Thật ý
nghĩa khi trong không khí của những ngày kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám
thành công, giữa thành phố Yên Bái hiện đại và thanh bình tôi được ngồi trò
chuyện với bác Đặng Ngọc Tri - cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sĩ giải phóng quân
Chiến khu Vần.
Trong
ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn yên tĩnh, nhắc về cái không khí của những ngày tháng
Tám 70 năm về trước, đôi mắt ông Tri bỗng sáng lên: “Ngày 16 - 17 Yên Bái bắt
đầu đánh Nhật. Bởi tùy tình hình điều kiện ở mỗi địa phương mà ta tiến hành
khởi nghĩa”. Thời điểm ấy, ông Tri đã tham gia cách mạng được hơn một năm, hoạt
động chủ yếu ở huyện Trấn Yên trong lực lượng vận động nhân dân tham gia và bảo
vệ cách mạng, đứng lên chống lại quân xâm lược, áp bức.
Ông kể
lại: “Khí thế thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám lúc bấy giờ bừng bừng
trong bộ đội quân giải phóng và nhân dân. Ai cũng nghĩ, thế là từ nay ta có đất
nước của ta - một nước độc lập và phải giữ lấy đất nước của mình. Điều đó đã
tạo nên sức mạnh giữ gìn thành quả”.
Có lẽ
cái khí thế ấy vẫn đang hừng hừng trong huyết quản, ông khoát tay đầy khí thế
như sống lại những ngày ấy: “Đơn vị chúng tôi đi khắp vùng Kiên Thành, Quy
Mông, Cổ Phúc... đi đến đâu xây dựng chính quyền cách mạng lâm thời đến đó. Đến
đâu cũng được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, kẻ thù buông súng, lý trưởng, chánh
tổng sẵn sàng trao ấn cho cách mạng để thành lập chính quyền cách mạng lâm
thời”.
Ngày
18/8 quân Nhật đầu hàng, toàn thị xã Yên Bái lúc bấy giờ cờ đỏ sao vàng tung
bay rợp trời. Ông Tri cao giọng hào hứng kể: “Không hiểu nhân dân ta may cờ sẵn
sàng từ lúc nào, mà đến ngày 22/8, mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng lâm
thời thị xã thì đâu đâu cũng thấy chỉ một màu cờ đỏ sao vàng”.
Không
được sống trong những ngày tháng lịch sử ấy, nhưng tôi phần nào cảm nhận được
niềm vui vỡ òa của một dân tộc bị áp bức bóc lột gần thế kỷ nay được hưởng độc
lập tự do. Ông Tri bảo, từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đến Tuyên ngôn Độc
lập 2/9 đã không còn quan niệm địa phương này, địa phương kia mà chỉ còn là
chung một nước.
Ông tâm
sự: “Lúc đó tôi nghĩ giải phóng không chỉ cho quê hương mình mà giải phóng đất
nước. Tinh thần chung của quân và dân ta là người một nước, cùng chung tay bảo
vệ”. Tinh thần ấy làm cho khối đoàn kết càng xiết chặt, trên dưới một lòng đánh
thắng quân thù. Cũng từ ấy, trong tâm trí mọi người dân luôn khắc ghi không có
gì quý hơn độc lập tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng
liêng.
Dù
không trực tiếp tham gia cách mạng giai đoạn ấy như ông Tri, nhưng ông Vi Văn
Tính - cựu thanh niên xung phong (TNXP) chống Pháp, ở phường Yên Ninh, thành
phố Yên Bái, lúc bấy giờ 14 tuổi, đủ để nhận biết về những ngày tháng
lịch sử ấy.
Ông
Tính kể: “Quê tôi ở Thanh Ba, Phú Thọ, thực dân Pháp bắt người nông dân phá
lúa, khoai để trồng đay, đói lắm. Gia đình tôi dời quê lên Minh Tiến, Trấn Yên.
Những hình ảnh tra tấn dân thường dã man của thực dân Pháp nhằm tìm những người
làm cách mạng tôi không bao giờ quên được. Cách mạng tháng Tám thành công đi
đâu người ta cũng chỉ nhắc đến đất nước, độc lập, tự do. Vui lắm, khí thế lắm.
Ai cũng mong trời sáng để được đi tập trung mít tinh”.
Cũng
chính bởi hào khí ấy mà ông Tính đã nhanh chóng tham gia TNXP. Ông tâm sự: “Dù
lúc ấy chưa được kết nạp Đoàn, những thanh niên chúng tôi hừng hực khí thế, nói
đến được đi là vinh dự lắm”. Biết bao thế hệ người con đất Việt đã thôi thúc
lên đường tham gia chiến đấu giải phóng đất nước bởi hào khí ấy. Và hào khí
Cách mạng tháng Tám vĩ đại luôn tạo nên sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân ta
bước tiếp những chặng đường mới, viết tiếp những trang sử oanh liệt mới.
Đó là
thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc 9 năm trường kỳ
kháng chiến với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu”.
Đó là
thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm thu giang sơn
về một mối, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là thắng lợi to lớn và có ý nghĩa
lịch sử sau gần 30 năm Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đưa đất nước
ta ngày càng có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Nói về những thay đổi
ấy, cựu chiến binh Đặng Ngọc Tri đã dùng hai chữ “không tưởng”.
Ông tâm
sự: “Nhìn quê hương mình xem, đường sá, nhà cửa đã khang trang đẹp đẽ, giờ có
ai bị đói nữa đâu. Nhất là thành phố Yên Bái, những năm 90 có cây cầu Yên Bái
đã đổi thay rất nhiều, giờ có thêm cầu Văn Phú, đường cao tốc... phát triển
nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng hòa với ý dân nên đất đai rất quý nhưng
người dân vẫn hiến đất như bà Mười trong phường Yên Ninh hiến 300m2 đất làm nhà
văn hóa...”.
Chỉ có
những con người đã trải qua những giai đoạn của lịch sử mới có thể thấy được sự
thay đổi to lớn đến nhường nào. Cựu TNXP Vi Văn Tính đã thốt lên: “Có Đảng mới
có ngày hôm nay”. Trong không khí của ngày tháng Tám lịch sử và trong niềm vui
phấn khởi của thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XVIII, những người lính - đảng viên đã có hơn nửa thế kỷ đứng trong
hàng ngũ của Đảng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục xây dựng quê
hương.
Ông
Đặng Ngọc Tri phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất tin tưởng vào kỳ Đại hội lần này, Ban
chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ đưa ra những quyết sách đột phá phát triển cho 5 năm
tới. Đội ngũ lãnh đạo thực tiễn hơn rất nhiều nên trong mọi chủ trương đều được
bàn bạc dân chủ. Tinh thần cách mạng luôn được nêu cao”. Ông Vi Văn Tính thì
khẳng định: “Tôi tin tưởng vào đội ngũ nhân sự mà Đảng đã lựa chọn, là những
người hội tụ đầy đủ năng lực phẩm chất, tiếp tục lãnh đạo tỉnh ta ngày càng
phát triển như hào khí của cách mạng tháng Tám”.
Đã 70
năm nhưng hào khí của Cách mạng tháng Tám đang động viên, thôi thúc mỗi cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung
kiên trì con đường mà Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, vững bước
tiến lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.