Vượt qua cầu Gióm, chúng tôi đến thôn Chèm
vào một chiều thu tháng Tám. Con đường bê tông chạy quanh xóm làng. Những ngôi
nhà cao tầng, biệt thự khang trang, xinh đẹp ẩn mình bên những cánh rừng xanh
mướt như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa mây trời. Đón
tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, ông Trần Mạnh Thắng, năm nay
70 tuổi là Trưởng thôn không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những ngày đầu về đây
lập nghiệp. Ngày trước, thôn Chèm là khu rừng rậm rạp, nằm nép mình dưới chân
núi Gióm. Nơi đây, giặc Pháp đã từng xây đồn lũy uy hiếp vùng tự do, căn cứ của
ta ở tả ngạn sông Hồng. Đây cũng từng là một thôn nghèo nhất của xã Đông An,
giao thông đi lại hết sức khó khăn bởi suối Gióm và sông Hồng chia cắt đã làm
cho thôn Chèm biệt lập như một ốc đảo. Thôn Chèm hiện có 87 hộ, 365 khẩu, chủ
yếu người từ dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới.
Ông Thắng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, thôn Chèm đã làm nên chuyện cổ tích ở vùng quê vốn xa xôi, hẻo lánh này.
Từ một thôn nghèo, khó khăn về vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Nhờ sự
quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện về nhiều mặt của chính quyền địa
phương, người dân thôn Chèm đã tập trung lao động, tích cực áp dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những loại cây, con có năng suất cao vào sản
xuất và chăn nuôi, tích lũy làm giàu với cây trồng chủ lực là: quế, keo, bồ đề,
xen canh ngô, sắn. Đặc biệt, từ khi Nhà nước mở tuyến đường Quy Mông - Đông An
chạy xuyên qua thôn, người dân thôn Chèm đã vươn lên phát triển kinh tế với
khát vọng chiến thắng đói nghèo cháy bỏng. Đến nay, với thu nhập từ trên 200ha
rừng và đa dạng hóa các loại hình kinh tế, người dân đã thực sự đổi đời với 70%
là hộ khá giàu, số hộ nghèo trong thôn chỉ còn 4/87 hộ, thu nhập bình quân đầu
người đạt 25 triệu đồng/năm, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 300 triệu
đồng đến 400 triệu đồng/năm.
Một trong những người tiên phong trong công
cuộc bắt đất "nhả" vàng ở thôn Chèm là anh Vũ Văn Nghị. Năm 1980, anh
Nghị cùng gia đình rời miền quê Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ)lên xã Đông An
xây dựng vùng kinh tế mới. Dù đã xoay sở đủ nghề nhưng gia đình anh vẫn không
thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Con đường làm kinh tế của anh Nghị
bắt đầu từ khi Đảng và Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng tới hộ gia đình.
Năm 1990, anh nhận 16ha đồi hoang để trồng rừng.
Những năm đầu, anh trồng bồ đề, keo và mỡ.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và thông qua các lớp tập huấn
của cán bộ khuyến nông, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích
vườn rừng của nhà anh xanh tốt. Sau 7 năm, những lứa keo, bồ đề trồng đầu
tiên có đường kính gốc từ 70 đến 80cm, cao từ 6 đến 8 mét, đã cho gia đình thu hoạch
hàng trăm triệu đồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh đã chia diện tích
đồi rừng thành 5 lô để trồng xen canh, gối đầu, lô thì tiếp tục chăm sóc cây đã
khép tán, những diện tích đã khai thác được chuyển sang trồng quế xen sắn cao
sản, vừa hạn chế cỏ dại vừa có thêm nguồn thu nhập đầu tư chăm sóc cây trồng
khác. Cùng với đó, gia đình anh còn thâm canh 7 sào lúa nước, mua máy xay xát
phục vụ bà con trong thôn xóm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có thời điểm, gia
đình anh sở hữu hàng chục con trâu. Từ một hộ nghèo, nhờ cần cù chịu khó, sáng
tạo trong cách nghĩ, cách làm, sau hơn 20 năm gắn bó với rừng, giờ đây, gia
đình anh Nghị có một cơ ngơi trị giá tiền tỷ với trang trại cho thu nhập bình quân
mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Cùng chung khát vọng làm giàu từ đất, anh
Đoàn Mạnh Hùng lại chọn cho mình hướng phát triển kinh tế tổng hợp theo mô hình
VACR. Từ một nông dân đi làm thuê kiếm sống nơi đất khách quê người, trở về quê
hương với hai bàn tay trắng, anh nhận thấy bí quyết làm giàu không ở đâu xa mà
nó nằm ngay trên mảnh đất quê hương mình. Với tâm niệm “có sức người sỏi đá cũng
thành cơm”, năm 2003, anh bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình từ 10ha
rừng. Những năm đầu, anh trồng quế, bồ đề và keo lai, kết hợp nuôi lợn rừng lai
sinh sản, nuôi nhím và đào 6ha ao nuôi cá. Do chưa có kinh nghiệm trong chăn
nuôi lợn rừng lai sinh sản và nuôi nhím nên anh đã thất bại.
