Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – tỉnh Yên Bái

10/11/2023 20:04:14 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ được ví như bức tranh kiệt tác của cộng đồng người Mông. Ngày 31/12/2021, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ trao cho cộng đồng người Mông, huyện Mù Cang Chải.

Ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái – Di tích quốc gia đặc biệt

1. Tên gọi di tích:

- Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

- Tên gọi khác của di tích và nguồn gốc tên gọi: Không

2. Loại hình di tích:

Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – tỉnh Yên Bái

3. Quyết định công nhận di tích:

Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải cho tỉnh Yên Bái

 

4. Địa điểm di tích

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải được phân bố trên địa bàn 6 xã thuộc huyện gồm: La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Lao Chải, Mồ Dề, Chế Cu Nha, Kim Nọi với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là gần 853ha.

5. Đường đi đến di tích

Huyện Mù Cang Chải cách Hà Nội chừng 300 km về phía Tây Bắc, nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 186km (theo quốc lộ 37 và quốc lộ 32). Đến Mù Cang Chải duy nhất chỉ có Quốc lộ 32 bằng hai hướng: Nếu từ Hà Nội, du khách lên Yên Bái, qua Mường Lò - Nghĩa Lộ với chặng đường đèo dốc quanh co, khi thấy sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Hướng thứ hai, từ Lào Cai xuống, cũng là đường đèo, nhưng dốc xuống thoai thoải dễ đi hơn. Đoạn này đi qua Than Uyên khoảng 40 km là tới được Mù Cang Chải.

Vị trí và đường đến các điểm di tích như sau:

* Xã La Pán Tẩn

- Vị trí:  Xã La Pán Tẩn nằm ở phía Đông huyện Mù Cang Chải, có tọa độ 104023’ đến 104027’ kinh độ đông; 21046’ đến 21050’ vĩ độ bắc. Phía Bắc giáp xã Chế Cu Nha; phía Đông giáp xã Cao Phạ; phía Nam giáp xã Púng Luông; phía Tây giáp xã Dế Xu Phình.

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến ngã Ba Kim (167km) đi đường liên thôn lên xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) khoảng 3,5km.

Danh thắng ruộng bậc thang của xã La Pán Tẩn phân bố tại các bản: La Pán Tẩn, Pú Nhu Háng Sung, Trống Tông, Tà Chí Lừ. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là: 280,16ha. Trong đó, khu vực I: 217,2ha; khu vực II: 62,96ha.

* Xã Dế Xu Phình

- Vị trí: Xã Dế Xu Phình có toạ độ địa lý: Từ 21o 4442 đến 21o 4942 độ vĩ bắc. Từ 104o 2005đến 104o 2512 độ kinh đông. Tổng diện tích tự nhiên của xã là: 4.407,05 ha. Phía Bắc giáp xã Chế Cu Nha; phía Đông giáp xã La Pán Tẩn; phía Đông Nam giáp xã Púng Luông và xã Chế Tạo; phía Tây Nam giáp xã Chế Tạo; phía Tây Bắc giáp xã Lao Chải và xã Kim Nọi.

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo đường quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến ngã Ba Kim (167km), đi tiếp đường liên thôn (đường bê tông, rộng 3,5m) lên xã Dế Xu Phình (1,8km).  

Danh thắng ruộng bậc thang xã Dế Xu Phình phân bố tại các bản: Dế Xu Phình, Ma Lừ Thàng, Phình Hồ. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ danh thắng là: 202,6ha. Trong đó, khu vực I: 170,5ha; khu vực II: 32,1ha.

* Xã Chế Cu Nha

- Vị trí: Xã Chế Cu Nha nằm ở phía Đông của huyện Mù Cang Chải có tọa độ địa lý: Từ 104021'36'' đến 104027'27'' kinh độ đông. Từ 21048'50'' đến 21054'09'' vĩ độ bắc Tổng diện tích tự nhiên là: 4.296,99ha. Phía Đông giáp xã Cao Phạ, La Pán Tẩn, Nậm Có; phía Tây giáp xã Mồ Dề; phía Nam giáp xã Dế Xu Phình và xã Kim Nọi; phía Bắc giáp huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai).

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo đường quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến xã Chế Cu Nha (khoảng 182km).

