Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Những mô hình hiệu quả

12/08/2015 07:51:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT- Trong thời gian vừa qua các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền vận động các hộ nghèo tham gia phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập tại chỗ, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình do Hội LHPN tỉnh thực hiện phát triển có hiệu quả góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập và phát triển kinh tế của địa phương.

Hội phụ nữ các cấp tỉnh Yên Bái đã và đang giúp hội viên thoát nghèo bền vững.

Để giúp các hội viên có kiến thức về chăn nuôi, sản xuất trong giai đoạn 2012 - 2015 các cấp Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức gần 4 nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 200 nghìn học viên tham gia về chăn nuôi thú y, trồng trọt. Đến nay có 65.221 hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký giúp 40.899 hộ nghèo có phụ nữ. Bằng nhiều hình thức chị em đã giúp nhau được 162.688 ngày công lao động, trên 30 tấn gạo, ngô, lúa, hàng nghìn loại cây, con giống và 4,2 tỷ đồng tiền mặt cho vay không lãi.  Qua đánh giá đã có 4.173 hộ phụ nữ nghèo là chủ hộ được công nhận thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã tiếp tục vận động hội viên phụ nữ đăng ký phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”. Đến nay đã xuất hiện hơn 1500 mô hình kinh tế có  thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng, 1.898 mô hình có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng và 1.187 mô hình trên 100 triệu đồng trở lên và 68 mô hình thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. 

Chị Hoàng Thị Bình - Thôn Loong Đèng, xã Mường Lai, huyện Lục Yên với mô hình trồng cây phật thủ có diện tích 2.160 m2,  3 ha cây lâm nghiệp, chăn nuôi lợn mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 6 con. Ngoài ra gia đình chị còn tổ chức thu mua phật thủ cho các hộ trong xã, tạo đầu ra cho sản phẩm. Thu nhập bình quân của gia đình chị gần 100 triệu/ năm. Cũng giống như chị Bình, gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Gốc Nụ, xã An Thịnh, huyện Văn Yên  có một vườn ươm quế giống với lượng 20 vạn quế giống xuất ra thị trường/ năm. Ngoài ra gia đình chị đã đầu tư vốn vay để phát triển trồng rừng. Hiện nay, gia đình chị có 10 ha từ 1 đến 12 năm tuổi đã cho thu nhập. Tổng thu nhập hàng năm từ việc bán cây giống và quế bóc mang lại cho gia đình chị trên 230 triệu đồng.

Chị Lều Thị Phượng - ở thôn 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình  lại thoát nghèo nhờ mô hình vườn rừng, chăn nuôi tổng hợp. Chị Phượng là hội viên trẻ, với số vốn vay tạo việc làm của Ngân hàng CSXH là 20 triệu đồng, chị đã đầu tư nuôi 3 con lợn nái, mỗi năm đẻ 2 lứa được trên 20 con lợn giống; nuôi 13 đõ ong, một năm thu khoảng 200 lít mật, nuôi 17 con dê sinh sản. Thu nhập từ nuôi dê, lợn và ong được trên 130 triệu/năm. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động.  Chị cũng đã giúp được 3 hộ nghèo trong thôn cùng làm theo vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị luôn được hàng xóm, hội viên học hỏi kinh nghiệm làm giàu, hàng năm gia đình được công nhận là gia đình văn hoá.

Với sự năng động, dám nghĩ dám làm nhiều mô hình thoát nghèo mới đang được các hội viên phụ nữ áp dụng vào thực tế và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu nhu cầu của thị trường chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Liên Phú tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái lại chọn mô hình đầu tư vào việc nuôi lợn rừng lai. Chị Hiền đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn rừng lai. Từ lúc chăn nuôi nhỏ lẻ đến nay gia đình chị luôn có trên 50 con lợn nái sinh sản, thường xuyên có trên 250 con lợn thịt, bình quân mỗi năm xuất bán 25 tấn lợn thịt, cung cấp khoảng 300 con  giống, doanh thu đạt trên 1 tỷ. Trừ chi phí mỗi năm gia đình chị có thu nhập trên 400 triệu đồng. Chị đã tạo thêm việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra chị còn tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo ủng hộ hộ nghèo, trường mầm non, biển đảo, sinh hoạt hè, sửa chữa đường làng ngõ xóm trị giá gần 20 triệu đồng; Giúp 30 gia đình hội viên phụ nữ khó khăn trong thôn 30 con lợn giống trị giá 45 triệu đồng, tư vấn về kiến thức chăn nuôi cho 41 hộ gia đình. Chị Hiền chia sẻ: “bản thân tôi cũng như nhiều chị em trong xã được vay vốn phát triển sản xuất cộng với việc được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi sản xuất nên đã đủ tự tin để làm giàu từ chính đôi bàn tay của mình.

Có thể nói các mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi” của các cấp Hội Phụ nữ đã thực sự đã lan tỏa đến cộng đồng những người dân sinh sống tại địa phương. Những hiệu quả của mô hình được người dân, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể đánh giá cao, đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mô hình đã được nhân rộng ra địa bàn, góp phần làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trong thời gian tới các cấp Hội phụ nữ tiếp tục chỉ đạo việc phối hợp và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các huyện, thị, thành phố với 133 mô hình nuôi gà thả vườn với trên 2.000 thành viên. Tiếp tục xây dựng phong trào phụ nữ tích cực thi đua học tập, phát triển kinh tế tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống. 

1132 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h