Cả cuộc đời gắn bó với núi rừng Viễn
Sơn, nơi được mệnh danh là “Thủ phủ” của cây quế Văn Yên, hơn ai hết già làng
Bàn Văn Lý thấu hiểu nỗi vất vả của người Dao Viễn Sơn. Trước những năm 1960,
người Dao vẫn còn sống với tập quán du canh, du cư “chặt gốc, ăn ngọn nên cái
đói, cái nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám lấy người dân nơi đây. Cuộc sống của bà
con người Dao Viễn Sơn chỉ thực sự đổi thay khi khi Đảng và Nhà nước triển khai
cuộc vận động định canh định cư, vận động bà con hạ sơn khai hoang mở đất trồng
hoa màu, gieo cấy lúa nước và trồng quế. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, gia đình
già làng Bàn Văn Lý là một trong những hộ tiên phong trong phong trào hạ sơn
trồng quế ở Viễn Sơn.
Từ
thành công và kinh nghiệm của gia đình trong phát triển kinh tế, già làng Bàn
Văn Lý đã tích cực vận động bà con trong thôn, trong xã vươn lên xóa đói giảm
nghèo. Ông tận tình truyền thụ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách làm ăn, kết
hợp trồng quế với trồng cây ngắn ngày như cây sắn, cây ngô để tăng thêm thu
nhập. Ông còn tích cực vận động những hộ gia đình khá giả trong thôn hỗ
trợ vốn, cây, con giống cho những hộ nghèo để giúp nhau cùng phát triển kinh
tế, ổn định cuộc sống. Từ phong trào nhà nhà trồng quế, người người trồng quế,
đến nay xã Viễn Sơn đã ngút ngàn trong màu xanh của quế với diện tích ổn định
1.500 ha. Nhờ thu nhập từ cây quế mà cuộc sống của người Dao Viễn Sơn đã ổn
định và đi lên, số hộ nghèo giảm hẳn, nhiều hộ vươn lên làm ăn khá giả, trong
đó có đóng góp không nhỏ của già làng Bàn Văn Lý. Ông Bàn Kim Vạn ở thôn Khe
Dứa, xã Viễn Sơn cho biết: “Đối với người dân thôn Khe Dứa chúng tôi nói riêng
và người Dao Viễn Sơn nói chung thì ai cũng kính trọng cụ Lý, bởi cụ không chỉ
là người đức độ, am hiểu về phong tục tập quán Người Dao đỏ mà còn là người có
kinh nghiệm trong việc trồng quế. Chúng tôi thường xuyên được cụ Lý hướng dẫn
cách chọn hạt quế giống chuẩn cũng như cách ươm cây, phòng trừ sâu bệnh cho quế.”.
Là
người có kinh nghiệm trồng quế, lại có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,
những năm qua, già làng Bàn Văn Lý luôn trăn trở tìm cách giữ gìn và bảo tồn
giống quế quý của địa phương. Ðể mong ước của mình trở thành hiện thực, ông
thường xuyên hướng dẫn bà con trong bản thực hiện đúng quy trình canh tác
cây quế theo các công đoạn truyền thống như: Lựa chọn giống, bảo quản hạt và
ươm trồng, lựa chọn đất trồng, cách tỉa cây, cách phòng trừ sâu bệnh cho quế
với bí quyết trồng quế lâu năm của người Dao Đỏ. Nhờ những người tâm huyết như
già Lý mà sản phẩm vỏ quế của xã Viễn Sơn luôn được khách hàng ưa chuộng vì có
hàm lượng tinh dầu cao.