Danh thắng ruộng bậc thang của xã Chế Cu Nha phân bố tại các bản: Bản Chế Cu Nha, Trống Tông, Thào Chua Chải. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là: 106,97 ha. Trong đó, khu vực I: 77,1 ha; khu vực II: 29,87 ha.

* Xã Mồ Dề

- Vị trí: Xã Mồ Dề nằm ở phía Bắc của huyện Mù Cang Chải. Tọa độ địa lý: Từ 10401752 đến 10402457kinh độ đông. Từ 2105010 đến 2105532 vĩ độ bắc. Phía Đông giáp xã Chế Cu Nha; phía Tây giáp xã Khao Mang; phía Nam giáp thị trấn Mù Cang Chải và xã Kim Nọi; phía Bắc giáp xã Nậm Xây của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến thị trấn Mù Cang Chải (187km) đi tiếp đường liên thôn lên xã Mồ Dề (3km). Từ trụ sở xã Mồ Dề đi xuống quốc lộ 32 (3km), tiếp tục đi đường quốc lộ 32 theo hướng Mù Cang Chải-Nghĩa Lộ khoảng 01km, rẽ trái đi lên theo đường liên thôn (quốc lộ 32-bản Sáng Nhù) khoảng 1,5km là tới điểm danh thắng. Đường đất, rộng 1,5m-2m. Phương tiện đi đến danh thắng bằng xe máy và đi bộ rất thuận lợi.

Danh thắng ruộng bậc thang của xã Mồ Dề phân bố tại bản Sáng Nhù, cách trụ xã khoảng 4,5km, cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 3,5km. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ danh thắng là: 47,7 ha. Trong đó, khu vực I: 27,4 ha. Khu vực II: 20,03 ha.

* Xã Kim Nọi

- Vị trí: Xã Kim Nọi nằm về phía Tây Nam của huyện Mù Cang Chải. Phía Đông giáp xã Dế Xu Phình; phía Tây giáp xã Lao Chải; phía Nam giáp xã Lao Chải; phía Bắc giáp thị trấn Mù Cang Chải, xã Mồ Dề, Chế Cu Nha. Theo hệ toạ độ, độ cao nhà nước VN-2000 kinh tuyến trục 104o45’ múi chiếu số 3, xã Kim Nọi nằm trong toạ độ địa lý: Từ 104°16'51’’ đến 104°22'31’’kinh độ đông. Từ 21°47'42’’ đến 21°52'18’’vĩ độ bắc.

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến thị trấn Mù Cang Chải (187km) đi tiếp đường liên thôn lên xã Kim Nọi (5km). Từ trụ sở xã đi theo đường liên thôn đến bản Tà Chơ là tới danh thắng. Nếu đi đường quốc lộ 32, từ trụ sở đến thị trấn Mù Cang Chải (5km), đi theo quốc lộ 32 (Mù Cang Chải Chải-Nghĩa Lộ) đến xã Chế Cu Nha (khoảng 5 km) đi qua cầu suối Nậm Kim đến điểm danh thắng Ruộng bậc thang bản Tà Chơ (1,2km), đường đất rộng 2,5m. Phương tiện đi đến điểm danh thắng bản Tà Chơ bằng xe ô tô, xe máy và đi bộ rất thuận lợi.

Danh thắng ruộng bậc thang của xã Kim Nọi tọa lạc tại bản Tà Chơ. Danh thắng cách quốc lộ 32 khoảng 1,2km (đi qua suối Nậm Kim); cách trụ sở xã khoảng 11km (đi theo đường liên thôn); cách trung tâm huyện khoảng 6km.  Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ danh thắng là: 67,1 ha. Trong đó, khu vực I: 41,3 ha. Khu vực II: 25,8 ha.

* Xã Lao Chải

- Vị trí: Xã Lao Chải nằm ở phía Tây của huyện Mù Cang Chải. Phía Bắc giáp xã Hồ Bốn, Khao Mang; phía Nam giáp xã Chế Tạo; phía Đông giáp tỉnh Lai Châu; phía Tây giáp thị trấn Mù Cang Chải, xã Kim Nọi. Theo hệ toạ độ, độ cao nhà nước VN-2000 kinh tuyến trục 104o45’ múi chiếu số 3, Xã Lao Chải nằm trong toạ độ địa lý: Từ 104°09'20’’ đến 104°20'17’’ kinh độ đông. Từ 21°45'37’’ đến 21°53'31’’ vĩ độ bắc.  

