỉ tiêu chủ yếu này, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải giải quyết cơ bản những khó khăn trong thực hiện việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái.

Thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cho thấy hiện nay việc thu hút lao động vào làm việc trong các ngành phi nông nghiệp còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện nay việc thu hút lao động nông nghiệp vào làm tại các nhà máy không quá khó khăn mà khó khăn chính là việc giữ chân các lao động này gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thực tế tại nhiều các nhà máy trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã cho thấy người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp từ khi thành lập nhưng trong quá trình lao động họ vẫn xin nghỉ làm vào những thời điểm như mùa cấy, mùa gặt, mùa thu hoạch sắn… ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thì các dự án đầu tư khi triển khai thực hiện chưa xác định rõ quy mô sử dụng lao động theo từng giai đoạn của dự án; các doanh nghiệp đang hoạt động cũng chưa dự báo được nhu cầu sử dụng lao động, lao động qua đào tạo dẫn đến việc cập nhật thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh chưa được đầy đủ, kịp thời. 

Hoạt động đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp còn ít, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khó khăn trong tuyển sinh dạy nghề ở trình độ cao đẳng, tổ chức dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. 

Lãnh đạo trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Là đơn vị đào tạo nghề công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng trong công tác tuyển sinh nhà trường vẫn gặp khó khăn. Một mặt, do người học trình độ cao đẳng phải đóng học phí. Mặt khác, đối tượng tuyển sinh là thanh niên, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề. Trong khi việc tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn còn ít”.

Người lao động chưa tích cực chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một thực tế mà hầu hết các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh gặp phải. Với thị xã Nghĩa Lộ, ngoài việc thu hút phát triển sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề gắn với tạo việc làm cho lao động còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn do vấn đề thu nhập. 

Đối với các huyện vùng cao như Trạm Tấu, khó khăn căn bản nhất vẫn là trên địa bàn không có nhiều doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Vì vậy mà việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều khó khăn do trình độ cán bộ cấp xã không đồng đều, trình độ dân trí thấp chỉ là một vấn đề. Rất ít doanh nghiệp trong tỉnh đến Trạm Tấu tuyển dụng lao động. Đặc biệt là không có doanh nghiệp cam kết tạo việc làm sau đào tạo cho lao động học các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp của địa phương….

Để giải quyết những khó khăn này Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” xác định một trong những giải pháp là đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch với hi vọng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người sử dụng lao động và người lao động.

Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, đưa các thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm hành chính công của tỉnh, tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh. Chú trọng thu hút đầu tư đối với ngành du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến như chế biến nông sản, chế biến chè, chế biến tinh dầu quế, chế biến gỗ, chế biến tinh bột sắn, sản xuất giấy đế, sản xuất xi măng, chế biến khoáng sản, đá xây dựng…Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, giày da…gắn với giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh.

Liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn để tận dụng khả năng về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, năng lực quản lý nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. Xây dựng chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm khuyến khích việc phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác xã ở nông thôn trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp như: hỗ trợ về vốn, đất đai, công nghệ, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm…

 

Ban Biên tập