“Thua keo này bày keo khác”, anh tiếp tục
tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi trên báo đài, ti vi, qua những
mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài xã rồi chuyển sang đầu tư nuôi vịt, gà
đồi, ngan, ngỗng, dê và trâu. Từ nguồn vốn tích lũy, anh Hùng đầu tư mua ô tô vận
tải để vận chuyển hàng hóa nông - lâm sản của gia đình và bà con trong thôn.
Nhờ năng động và sáng tạo, anh Hùng đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng
với thu nhập mỗi năm khoảng 400 triệu đồng.
Anh Hùng chia sẻ: “Nông dân không nên ỷ
lại, trông chờ chính sách của Nhà nước mà phải biết suy nghĩ cách làm, dựa vào
đất đai, hoàn cảnh của từng người mà chọn cách làm, trồng cây gì, nuôi con gì,
sản xuất cái gì cũng phải theo nhu cầu của thị trường. Mình phải nghe đài, xem
ti vi để biết tình hình thị trường, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà
nước và hơn hết là biết được khoa học kỹ thuật mà làm theo”.
Một trong những hình thức đã và đang mang
lại hiệu quả kinh tế cao ở thôn Chèm đó là phát triển các cơ sở sản xuất tiểu
thủ công nghiệp mà sản phẩm chính là gỗ bóc xuất khẩu được sơ chế từ rừng của
người dân địa phương. Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của vợ chồng chị Phạm Thị
Loan và anh Trần Xuân Hảo là một điển hình. Sau khi tích lũy được vốn từ khai thác
keo, bồ đề tại 6ha vườn rừng của gia đình, năm 2012, vợ chồng chị Loan đã quyết
định đầu tư gần 1 tỷ đồng mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng.
Vừa học hỏi cách làm vừa tìm hiểu thị
trường gỗ ván để điều tiết sản xuất, mỗi ngày, xưởng gỗ của chị Loan sơ chế
khoảng 10m3 gỗ và cho ra đời từ 5 đến 6m3 thành phẩm, những sản phẩm sơ chế
được khách hàng tiêu thụ ngay tại địa phương. Chưa kể thu nhập từ 6ha vườn
rừng, hàng năm, gia đình chị Loan thu lãi trên 100 triệu đồng từ xưởng gỗ. Bên
cạnh đó, gia đình chị Loan còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao
động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của gia
đình chị Phạm Thị Loan tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Được Đảng ủy, chính quyền địa phương tạo
môi trường thuận lợi và khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại hình phát
triển kinh tế, những năm gần đây, người dân thôn Chèm đã xác định cho mình một
hướng đi mới là phát triển chăn nuôi gia súc, đưa chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu
trở thành hàng hóa. Với phương châm “tấc đất, tấc vàng”, người dân thôn Chèm đã
tận dụng những diện tích đất vườn xung quanh nhà, đất đồi, đất bãi trồng ngô
kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ voi, đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi
trâu. Hiện nay, thôn Chèm đứng đầu xã Đông An về đầu đàn gia súc, toàn thôn
hiện có trên 170 con trâu, 40% số hộ trong thôn có từ 3 con trâu trở lên. Đặc
biệt, trâu của thôn Chèm luôn giành giải cao trong các hội chọi trâu trong và
ngoài tỉnh.
Ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông
An cho biết: “Không ỷ lại, trông chờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước,
người dân thôn Chèm luôn tìm tòi, sáng tạo, vượt qua được rào cản trong tư
tưởng, và luôn khát vọng vươn lên để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ
các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi, người
này học tập người kia làm theo đã góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi
đua sản xuất, kinh doanh giỏi” ở thôn Chèm ngày càng trở nên thiết thực và hiệu
quả. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế để địa phương nhân rộng
trên toàn xã”.
Mỗi gia đình nông dân ở thôn Chèm có một tư
duy làm giàu khác nhau nhưng tất cả họ đều có điểm chung là cần cù, tiết kiệm,
đam mê làm giàu, biết nắm bắt thị trường, có ý chí, nghị lực và khao khát vươn
lên làm giàu trên vùng đất quê hương. Sự vươn mình của thôn Chèm hôm nay thể hiện
sự quyết tâm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn, cùng đồng lòng,
chung sức trong sự nghiệp dựng xây quê hương mới ngày một no ấm, giàu mạnh dưới
ánh sáng soi đường của Đảng.