Phát triển sản xuất gắn với xóa đói, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới

26/11/2018 15:09:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Qua 2 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà cho thu nhập cao.

Xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, trong 2 năm qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đăng ký triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao điển hình như: Mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng tre măng Bát độ... những mô hình có hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất và hiện nay đang triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó có các đề án thành phần tập trung vào những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng. 

Trong những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hàng năm tỉnh Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 45 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ những chủ trương chính sách hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nông dân từng bước nâng cao, an ninh lương thực được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo các năm đều giảm vượt mức kế hoạch đề ra; công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn được chú trọng; các hình thức sản xuất được quan tâm và phát triển mạnh mẽ.

Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 6,5% so với năm 2016. Lũy kế đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 47 xã đạt Tiêu chí số 11 về Hộ nghèo.

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mỗi năm giảm khoảng 2-3%; hiện nay tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khoảng 76%. Đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 121 xã đạt Tiêu chí số 12 về Lao động có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 51%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 35%.

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 165 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chiếm 52,7%. Số lượng thành viên tham gia là 8.493 người với tổng vốn điều lệ 176.325 triệu đồng. Doanh thu bình quân của 01 Hợp tác xã/năm là 860 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong Hợp tác xã là 36 triệu đồng/người/năm. Lãi bình quân của Hợp tác xã/năm là 253 triệu đồng. Lũy kế đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 91 xã (chiếm 57,96% số xã) đạt Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững, trong đó: Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế...

 

 

Thanh Thủy