Chuyển gieo cấy lúa một vụ sang hai vụ,
trồng ngô trên đất dốc, phát triển đàn gia súc là những dấu ấn nổi bật trong
sản xuất nông nghiệp của xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu trong nhiệm kỳ 2010 - 2015
vừa qua. Sự chuyển mình đó đã góp phần đẩy lùi cái đói, cái nghèo và đem lại ấm
no, hạnh phúc cho đồng bào vùng cao.
Từ làm hai vụ lúa...
Sau gần nửa giờ đồng hồ leo dốc, chúng tôi
đã đến gia đình anh Thào A Lềnh ở thôn Suối Giao - một trong những hộ nhờ thay
đổi cơ cấu giống lúa và chuyển đổi gieo cấy từ một vụ sang hai vụ lúa đã vươn
lên thoát nghèo. Anh Lềnh chia sẻ: "Trước đây, gia đình mình rất khó khăn,
năm nào cũng phải 3 đến 4 tháng đói ăn... Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống
lúa mới; đặc biệt, cán bộ khuyến nông viên đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật mình
đã sáng cái đầu. Bây giờ, gia đình mình đang gieo cấy 500 - 700m2 lúa nước
giống Nhị ưu 838 và Khang Dân, mỗi vụ thu từ 7 đến 8 tạ, lương thực bảo đảm,
đời sống bớt khó khăn hơn”. Anh Giàng A Mang ở thôn Tàng Ghênh cũng phấn khởi:
"Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều, đồng bào được cung ứng giống, phân bón mà
năng suất lại cao hơn. Gia đình mình có 500m2 lúa nước trồng 2 vụ, mỗi vụ thu
hoạch 6 đến 7 tạ, đủ ăn, không còn đói như trước nữa!".
Xà Hồ có tổng diện tích gieo trồng gần
1.000ha, trong đó lúa xuân gần 200ha, lúa mùa gần 200ha, lúa nương mộ trên
30ha, còn lại là ngô vụ xuân và vụ hè thu... Xác định được thế mạnh của địa
phương, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung chuyển đổi cơ
cấu giống, mở rộng diện tích gieo cấy lúa, giải quyết lương thực tại chỗ cho
đồng bào. Trên cơ sở đó, xã đã chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây
dựng kế hoạch sản xuất lúa đạt năng suất, hiệu quả cao cho địa phương; tuyên
truyền, vận động nhân dân tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống lúa và chuyển
đổi từ gieo cấy lúa một vụ lên hai vụ... Đến nay, tổng sản lượng lương thực
toàn xã đạt 2.476 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 823kg/năm...
Quyết tâm cao của Đảng ủy, chính quyền và
nhân dân các dân tộc mang lại kết quả rõ rệt. Xà Hồ trở thành điển hình của
huyện Trạm Tấu trong phong trào gieo cấy lúa đông xuân với diện tích luôn đạt
và vượt kế hoạch đề ra. Và như anh Lềnh đã nói, đồng bào Mông đã "sáng cái
đầu" trong làm lúa hai vụ, biết xác định khung thời vụ, biết đến khái niệm
"thâm canh" trên đồng ruộng.
... Đến trồng ngô trên đất dốc
Trước đây, đồng bào Mông ở Xà Hồ chủ yếu
trồng ngô vụ xuân hè do vụ hè thu thường nắng nóng, kèm theo gió Lào, độ ẩm
thấp và mưa rào khiến đất bị rửa trôi bề mặt nên năng suất thấp. Làm thế nào để
trồng ngô trên đất đồi dốc cho hiệu quả và năng suất cao? Cây ngô đã chính thức
được đưa vào chỉ tiêu nghị quyết phát triển kinh tế của xã nhiệm kỳ 2010 - 2015
bằng cách mạnh dạn chuyển đổi 81ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Có
cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao, có cán bộ khuyến nông "cầm tay chỉ
việc", đồng bào Mông đã biết trồng ngô hè thu theo phương thức canh tác
bền vững trên đất dốc. Mô hình này đã thành công và nhân rộng đến tất cả các
thôn của xã...
Kỹ thuật canh tác ngô bền vững mà Xà Hồ
đang làm là sau khi thu hoạch ngô xuân hè, bà con chặt từng hàng cây ngô cách
mặt đất khoảng 20cm tạo thành hàng cọc rồi lấy thân ngô xếp thành từng băng
theo khoảng cách mỗi hàng ngô, sau đó, cuốc hố dài khoảng hơn 20cm và đặt hạt ở
hai đầu hố, lấp đất. Với cách làm này, cây ngô trồng mới khác vị trí của của
cây ngô vụ trước, nơi đất đã hết độ phì. Đồng thời, khi mưa rào, lớp đất màu sẽ
được giữ lại bởi những băng cây ngô cũ làm cho mùn đắp dày quanh gốc ngô mới.
Đất bồi cùng băng chắn đất sẽ giữ ẩm cho cây ngô phát triển. Trồng theo cách
này giúp giảm khá nhiều công lao động do không phải làm cỏ khi tra hạt và chỉ
phải bón phân, vun gốc một lần.
Đồng thời, xã còn chú trọng đưa các giống
ngô có đặc tính ưu việt về khả năng chịu hạn, chống chịu sâu, bệnh, phù hợp với
từng tiểu vùng khí hậu nên năng suất ngô vụ hè thu không thua kém vụ xuân hè.
