Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Sở Y tế giải đáp về chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái

20/08/2015 08:53:56 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Trong Chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng TTĐT tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế đã có cuộc trao đổi và thông tin thêm về việc triển khai thực hiện Đề án Chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Bà Trần Lan Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái tham gia trong chuyên mục giải đáp chính sách.

Trong những năm qua, ngành Y tế Yên Bái đã chủ động tham mưu cho tỉnh nhiều đề án, dự án và các chính sách liên quan đến công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, là Dự án Điều chỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2025; Đề án Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2009 - 2015… nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trong toàn ngành, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ của hệ thống y tế, đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng cao, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.

BTV: Xin bà cho biết thực trạng về nguồn nhân lực ngành Y tế ở tỉnh Yên Bái? Thời gian qua, Ngành đã có giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn, thưa bà?

* Bà Trần Lan Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái:

Toàn ngành y tế hiện nay có 3.255 cán bộ, trong đó đã có 610 bác sỹ và 66 DSĐH, đạt tỉ lệ 7,8 Bác sỹ và 0,84 DSĐH/vạn dân, đạt mức trung bình của toàn quốc về tỉ lệ bác sỹ và DSĐH (so với năm 2010, đã tăng thêm 1 bác sỹ và 0,48 DSĐH/vạn dân). Tại tuyến xã, đã có 111/180 trạm y tế có bác sỹ, tăng 12,8% so với năm 2010

Có được kết quả đó là do chủ trương tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh đã được thể chế thành chính sách, quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhất quán trên toàn địa bàn, có thể nhấn mạnh ở một số giải pháp như sau:

Một là, Giải pháp về thu hút cán bộ y tế trình độ cao

Ngành y tế đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút bác sỹ, DSĐH và sau đại học, đồng thời vận động thu hút sinh viên ĐH Y, Dược nhận hỗ trợ của tỉnh khi đang học và cam kết về tỉnh Yên Bái công tác sau khi tốt nghiệp.

Hai là, Giải pháp về đào tạo:

- Tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ ngành, hợp tác với các Trường ĐH Y khu vực phía bắc, tập trung nguồn lực liên kết đào tạo bác sỹ, DSĐH chính quy

- Đào tạo nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế hiện có: Đào tạo bác sỹ liên thông; đào tạo Đại học y khác từ số cán bộ trình độ trung cấp, cao đẳng trong ngành.

Ba là, bù đắp nhân lực tạm thời trong khi đào tạo chưa đáp ứng số lượng lớn:

- Ngành đã tăng cường đề xuất và tiếp nhận cán bộ của các BV Trung ương luân phiên về Yên Bái hỗ trợ công tác chuyên môn theo chương trình 1816 và quyết định 14 của Chính phủ. Đồng thời, ngành có kế hoạch hàng năm cử các cán bộ y tế của tuyến tỉnh, huyện luân phiên giúp đỡ y tế cơ sở. Các cán bộ luân phiên vừa giảng dạy tại chỗ vừa làm công tác chuyên môn, vừa chuyển giao kỹ thuật cho Yên Bái và cũng đảm bảo bù đắp thiếu hụt nhân lực tạm thời trong khi cán bộ đi học dài hạn, đi công tác khác...

- Từ 2011-2014, tỉnh đầu tư kinh phí cho các cơ sở y tế hợp đồng lại với các bác sỹ đã nghỉ hưu làm việc ở các cơ sở y tế.

Bốn là, Cải thiện môi trường làm việc trong các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho nhân viên y tế phát huy hết khả năng trong môi trường tích cực, để họ yên tâm công tác, ổn định đội ngũ toàn ngành.

Năm là, tranh thủ sự hỗ trợ của các Dự án nâng cao năng lực y tế trong nước và quốc tế để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo quản lý bệnh viện hiệu quả trong toàn ngành: GIZ, JICA, SC, NORRED...

Có thể nói, trên đây là những giải pháp cơ bản nhất của tỉnh Yên Bái trong phát triển nguồn nhân lực y tế trong thời gian vừa qua.

BTV: Thưa bà. Được biết, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết và phê duyệt, triển khai Đề án Chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009 – 2015. Nghị quyết đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo và thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao để tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành Y tế. Xin bà cho biết cụ thể về những chính sách này?

* Bà Trần Lan Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái:

Theo Nghị quyết số 12/2014/NQ- HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành chính sách thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2016, và Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng  10 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, chính sách hỗ trợ thu hút và đào tạo cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

* Về chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học, sau đại học thuộc lĩnh vực y tế:

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng: tiến sĩ, chuyên khoa II, thạc sĩ, chuyên khoa I; bác sỹ nội trú; bác sỹ, dược sỹ đại học tốt nghiệp hệ chính quy (diện tự thi đỗ hoặc tuyển thẳng) cam kết về công tác từ 05 năm trở lên được xét tuyển vào công tác tại các cơ quan y tế nhà nước, Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế của tỉnh Yên Bái.