- Đường đi đến di tích: Từ trung tâm tỉnh Yên Bái (km5) đi theo quốc lộ 37 (Yên Bái-Nghĩa Lộ) đến xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (khoảng 56km) đi theo quốc lộ 32 (Phú Thọ-Lai Châu) qua huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đến thị trấn Mù Cang Chải (187km) đi tiếp đường quốc lộ 32 (Mù Cang Chải-Than Uyên) khoảng 13km đến xã Lao Chải.

Danh thắng ruộng bậc thang của xã Lao Chải phân bố tại bản Lao Chải và bản Dào Xa; cách Ủy ban nhân dân xã khoảng 4km; cách đường quốc lộ 5km; cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 17km. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ danh thắng là: 167,66 ha. Trong đó, khu vực I: 141,7 ha. Khu vực II: 25,96 ha.

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, huyện nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên là 1.200,96 km2; phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; phía Tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Trung tâm huyện đặt ở thị trấn Mù Cang Chải với diện tích: 7,42 km2 nằm gọn trong lòng thung lũng, giữa là dòng suối Nậm Kim, chia thị trấn thành tả ngạn và hữu ngạn, tạo nên một vẻ đẹp hấp dẫn cho bất cứ ai đặt chân đến huyện lỵ vùng cao này.

Người Mông vào Mù Cang Chải cách ngày nay khoảng gần 300 năm và di cư làm nhiều đợt. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Mông ở Quý Châu (Trung Quốc) nổi dậy chống sự cai trị của nhà Thanh nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa đều bị dìm trong bể máu. Người Mông phải di cư xuống Vân Nam và Việt Nam vào Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), từ đó di cư sang Mù Cang Chải. Từ những năm 1840 - 1869, người Mông ở Quý Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) kiên cường nổi dậy tham gia phong trào nông dân "Thái Bình Thiên Quốc" chống Mãn Thanh. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, người Mông ồ ạt di cư sang Việt Nam cũng tới Lào Cai và Bắc Hà, xuống Phố Lu lên Sa Pa đi sang Than Uyên tới Mù Cang Chải. Nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc các họ Vàng, Thào,  Giàng,  Sùng, Cứ, Hồ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu, … Trong đó họ Giàng là đông nhất.

Tổng số dân huyện Mù Cang Chải là 66.970 người, mật độ trung bình là 56 người/km2 (theo niên giám thống kê năm 2022), trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái (4%), Kinh (4%) và các dân tộc khác (Theo số liệu thống kê dân số và nhà ở ngày 01/4/2019). Đối với người Mông ở huyện Mù Cang Chải, ruộng bậc thang trở thành cơ sở sản xuất ổn định và là loại hình tư liệu sản xuất đặc biệt. Khi đến mảnh đất này, họ tập trung thành các bản với phương thức canh tác đa dạng trên đất dốc, chủ yếu là canh tác nương rẫy và ruộng bậc thang. Tuy nhiên, ruộng bậc thang có ưu thế hơn do tính thâm canh và năng suất ổn định. Từ những mảnh đất phủ trên đó là thảm thực vật khá dày, các loài cây bụi, cỏ rậm rạp, sau khi tiến hành phát đốt sẽ tạo nên những mảnh nương rẫy có độ phì nhiêu cao, đảm bảo năng suất cây trồng. Cũng từ những mảnh đất này, sau khi tiến hành cải tạo, san lấp để tạo mặt bằng cùng với điều kiện thủy lợi thuận tiện là người ta có thể canh tác lúa nước trên các sườn đồi. Cứ thế, ruộng bậc thang được hình thành từ sức lao động bền bỉ, từ tư duy sáng tạo, từ óc chinh phục thiên nhiên và từ nhu cầu đảm bảo đời sống của tộc người Mông.

