Ngày 24/8, đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư
Tỉnh uỷ chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020 (gọi tắt là Đề án); vấn đề quy
hoạch và phát triển chè vùng cao và chủ trương đầu tư Dự án trồng cây sơn tra
và cây vối thuốc trên đất lâm nghiệp tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng
Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Văn phòng
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; các sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư,
Tài nguyên - Môi trường và huyện Trạm Tấu.
Theo Đề án, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm
2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 5%/năm; sản lượng
lương thực có hạt đạt 280.000 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 100.000 tấn;
chuyển mạnh sản xuất ngành chăn nuôi sang sản xuất hàng hoá với sự đa dạng và
cơ cấu hợp lý các loại sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, phù hợp với nền
kinh tế thị trường; đảm bảo tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nông dân.
Về định hướng phát triển chè vùng cao, tỉnh
Yên Bái phấn đấu phát triển vùng chè gắn với việc bảo tồn văn hoá bản địa và phát
triển du lịch, định hình đến năm 2020, tổng diện tích chè vùng cao là 3.000 ha,
trong đó, có 800 ha chè Shan công nghiệp, 200 ha chè nhập nội chất lượng cao;
sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 – 10.000 tấn.
Dự án trồng cây sơn tra, cây vối thuốc trên
đất lâm nghiệp tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải sẽ phấn đấu trồng trên 1.546
ha, trong đó, trồng bổ sung vào các khoảng trống trong rừng tự nhiên phòng hộ
nghèo kiệt gần 950 ha; trồng bổ sung vào các khoảng trống trong rừng phòng hộ
gần 600 ha.
Sau khi nghe ý kiến tham gia đóng góp của
lãnh đạo các ngành, các địa phương, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính rà soát,
điều chỉnh, bổ sung và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông,
lâm nghiệp trong 5 năm tới, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Sở
Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với ngành công thương rà soát, xem xét kế hoạch phát
triển sản xuất công nghiệp gắn với chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ
sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu lại Dự án phát triển sân golf và Khu du lịch sinh
thái Đầm Hậu.
Về các nội dung cụ thể của Đề án, đồng chí
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Duy Cường đề nghị xem xét cụ thể mục tiêu Đề án cho phù hợp
với điều kiện thực tế của địa phương, phấn đấu đảm bảo đời sống cho người dân,
nâng cao giá trị gia tăng của ngành sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ nội dung của
Đề án, các ngành liên quan cần phải xây dựng các dự án cụ thể, xác định rõ các
thành phần tham gia như: Đề án phát triển lúa hàng hoá chất lượng cao; Đề án
phát triển ngô hàng hoá; xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả để nhân
dân học tập, làm theo.
Về phát triển các vùng cây ăn quả đặc sản,
đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị mỗi huyện nên tập trung vào hai giống cây
ăn quả chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra các giống cây sạch bệnh, có
giá trị cao, tăng khả năng cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Về
cây chè, tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Yên Bái, tập trung
phát triển ở những vùng có điều kiện, phát triển sản xuất phải gắn với chế
biến, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong chăn nuôi và thuỷ sản, đồng chí yêu
cầu mỗi địa phương cần căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển
chăn nuôi một cách hợp lý, khuyến khích phát triển theo hướng hàng hoá; tập trung
khai thác thế mạnh để phát triển nuôi cá lồng, cá quây lưới theo mô hình hộ,
nhóm hộ ở những nơi có điều kiện như hồ Thác Bà, hồ Đầm Hậu.
Về kinh tế đồi rừng, đồng chí yêu cầu tập
trung phát triển các loại cây lâm nghiệp có lợi thế; xây dựng đề án phát triển
cây sơn tra, cây vối thuốc, cây dược liệu để tăng thu nhập từ rừng cho người dân;
ưu tiên phát triển vùng sản xuất quế ở Văn Yên, đồng thời khảo sát để mở rộng
diện tích quế sang các huyện Trấn Yên, Văn Chấn và các xã dọc quốc lộ 70 thuộc
huyện Yên Bình; tập trung thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực
phát triển có lợi thế của tỉnh như quế, sơn tra, rau sạch, chăn nuôi lợn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng lưu ý các địa
phương cần xây dựng các đề án phát triển dịch vụ phục vụ cho phát triển nông nghiệp,
nông dân và nông thôn như các dịch vụ vận tải, cung ứng giống và cung ứng dịch
vụ khoa học -công nghệ ... để nâng cao giá trị hàng hoá, tăng thu nhập, đảm bảo
ổn định đời sống cho người nông dân.