2. Mức hỗ trợ một lần như sau:

- Đối với Tiến sĩ, chuyên khoa II được hỗ trợ 140 triệu đồng/người;

- Đối với Thạc sĩ, chuyên khoa I được hỗ trợ 85 triệu đồng/người;

- Đối với Bác sỹ nội trú được hỗ trợ 115 triệu đồng/người;

- Đối với Bác sỹ được hỗ trợ 70 triệu đồng/người;

- Đối với Dược sỹ đại học được hỗ trợ 55 triệu đồng/người.

3. Các đối tượng trên ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ một lần nếu về công tác từ 05 năm trở lên tại các cơ quan y tế nhà nước thuộc huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải hoặc công tác trong các chuyên khoa Lao, Phong, Tâm thần, Ung bướu, Pháp y, Truyền nhiễm tuyến tỉnh, tuyến huyện được hỗ trợ thêm 70 triệu đồng/người; sinh viên đại học y, dược nếu tốt nghiệp loại khá được hỗ trợ thêm 15 triệu đồng/người, loại giỏi 20 triệu đồng/người, loại xuất sắc 25 triệu đồng/người.

* Về chính sách luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Các đối tượng: bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên (đã được cấp chứng chỉ hành nghề) thực hiện luân phiên có thời hạn được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đặc thù và các chính sách đãi ngộ khác theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong khi chờ trung ương cấp kinh phí, được tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo quy định tại Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

* Về chính sách hỗ trợ đào tạo thuộc lĩnh vực y tế

Lĩnh vực Y tế được hỗ trợ một lần như sau:

- Đối với Tiến sĩ, chuyên khoa II được hỗ trợ 140 triệu đồng/người/khóa học;

- Đối với Thạc sĩ, chuyên khoa I được hỗ trợ 85 triệu đồng/người/khóa học;

-  Đối với Chuyên khoa định hướng (sơ bộ); kỹ thuật y học chuyên sâu, chuyển giao gói kỹ thuật, đào tạo lại thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên được hỗ trợ 100% học phí (hoặc chi phí đào tạo) theo mức thu của cơ sở đào tạo và được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại bằng 1,5 triệu đồng/người/tháng học trong thời gian đào tạo thực tế theo quy định.

- Bác sỹ theo hợp đồng hệ chính quy liên kết theo địa chỉ sử dụng được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo theo hợp đồng với cơ sở đào tạo (không gồm học phí) trong thời gian đào tạo thực tế theo quy định.

* Điều kiện, quy trình, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, hồ sơ, phương thức chi trả thanh toán kinh phí hỗ trợ chính sách đào tạo: 

1. Điều kiện để cử đi đào tạo và hưởng chính sách:

- Là cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo phải có trong kế hoạch đào tạo hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của cơ sở đào tạo, địa phương, đơn vị nơi công tác.

- Đối với đào tạo sau đại học đối với ngành y tế được cử đi đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên ngành....

- Phải cam kết làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Yên Bái sau khi tốt nghiệp trong thời gian gấp 02 (hai) lần thời gian đào tạo (đối với người học theo trình độ cao đẳng, trình độ đại học); tối thiểu gấp 3 (ba) lần thời gian đào tạo đối với người học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); đồng thời cam kết hoàn trả toàn bộ kinh phí đào tạo đã được hỗ trợ theo các quy định của quy định này.

Về điều khoản chuyển tiếp, Trường hợp người được cử đi đào tạo thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định này mà thời gian đào tạo theo quy định đến hết năm 2016 chưa kết thúc, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định này cho đến khi tốt nghiệp.

BTV: Thời gian qua, ngành Y tế Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án này như thế nào? Tỷ lệ thu hút cán bộ về công tác tại các đơn vị trong ngành y tế đã đạt theo mục tiêu của Đề án chưa thưa bà?

* Bà Trần Lan Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái:

Vâng! Trong giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh, đến nay nguồn nhân lực y tế đã được bổ sung nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, thông qua hoạt động thu hút, đào tạo, và ổn định nguồn lực tại chỗ, cụ thể:

* Về thu hút tuyển dụng:

- Đến nay đã thu hút tuyển dụng được 46 Bác sỹ chính quy và đặc biệt là 20 DSĐH chính quy sau 17 năm liên tục tỉnh không tuyển được 1 DSĐH chính quy nào về công tác.