Khai khẩn ruộng bậc thang là quá trình công phu, tốn nhiều công sức, trong đó đã thể hiện rõ nét kinh nghiệm trồng lúa nước lâu đời của đồng bào Mông. Khi đặt chân tới mảnh đất này, người Mông với những nông cụ tự tạo đơn sơ nhất (cuốc bướm, cuốc chim, dao, xà beng, dao phát, cày, bừa, ...) cùng với sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết của nhiều thế hệ tiếp nối nhau đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ. Họ đã giải quyết vấn đề thủy lợi rất tốt từ những khe suối, tích nước từ những cơn mưa, dẫn theo mương máng quanh co chảy về để biến những sườn núi đất dốc cheo leo thành những triền ruộng bậc thang canh tác lúa nước. Với những gì mà tộc người tạo nên thì họ đã được ví như những người nghệ sĩ, những nhà thiết kế tài tình, những vị kiến trúc sư nổi tiếng vì cùng một lúc họ đã giải quyết được các vấn đề về nguồn nước, về khai khẩn đất đồi thành nơi canh tác để đưa được lúa nước lên đồi, canh tác ổn định và bền vững.

Đối với người Mông ở huyện Mù Cang Chải, ruộng bậc thang trở thành cơ sở sản xuất ổn định và là loại hình tư liệu sản xuất đặc biệt. Về thời gian xuất hiện ruộng bậc thang từ bao giờ thì chưa thể rõ. Song với đồng bào thì chắc hẳn nó phải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người ở vùng đất này, ruộng được hình thành từ khi cộng đồng đến và khai phá vùng đất này, gắn với nhu cầu lương thực của tộc người (khoảng thế kỷ XVIII).

Theo quan sát, ruộng bậc thang thường xuất hiện ở các quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải và những nơi như thế ruộng chạy khắp mặt đồi. Ở Mù Cang Chải canh tác ruộng bậc thang chủ yếu chờ vào mùa mưa, người Mông lợi dụng nước suối dẫn vào ruộng ở cấp cao nhất, từ đó dẫn nước tràn vào các ruộng thấp hơn. Ruộng bậc thang thường không rộng (có khi chỉ từ 1 đến 2 đường bừa) song rất dài.

Ruộng đất nói chung với tất cả các cộng đồng tộc người nói chung và người Mông nói riêng đều được coi là tư liệu sản xuất quan trọng để sinh tồn và phát triển. Nó giải quyết vấn đề lương thực cho con người, không chỉ tại chỗ mà đến nay nó còn là sản phẩm hàng hóa có giá trị. Với tộc người Mông ở Mù Cang Chải, nó là cơ sở để sản xuất lúa gạo ổn định nhất, là nguồn sống quan trọng nhất, thậm chí đây còn là sức mạnh của mỗi gia đình, dòng họ. Với họ, đây là tài sản quý báu truyền từ đời này qua đời khác, chia cho con cháu mỗi khi họ tách ra ở riêng, do đó ở Mù Cang Chải rất hiếm thấy hiện tượng mua bán, trao đổi đất ruộng bậc thang.

 Quá trình khai khẩn ruộng bậc thang là quá trình công phu, tốn nhiều công sức, trong đó đã thể hiện rõ nét kinh nghiệm trồng lúa nước lâu đời của đồng bào Mông. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng: quan sát, quá trình khai khẩn ruộng bậc thang còn cho ta thấy phần nào hình bóng của những mảnh ruộng đầu tiên khi con người bắt đầu biết khai khẩn các vùng đất hoang hoá thành các cánh đồng lúa nước. Ruộng bậc thang là sáng tạo của những cư dân địa phương dựa vào địa hình đồi núi để tạo ra các thửa ruộng dưới dạng phân cấp các bậc thang, sự kết tinh những sáng tạo của người dân miền núi với tập quán canh tác lúa nước cộng đồng các dân tộc vùng núi cao. Chỉ với đôi bàn tay và cái cuốc, không bản vẽ hay thước đo người dân đã làm nên những thửa ruộng bậc thang ở mọi độ cao, mọi ngóc ngách của các hẻm núi. Bất kể nơi nào có nước thì nơi đó có thể làm được ruộng. Nhiều thửa ruộng chỉ đủ một đường bừa mà bờ ruộng lại cao quá đầu người, đủ thấy sự cần cù chịu khó cũng như sức sáng tạo vô song của người dân. Họ thực sự là những “nghệ sĩ chân đất” vĩ đại đã tạo nên danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn mãi mãi đời sau phải tụng ca. Ruộng bậc thang của người Mông còn được coi như một bảo tàng sống của nền văn minh lúa nước miền núi. Hàng trăm năm qua, cư dân nơi đây đã tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp trong hoạt động phát triển kinh tế nhằm duy trì đời sống xã hội và bảo vệ sinh thái cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa.

