Trên
con đường uốn lượn theo sườn núi, những thửa ruộng xanh ngát dần hiện ra như
một bức tranh. Tiếng í ới trò chuyện của người dân đang cỏ lúa làm tôi thêm tò
mò về những “nghệ nhân” đang từng ngày vẽ nên bức tranh sinh động ấy.
Dừng
chân hỏi chuyện Giàng Khua Sử, một nông dân bản Nậm Khắt, anh Sử cho biết:
“Trước đây đời sống khó khăn lắm, cũng ngần ấy diện tích nhưng chúng tôi không
biết chăm sóc nên năng suất kém, thóc không đủ ăn. Nay thì khác rồi, được Nhà
nước đầu tư giống lúa, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, dân bản chúng tôi đã tập
trung sản xuất lúa nước. Phấn khởi hơn đường đến tận thôn, bản cũng được Nhà
nước quan tâm, bê tông hoá hết, giờ xe máy chở phân ra ruộng hay thóc lúa về
nhà không nặng nhọc gì. Được no bụng, ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm nên bà con
quyết tâm làm sao cho lúa tốt hơn để xây dựng bản làng”. Được biết, năm 2014
gia đình anh Sử thu được 80 bao thóc tương đương 4 tấn, đủ để ăn và chăn nuôi.
Theo
chân cán bộ xã, chúng tôi đến với bản Lả Khắt. Nói đi bản tôi đã nghĩ là phải
cuốc bộ hoặc chí ít thì cũng ngồi lủng lẳng sau xe của người bản địa chứ không
thể tự cầm lái được. Nhưng thật bất ngờ, đường vào bản phẳng lỳ. Lội qua con
suối nhỏ sang lán ven nương của gia đình anh Vàng A Khày. Đang kiểm tra những
đõ ong đặt quanh lán, A Khày bất ngờ vì khách không mời mà đến”, khuôn mặt vẫn
còn lấm bùn đất, anh phân trần: “Mình vừa tranh thủ đi làm cỏ nốt đám ruộng cho
kịp thời vụ chứ để thêm vài ngày lúa có đòng thì không làm được nữa. Rút kinh
nghiệm từ những năm trước, năm nay mình chăm bón theo đúng kĩ thuật như cán bộ
hướng dẫn, mọi năm nhà mình thu được 50 - 60 bao thóc, chỉ đủ ăn chứ chăn nuôi
vẫn thiếu vì trong chuồng nhà lúc nào cũng ngót chục con lợn. Ngoài trồng lúa,
gia đình cũng trồng thêm 1ha ngô, 1.500 gốc thảo quả, nuôi trâu, bò và hơn 50
đõ ong. Riêng thu nhập từ đàn ong một năm cho gần 400 lít mật, chỉ tính bán với
giá 80 - 100 nghìn/lít cũng cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Tổng thu nhập
của gia đình một năm trừ các chi phí ban đầu còn 70 - 80 triệu đồng. Giờ thì
không còn lo đói nữa mà chỉ lo cho các con học tốt thôi”.
Cũng
như A Khày, gia đình chị Giàng Thị Dở, thôn Làng Minh, anh Thào Nhà Lềnh, bản
Hua Khắt cũng là những gia đình có kinh nghiệm trong trồng lúa và có thu hoạch
từ 2,5 tấn/năm trở lên.
Theo
đồng chí Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt - Chang Thế Sửu: “Với
mục tiêu phấn đấu để người dân có đủ cái ăn, tự chủ động được lương thực tại
chỗ, không phải xin cứu đói mỗi mùa giáp hạt, chấm dứt tình trạng phá rừng làm
nương rẫy, xã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, tranh thủ các nguồn
vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng công trình thủy lợi, đồng thời thường xuyên
chỉ đạo kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa”.
Được
biết, ngoài việc giúp bà con thay đổi cung cách làm ăn, Nậm Khắt còn lồng ghép
nhiều chương trình hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu; mở các lớp tập huấn
chuyển giao kỹ thuật cho bà con, đưa cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn trực
tiếp đến từng hộ để mọi người dân đều nắm được kỹ thuật thâm canh cây lúa. Cụ
thể, đầu năm 2015, UBND xã đã tham mưu cho UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn huyện cung ứng 6.750 kg giống lúa lai 838, VL20 và cho vay
111 tấn phân các loại với hình thức trả chậm để nhân dân sản xuất đúng khung
lịch thời vụ.