Chị Thào Thị Dơ ở thôn Sáng Pao cho biết: “Tôi trồng ngô theo mô hình canh tác
bền vững từ năm 2012 bằng giống ngô lai AG59 và thấy làm rất dễ, không tốn công,
tiết kiệm ngô giống do làm đất bổ hố, tra hạt theo đúng hướng dẫn của cán bộ.
Từ ngày trồng ngô theo cách mới, năm nào, gia đình cũng thu lượng ngô gần gấp
đôi so với trước. Ngô nhiều, gia đình đã chăn nuôi thêm nhiều gà, lợn hơn và
bán để mua sắm đồ dùng sinh hoạt”.
Anh Thào A Chang ở thôn Đầu Cầu cho biết:
“Từ khi gia đình chuyển đổi lúa nương sang làm ngô đồi, tôi thấy hiệu quả và
năng suất cao hơn. Ngô đồi vừa tiện lại vừa sinh trưởng nhanh, sau 3 vụ làm đều
cho thu hoạch 3 đến 4 tấn. Thích nhất là cây ngô hè thu khi đã chắc hạt, cán bộ
khuyến nông xuống hướng dẫn chặt ngọn về ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò. Ngô còn
nghiền nhỏ để nấu cháo loãng cho trâu, bò ăn thêm, không sợ chết đói, chết rét,
cày ruộng mới khỏe”.
Hiện nay, tổng diện tích trồng ngô của Xà
Hồ đã đạt trên 400ha, trong đó ngô xuân 336ha, năng suất 24 tạ/ha, sản lượng
trên 8 tấn; ngô hè thu 67ha, năng suất trên 18 tạ/ha, sản lượng gần 1,3 tấn...,
giúp nhà nhà đều đặn nổi lửa những bữa cơm mùa giáp hạt.
Và chăn nuôi gia súc
Xà Hồ có 9 thôn, bản với địa thế chủ yếu là
đồi núi dốc. Vì vậy, nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tăng
cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, gia cầm;
làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh trên đàn đại gia súc, triển khai mô hình
dự trữ rơm khô làm thức ăn và làm chuồng trại nuôi nhốt trong mùa đông, trồng
cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp tăng nguồn thức ăn cho gia
súc...
Ngoài sự hỗ trợ con giống của Đảng, Nhà
nước, của tỉnh, huyện, Đảng ủy, chính quyền địa phương còn chủ động phối hợp
với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đồng bào có điều kiện tiếp cận với vốn
vay ưu đãi mua trâu, bò nuôi; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giúp người dân nhanh chóng áp dụng khoa
học kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chống dịch, bệnh cho đàn gia súc. Đến nay,
Xà Hồ có tổng đàn gia súc chính trên 3.200 con. Đồng thời, xã còn làm được gần
500 cây rơm, trồng được 8,7ha cỏ; vận động nhân dân tự trồng trên 30ha cỏ và đã
có 251 hộ/363 hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhốt gia súc.
Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, nhiều hộ đã
vươn lên thoát nghèo, thậm chí có tài sản tiền tỷ. Gia đình anh Thào A Giao ở
thôn Suối Giao được nhiều người biết đến là một trong những hộ khá giả nhất
thôn bởi hiện tại anh có tới 7 con trâu và 15 con bò, tổng giá trị đến vài trăm
triệu đồng. Ông Thào A Tủa cùng thôn Suối Giao cũng có 58 con trâu, bò và khoảng
trên 300 con dê. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000 đồng/kg dê thịt
và từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, gia đình ông đã có tiền tỷ từ gia súc.
Anh Thào A Chểnh - Trưởng thôn Suối Giao cho biết: "Nhờ lợi thế từ đồi
rừng và được tư vấn, định hướng phát triển kinh tế của xã và các ngành mà bà
con trong thôn đã biết cách phát triển đàn gia súc, gia cầm nhà mình. Thôn có
60 hộ thì có 68 con trâu, 151 con bò, vài trăm con lợn và hàng nghìn gia cầm
các loại. Người dân đã chủ động được sức kéo trong sản xuất và tăng thu nhập
cho gia đình, đời sống được cải thiện hơn".
Những đột phá tạo sự chuyển mình mạnh mẽ.
Đánh giá nhiệm kỳ 2010 - 2015, Xà Hồ đã có 19/23 chỉ tiêu đạt kế hoạch nghị
quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra. Đặc biệt, ba mũi nhọn hiệu quả trong phát triển
kinh tế là: Chuyển đổi gieo cấy lúa từ một vụ sang hai vụ, trồng cây ngô trên
đất đồi dốc, phát triển chăn nuôi gia súc... đã đưa Xà Hồ bứt phá đi lên. Bí thư
Đảng ủy xã - Chớ A Páo tự hào: “Những kết quả trong lĩnh vực phát triển kinh tế
thời gian qua đã khẳng định các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã
nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với đặc điểm của
địa phương. Đây chính là động lực giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân
tộc xã Xà Hồ tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để nâng cao đời sống của
đồng bào”. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên, Đảng bộ xã Xà Hồ đã vinh dự được chọn
là đại hội điểm khối xã của Đảng bộ huyện Trạm Tấu nhiệm kỳ 2015 - 2020.