Đến với mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải, ai ai cũng sẽ bị chinh phục bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn uyển chuyển, trải dài trên khắp các sườn đồi từ chân lên đến đỉnh, xếp tầng xếp lớp từ đồi nọ sang đồi kia, từ núi này sang núi khác, xen kẽ với những cánh rừng thông bạt ngàn, những khe suối ngày đêm róc rách chảy. Do điều kiện địa hình, ruộng bậc thang thường hẹp, nhiều nơi chỉ 1- 2 đường bừa nhưng thường rất dài uốn lượn quanh quả đồi. Có những thửa dưới chân đồi hoặc sát suối, diện tích có thể lên đến 90 - 100m2, song cũng có nơi thửa ruộng chỉ 4 - 5m2, thậm chí có những nơi, đồng bào tận dụng đất ven đường, ven khe chỉ có 1 - 2m2 cũng được cấy lúa và chăm sóc cẩn thận.

Dưới ống kính của những nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được tôn vinh về giá trị nghệ thuật và thành những tác phẩm được nhiều người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, những bức ảnh hay tác phẩm hội họa hẳn không thể lột tả được hết vẻ đẹp của Mù Cang Chải bằng việc tận mắt ngắm nhìn. Đến Mù Cang Chải, chỉ cần dừng xe bên đường, ngắm nhìn những triền ruộng bậc thang ven suối Nậm Kim, chúng ta đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoàn hảo của những nấc thang này, nhiều ruộng bậc thang, tầng tầng lớp lớp, ngút ngàn lên tận lưng chừng trời. Lên Mù Cang Chải, du khách đều phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, vì giữa vùng núi cao hiểm trở như thế lại có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ và đẹp đến mê hồn, mà chủ nhân của nó, không ai khác chính là bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu. Công việc khai khẩn ruộng được đồng bào Mông nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn đồi. Đây là nét độc đáo của loại hình canh tác mang đậm sắc thái của cư dân vùng cao huyện Mù Cang Chải.

Vào mùa hạ, đó là những bức thảm mơn mởn màu xanh lúa non và đến mùa thu lại trở thành những làn sóng lúa chín vàng rực rỡ. Những sóng lúa vàng trải dài dưới thung lũng, xếp tầng lớp men theo sườn đồi, đỉnh nối đỉnh. Sắc vàng của những cánh đồng chín xen lẫn sắc xanh của những cánh đồng nối vụ tạo thành dải lụa mềm mại, trong nắng mùa thu miền rẻo cao. Du khách sẽ được tận mắt trông thấy ruộng bâc thang Mù Cang Chải là những cánh đồng ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau, ngút ngàn đến tận trời xanh. Ruộng bậc thang nghiêng mình, uốn lượn qua những quả đồi trong sắc thu. Ruộng bậc thang nơi đây đẹp nhất vào lúc bình minh sáng và buổi chiều lúc hoàng hôn. Với vẻ đẹp vốn có, ruộng bậc thang không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn làm say lòng biết bao con người đã từng đặt chân tới vùng đất này. Theo từng mùa thì ruộng bậc thang Mù Cang Chải lại có một vẻ đẹp riêng. Đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu mướt xanh trên các cánh đồng. Mùa gặt ở Mù Cang Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, màu vàng của đất đỏ, hương vị của rừng núi hòa với không khí trong lành của vùng cao.

Càng lên cao, Mù Cang Chải lại càng thú vị không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của những cánh đồng lúa bạt ngàn, màu vàng của đất đỏ, mà tại đây ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh thì sự nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền núi.

Mù Cang Chải ngày càng trở nên gần gũi hơn không chỉ đối với các du khách địa phương, mà còn cả với các du khách nước ngoài. Đến thăm nơi đây, du khách có thể thả tâm hồn mình vào với núi rừng, hít thở không khí trong lành với khí hậu mát mẻ, rất tốt để có thể thư giãn vào những kỳ nghỉ dài. Hơn thế nữa, du khách còn có thể tận mắt chứng kiến những cánh đồng ruộng bậc thang ngút ngàn, đẹp nên thơ và ghi lại chân thực được hình ảnh của nơi đây, được chìm đắm trong sự nồng ấm, hiếu khách của những người dân bản địa hiền hậu.

