Tôi hiện là giáo viên tiểu học tại tỉnh Yên Bái. Tôi có nỗi băn khoăn với vấn đề thiếu giáo viên cục bộ tại các huyện và thị xã trong tỉnh, song hành với vấn đề đó là vấn đề chất lượng hiện nay.
Giải pháp của các địa phương là rất hợp lý về vấn đề thiếu giáo viên cục bộ, đó là áp dụng việc tăng cường giáo viên dạy liên trường. Đây là giải pháp hợp lý nếu trường thừa giáo viên. Tuy nhiên cũng vì vấn đề thiếu giáo viên mà một số địa phương trong tỉnh áp dụng cách dồn học sinh lại để đảm bảo giáo viên đứng lớp, hoặc để thừa giáo viên ra tăng cường cho trường thiếu. Tỉ lệ học sinh tiểu học theo quy định trên 1 lớp không quá 35 học sinh đối với vùng sâu vùng xa. Vì cách dồn lớp mà hiện lớp ở vùng sâu vùng xa học sinh có hơn 40 học sinh/ lớp gồm có rất nhiều học sinh thuộc đối tượng các dân tộc khác nhau cùng học, thậm chí trong số đó có cả học sinh khuyết tật học hòa nhập, hơn thế lại rơi vào lớp học (khối 4) năm nay bắt đầu thay sách.
Là người giáo viên tôi rất băn khoăn vấn đề có đảm bảo được chất lượng giáo dục hiện nay hay không? Tôi thiết nghĩ vấn đề thiếu giáo viên có thể khắc phục được ngay, chứ vấn đề chất lượng nó sẽ kéo theo một lớp thế hệ. Tôi xin hỏi việc biên chế lớp học tiểu học ở vùng sâu vùng xa có trên 40 học sinh đã đúng với quy định chưa ạ? Nếu số lượng học sinh quá quy định thì việc đảm bảo chất lượng ai là người chịu trách nhiệm? (Giáo viên, Ban lãnh đạo hay cấp trên...? Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo giải đáp giúp tôi. Trân trọng cảm ơn!
Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời công dân Phạm Trọng Độ như sau:
Năm học 2023 - 2024, chỉ tiêu phát triển giáo dục Tiểu học của tỉnh Yên Bái: 2.822 lớp, 86.252 học sinh; trung bình của tỉnh Yên Bái là 30,6 học sinh/1 lớp (huyện Trạm Tấu trung bình là 26 HS/1 lớp; huyện: Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn trung bình là 30 HS/1 lớp).
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp Tiểu học còn thiếu so với quy định, tỷ lệ giáo viên theo định mức mới đạt 85,0%. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp như: Bố trí dạy vượt giờ, biệt phái giáo viên, bố trí dạy liên trường, liên cấp, dạy học trực tuyến để giải quyết khó khăn do thiếu giáo viên; để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 theo đúng kế hoạch thời gian năm học, một số địa phương đã tổ chức ghép lớp, nên số học sinh/lớp đã vượt 35 học sinh/1 lớp.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học nói riêng và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục tiểu học nói chung, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:
(1) Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức tuyển dụng giáo viên, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm tổ chức dạy học đúng theo yêu cầu của chương trình trong năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo các Đề án phát triển giáo dục.
(2) Tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô học sinh/lớp đảm bảo theo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(3) Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; kế hoạch giáo dục của nhà trường, giáo viên đảm bảo khoa học, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học.
(4) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác cam kết, nghiệm thu, bàn giao chất lượng đối với các cơ sở giáo dục; các nhà trường tổ chức cam kết chất lượng từ đầu năm học đối với các khối lớp, căn cứ vào cam kết để cuối năm học làm cơ sở đánh giá sự tiến bộ của học sinh, hiệu quả công tác quản lí, tổ chức dạy học của đơn vị.
(5) Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chủ động nghiên cứu, áp dụng các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Nhân dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt trân trọng, đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo trong những năm qua và chân thành chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy cô trong sự nghiệp “trồng người”. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo mong muốn và tin tưởng rằng các thầy cô sẽ vượt qua những khó khăn bộn bề trong cuộc sống, “tất cả vì học sinh thân yêu”, luôn luôn trách nhiệm, tâm huyết với nghề; tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; khắc phục khó khăn như thiếu giáo viên, thiếu phòng học để thi đua dạy tốt, học tốt, góp phần cùng toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng cảm ơn Sở Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến trả lời công dân!