- Có 01 sinh viên Đại học Y Thái Nguyên (năm học 2015-2016 học năm thứ 5) nhận hỗ trợ từ đề án cho sinh viên

* Về công tác đào tạo:

- Đã hỗ trợ đào tạo sau đại học cho 144 cán bộ (trong đó 04 Tiến sỹ; 10 Bs chuyên khoa II; 08 Thạc sỹ; 122 Bs, Ds chuyên khoa I

- Liên kết với Đại học Y dược đào tạo theo địa chỉ 173 sinh viên (160 sinh viên Y)

- Hỗ trợ đào tạo liên thông từ Trung cấp, cao đẳng lên Đại học Y dược 213 cán bộ (76 bác sỹ, 24 dược sỹ, 113 đại học y khác và dược)

- Hỗ trợ đào tạo cử tuyển 77 sinh viên (55 Đại học Y, 22 ĐH Dược)

- Hỗ trợ đào tạo chuyên khoa định hướng và đào tạo ngắn hạn 189 cán bộ

* Hợp đồng lại với bác sỹ đã nghỉ hưu: Trong năm 2012 có 8 người, năm 2013 là 16 người và năm 2014 là 23 người.

Theo đánh giá của ngành Y tế thì đến nay đã đạt được mục tiêu của Đề án đề ra đó là:

- Đạt tỉ lệ 8 bác sỹ và 0,7 DSĐH/vạn dân.

- Tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học đạt trên 40%.

- Tỷ lệ cán bộ chuyên môn y tế khác có trình độ đại học và sau đại học đạt trên 25% .

- 100% nhân viên y tế thôn bản được đào tạo theo quy định.

BTV: Vâng thưa bà trong điều kiện thiếu nhân lực, việc cử cán bộ đi đào tạo sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Bà có thể cho biết ngành đã làm thế nào để hài hòa trong việc vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh? Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Ngành có gặp khó khăn gì không thưa bà?

* Bà Trần Lan Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái:

Việc tăng cường đào tạo trong điều kiện thiếu nhân lực là một vấn đề tỉnh Yên Bái rất quan tâm, chủ động đưa vào chính sách trong thời gian qua, Cụ thể là:

Kết hợp các chương trình đào tạo dài hạn với đào tạo ngắn hạn; Kết hợp cử đi đào tạo ngoài đơn vị với đào tạo chuyển giao kỹ thuật tại chỗ và tự đào tạo; kết hợp hiệu quả các nguồn lực đào tạo.

Sở Y tế và 2 Bệnh viện tuyến tỉnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện và cấp mã Cơ sở đào tạo liên tục để đảm nhiệm hoạt động đào tạo, đào tạo lại tại chỗ.

Tăng cường công tác nhận và cử cán bộ luân phiên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới theo Đề án 1816 của BYT và nay là quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ; Yên Bái luôn nhận được cán bộ hỗ trợ của Bạch Mai, Việt Đức và các Bệnh viện TW

Ngoài ra, việc hợp đồng lại với bác sỹ nghỉ hưu để đảm bảo nhân lực thiếu tạm thời do cử đi đào tạo

* Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp một số khó khăn tồn tại đó là:

- Chính sách thu hút chủ yếu thực hiện với bác sỹ, dược sỹ sau tốt nghiệp, còn thu hút sinh viên thì rất hạn chế ( cả giai đoạn chỉ 1 sinh viên tham gia)

- Đặc thù đào tạo y khoa thời gian rất dài so với các ngành khác, các bác sỹ đào tạo theo đề án ra trường phải 18 tháng thực hành lâm sàng, hoặc đào tạo chuyên khoa mới có thể độc lập làm việc, tổng thời gian là 8 năm, nhưng Quyết định 24 chỉ quy định chính sách từ 2014 - 2016 ( 3 năm)

- Hiện nay, xu hướng y học chuyên sâu kỹ thuật cao ngày càng phát triển, nên các cơ sở y tế vẫn sẽ rất thiếu nhân lực trình độ cao, đặc biệt là bác sỹ. Đối với tỉnh Yên Bái, trong những năm tới, để đáp ứng nhân lực trình độ cao cho bệnh viện đa khoa tỉnh và thành lập mới BV Sản Nhi thì vẫn rất cần thiết phải có chính sách riêng cho phát triển nguồn nhân lực y tế.

Tôi xin lấy ví dụ ở một số tỉnh lân cận như Phú Thọ, họ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế sau Yên Bái, nhưng đưa ra mức hỗ trợ rất cao, với mức hỗ trợ là 900 triệu cho đào tạo Tiến sỹ.

* Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trình độ và đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2016 - 2020

BTV: Nhân lực y tế là một thành phần rất quan trọng của hệ thống y tế, là yếu tố chính đảm bảo sự hiệu quả & chất lượng dịch vụ y tế. Tin tưởng rằng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, với sự đồng lòng, nhất trí và quyết tâm cao, Yên Bái sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực y tế đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo dõi Video giải đáp chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái tại đây

1141 lượt xem
Tiến Lập - Thanh Hoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h