UBND tỉnh làm việc về xây dựng Đề án xây dựng huyện Trấn Yên cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2020

03/10/2017 13:21:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sáng 3/10, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc về xây dựng Đề án xây dựng huyện Trấn Yên cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2020; kế hoạch xây dựng 3 đến 5 xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong 3 năm từ năm 2017 - 2019. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trấn Yên; lãnh đạo UBND các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên.

Đề án xây dựng huyện Trấn Yên cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2020 được xây dựng tập trung vào 3 nội dung chính là: nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 6 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016; tập trung xây dựng hoàn thành cho 15 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2017 - 2020 để có 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cao chất lượng các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành và tập trung xây dựng hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong tổng thể 9 tiêu chí chung theo quy chuẩn của huyện nông thôn mới, trong đó có 6 tiêu chí đã xác định cơ bản đạt chuẩn, còn 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn.

Về kế hoạch xây dựng từ 3 đến 5 xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong 3 năm từ năm 2017 - 2019, trên cơ sở đăng ký của các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn 5 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2017 - 2019 là xã Việt Thành - huyện Trấn Yên, xã Liễu Đô - huyện Lục Yên, xã Đông Cuông - huyện Văn Yên, xã Thượng Bằng La - huyện Văn Chấn, xã Đại Minh - huyện Yên Bình.

Ngoài việc xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định hiện hành, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu yêu cầu phải đạt thêm 6 tiêu chí bao gồm tiêu chí về phát triển sản xuất, tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về hộ nghèo, tiêu chí về kết cấu hạ tầng, tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, tiêu chí về hệ thống chính trị.

Chỉ tiêu đánh giá các tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đều ở mức độ cao hơn so với tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời trong Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cũng đề cập mở rộng một số chỉ tiêu không có trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới như có tối thiểu một mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc công nghệ tiên tiến đạt doanh thu tối thiểu 3 tỷ đồng/năm; Tỷ lệ đường trục xã, trục thôn có hệ thống đèn chiếu sáng lớn hơn hoặc bằng 80%; xã và các thôn có cổng chào; Tỷ lệ km đường liên thôn, liên xã có trồng cây xanh, cây bóng mát lớn hơn hoặc bằng 50%...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: việc xác định cụ thể nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh, từ huyện hoặc từ xã trong thực hiện đề án là rất khó khăn; hiện nay huyện Trấn Yên vẫn còn 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nên dẫn đến áp lực về tiến độ thực hiện; bên cạnh đó đời sống người dân của huyện còn ở mức thấp, nguồn thu chủ yếu còn dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao nên khó khăn trong việc huy động các nguồn lực; cần làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong việc triển khai thực hiện Đề án…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh Đề án xây dựng huyện Trấn Yên cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2020 là Đề án của UBND tỉnh Yên Bái cho nên các sở, ngành có trách nhiệm tham mưu, giúp việc và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Về quan điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 cần thống nhất mục tiêu cuối cùng cho xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân để giảm khoảng cách giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị và muốn xây dựng nông thôn mới bền vững thì tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất là tiêu chí quan trọng. Mục tiêu của giai đoạn 2017 - 2020 cần bổ sung làm rõ các chỉ tiêu, các tiêu chí của từng xã, từng huyện, xác định rõ những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư và các tiêu chí không cần nguồn lực đầu tư, nhu cầu vốn, cơ cấu các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí. Trong nội dung Đề án cần bổ sung thêm việc phân tích các cơ cấu nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trấn Yên. Trong nhóm các giải pháp cần bổ sung việc kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện các giải pháp theo hàng quý, hàng năm; việc đa dạng hóa các nguồn lực; bổ sung các chính sách đặc thù, ưu tiên việc phân bổ nguồn lực của trung ương và của tỉnh, điều chỉnh cơ chế về quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với huyện Trấn Yên tiếp thu ý kiến kết luận của Chủ tịch cũng như ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan để bổ sung, hoàn thiện Đề án. Huyện Trấn Yên tính toán, xác định các nguồn lực, khả năng thực hiện các tiêu chí và đề xuất lộ trình để thực hiện các chương trình theo từng giai đoạn. Các sở, ngành chủ động làm việc với huyện Trấn Yên để xác định rõ từng tiêu chí phụ trách, nhu cầu nguồn lực và đưa ra lộ trình để hoàn thành các tiêu chí này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính cần đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù; rà soát lại kế hoạch đầu tư công, kế hoạch thu chi ngân sách năm 2018 theo hướng bổ sung, điều tiết cho huyện Trấn Yên để hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Thu Nga