Từ những bàn tay lao động cần cù, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành kỳ quan, là danh thắng quốc gia cần được bảo tồn và phát triển. Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp tuyệt vời của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây, trong câu hát và trong những vần thơ. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được biết đến là kỳ quan nhân văn của vùng Tây Bắc, một bức tranh hùng vĩ hoành tráng và cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Mông. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp thân thiện và hữu tình hấp dẫn du khách, tạo ra một không gian văn hóa, du lịch sôi động và đa sắc màu.

Để cảm nhận hết được cái bao la của núi rừng, sự hi sinh của tộc người, chúng ta có thể theo chân đồng bào, len qua những cánh rừng thông, những con đường nhỏ dốc đứng, quanh co, uốn lượn để lên hẳn những đỉnh cao. Đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt xuống những đường nét uốn lượn mềm mại của các thửa ruộng bậc thang dưới chân những dãy núi xanh mờ, thả mình vào thiên nhiên hùng vĩ, chúng ta sẽ cảm nhận được con người thực sự nhỏ bé trước sự bao la, kỳ vĩ của thiên nhiên, cũng thấy được rõ hơn bao giờ hết sức lao động miệt mài, bền bỉ, đoàn kết của bao đời người Mông. Sức mạnh ấy của cộng đồng đã chinh phục được thiên nhiên hùng vĩ, mang lại cái ấm no, ổn định, tương lai tươi sáng cho tộc người.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải có thể coi là một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của đồng bào Mông nơi đây. Nếu như vào mùa hạ, đó là những bức thảm mơn mởn với màu xanh của lúa non thì đến mùa thu, nơi đây lại trở thành những bức tranh lung linh trong sóng lúa chín vàng rực rỡ. Ruộng bậc thang hội tụ sự tinh hoa và sáng tạo không ngừng của bà con trong quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng. Việc đưa cây lúa nước lên đồi là một minh chứng cho cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào rẻo cao là thế.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng khắp thế giới, bất kỳ ai đặt chân tới đây vào mùa lúa chín hay mùa nước đổ đều phải thản phục và kinh ngạc kêu lên: Một tuyệt tác do con người tạo ra. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được rất nhiều báo và tạp chí các nước trên thế giới hết lời ca ngợi và bình chọn là: Đệ nhất ruộng bậc thang đất Việt, Top 20 điểm đến sắc màu nhất trên thế giới, 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2020…

Ruộng bậc thang được xác định là một sản phẩm du lịch độc đáo ở Mù Cang Chải, năm 2007, danh thắng đã được công nhận là Di tích quốc gia. Từ đó đến nay, công tác quảng bá được thực hiện rất tốt trên nhiều kênh thông tin khác nhau  nên số lượng du khách đến với Mù Cang Chải ngày một tăng đã được thế giới biết đến và sức hút của nó đối với du khách trong và ngoài nước. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, nằm trong hệ sinh thái nhân văn, bao gồm các yếu tố: khí hậu cận nhiệt đới, bức tranh văn hóa tộc người đa sắc màu với những nhóm cư dân thân thiện, nhiệt tình … Những phong tục tập quán đặc sắc cũng là một lợi thế to lớn thu hút khách tham quan đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của nó như biểu tượng của tinh thần sáng tạo vượt khó của đồng bào, chính sự sáng tạo này đã tạo nên một cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp cảnh quan mà còn có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học, thẩm mỹ, kinh tế cần được bảo tồn và phát huy trong tương lai.  Ngày 31/12/2021, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh Yên Bái, được Thủ tướng Chính phủ trao cho cộng đồng người Mông, huyện Mù Cang Chải, trải qua hàng trăm năm cần cù lao động sáng tạo, đời nọ nối đời kia để tạc vào vách núi một kiệt tác vĩ đại bằng đôi tay sần chai một bức tranh hùng vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc, đó là những thửa ruộng bậc thang trên các sườn núi cao quanh năm mây phủ.

Trong thời gian gần đây, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã trở thành một sản phẩm khai thác để phục vụ du lịch sinh thái văn hóa ở địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu cho cộng đồng, kèm theo đó là một số dịch vụ du lịch ở huyện vùng cao này đã phát triển hơn. Dù nguồn thu còn thấp nhưng sản phẩm du lịch này đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng cao và mang lại những giá trị kinh tế nhất định cho địa phương.

(Bài viết có sử dụng tư liệu do Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái cung cấp )

0 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h