Nhờ đó,
năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn tăng đáng kể. Thấy được hiệu quả
của việc trồng lúa, bà con đã tự đắp đập tận dụng khe suối lấy nước khai hoang,
mở rộng diện tích lúa nước. Hiện diện tích lúa nước của toàn xã là hơn 403ha,
trong đó có 45ha lúa xuân, 358ha lúa mùa. Ngoài ra, cây ngô cũng được xã trú
trọng và khuyến khích người dân mở rộng diện tích, tính đến cuối năm 2014, tổng
diện tích ngô đã đạt 225ha, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực của Nậm
Khắt lên trên 2.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 450kg/người/năm.
Với 50
đõ ong, mỗi năm gia đình anh Vàng A Khày thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
“Có cái
ăn, bà con không phá rừng làm nương mà yên tâm tập trung bảo vệ rừng và trồng
thêm một số diện tích mới” - đó là tâm sự của Bí thư Đoàn, kiêm phụ trách nông
nghiệp xã Thào A Giống khi chỉ lên những cánh rừng bạt ngàn. A Giống cho hay:
“Từ khi được no cái bụng, người dân phấn khởi lắm, chẳng ai bảo ai nhà nhà yên
tâm phát triển kinh tế, trồng rừng, năm 2014 toàn xã trồng mới được 70ha rừng
sản xuất và rừng phòng hộ, bảo vệ trên 1.179ha rừng trồng phòng hộ đưa tổng
diện tích rừng trên địa bàn lên 4.456ha. Đặc biệt, dưới tán rừng phòng hộ bà
con đã trồng thêm một số cây mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó có trên
80ha cây sơn tra tập trung ở 3 thôn: Cáng Dông, Xua Lông, Pú Cang”.
Vừa đi
vừa chuyện, Thào A Giống đã đưa chúng tôi đến nhà Thào A Sư - bản Lả Khắt. Vợ
chồng Thào A Sư vừa đi nương về, tay rót nước mời khách, A Sư vui vẻ chuyện:
“Nhà mình giờ đã đủ lúa để ăn, thấy cây sơn tra mang lại kinh tế cao nhưng là
mọc tự nhiên được ít lắm lại không phải của mình. Sẵn nhận bảo vệ chăm sóc 2ha
rừng phòng hộ mình trồng thêm sơn tra vào đó vừa sạch cỏ vừa có thêm thu nhập”.
Ngoài
trồng và bảo vệ rừng, diện tích chè của Nậm Khắt cũng tăng mạnh với trên 278ha,
trong đó, trên 112ha đã cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi là 23,7 tấn/năm.
Cùng với đó, xã cũng khuyến khích các hộ dân nuôi ong lấy mật dưới tán rừng
phòng hộ, hiện toàn xã đã có 1.650 đõ ong, sản lượng mật đạt 9 tấn/năm. Từ việc
phát triển cây sơn tra, thảo quả và nuôi ong lấy mật mà nhiều hộ dân nơi vùng
cao này đã có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Cuộc
sống đã có nhiều đổi thay, song với 894 hộ, 2.799 nhân khẩu, có tới 90% dân số
là đồng bào Mông, trình độ dân trí còn hạn chế bởi thế Nậm Khắt vẫn còn nhiều
khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân mới chỉ đạt 5,8 triệu
đồng/người/năm. Làm sao để nâng cao thu nhập đồng đều cho người dân trong điều
kiện địa hình vùng cao thời tiết khắc nghiệt chỉ thích hợp làm vụ hè thu là
điều trăn trở. Chính vì vậy, trao đổi với chúng tôi các đồng chí lãnh đạo xã
mong muốn tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đảm
bảo sản xuất hai vụ cho người dân. Cụ thể, theo kế hoạch vụ xuân tới giống lúa
mì sẽ được đưa vào trồng thử nghiệm tại bản Nậm Khắt đang mở ra hy vọng cho bà
con. Tin rằng với sự cần cù, chịu khó của người dân, sự chỉ đạo quyết liệt của
Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp, các
ngành thì ngày Nậm Khắt thoát nghèo bền vững sẽ không còn xa nữa.