Già làng Bàn Văn Lý dậy chữ Hán cho thế hệ trẻ trong xã
Không chỉ hướng dẫn
bà con cách làm ăn, già làng Bàn Văn Lý còn tích cực chăm lo đến đời sống tinh
thần của bà con. Tại các buổi sinh hoạt thôn, già thường đưa ra những vấn đề về
xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xây dựng nông thôn mới ra bàn bạc, tuyên
truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
và lễ hội, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Với hiểu biết sâu rộng,
Già Lý luôn là người đứng ra hoà giải những mâu thuẫn, xích mích trong xóm làng,
từ việc thanh niên gây gổ, gia đình mâu thuẫn... mọi người đều tín nhiệm mời
già Lý đến phân xử. Bằng uy tín, kinh nghiệm và tình cảm của mình, nhiều
vụ việc được già Lý hòa giải một cách êm thấm, mâu thuẫn được xóa bỏ. Những
cuộc xô xát, bất hòa giữa vợ chồng trong cuộc sống thường ngày đều được hàn
gắn. Điển hình như trường hợp của gia đình chị Triệu Thị Liều và anh Bàn Thừa
Thành ở thôn Khe Dứa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại sinh con sớm, anh Thành
mải chơi không tu chí làm ăn, nên hai vợ chồng thường xuyên xích mích,
cãi cọ nhau, vì thế kinh tế gia đình ngày càng sa sút. Trước tình cảnh của gia
đình chị Liều, già làng Bàn Văn Lý đã cùng trưởng thôn Khe Dứa thường xuyên đến
giáo dục, hòa giải, phân tích những điều hay lẽ phải, đồng thời hướng dẫn vợ
chồng chị Liều làm ăn, phát triển kinh tế. Đến nay, hạnh phúc đã quay trở lại
với mái ấm của gia đình của chị Liều, không những thế, anh chị còn vươn lên
thoát nghèo nhờ trồng quế, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Giờ đây, bước qua ngưỡng “ Xưa nay hiếm”, già
Lý dành phần làm kinh tế lại cho con cháu, sống trọn vẹn với trách nhiệm của
một già làng, trưởng bản. Với cương vị là người cao tuổi, già làng của xã, già
Lý thường xuyên phối hợp với các ban ngành đoàn thể, già làng ở các thôn bản
trong xã vận động bà con, nhất là thanh thiếu niên thực hiện tốt chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Là một trong những người đọc thông
viết thạo chữ của người Dao, già Lý luôn tâm huyết gìn giữ di sản văn hóa
quý báu của cha ông. Cùng với các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên,
hiện nay đồng bào dân tộc Dao đỏ xã Viễn Sơn vẫn sử dụng chữ viết của mình
trong các lễ hội và bài cúng, ghi chép gia phả... Tuy nhiên số người biết đọc
và viết thông thạo được chữ Hán Dao hiện chỉ còn khoảng 4 đến 5 người ở rải rác
các thôn, chủ yếu là các thầy mo, thầy cúng và một số các cụ cao tuổi
trong các dòng họ. Để con chữ của dân tộc Dao không bị mất đi, già Lý dành
nhiều thời gian để truyền dạy chữ Hán Dao cho con cháu, với mong muốn thế hệ
trẻ sẽ lưu truyền, giữ gìn được những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình.
Già
làng Bàn Văn Lý tuyên truyền, vận đồng bà con người Dân tộc Dao chấp
hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Dù đã gần 80 tuổi nhưng già làng Bàn
Văn Lý vẫn tích cực tham gia đóng góp cho thôn cho bản trong phong trào xây dựng
nông thôn mới. Dường như chẳng thấy lúc nào ông nghỉ ngơi, bởi với ông, còn sức
khỏe là còn làm việc, còn đóng góp cho quê hương. Không chỉ là “điểm tựa” của
bà con trong phát triển kinh tế, già Lý còn được xem là “nghệ nhân dân
gian” trong các các áng mo, bài cúng, lĩnh
vực thơ ca, am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Đặc biệt, với tình yêu quê hương và cây quế, già
Lý đã cùng các bậc cao niên trong xã Viễn Sơn thành lập CLB những người yêu thơ
Hương Quế. Thông qua các sáng tác của CLB để khích lệ phong trào trồng quế của
địa phương. Với những đóng góp tích cực, già Lý đã được các cấp, các
ngành ghi nhận bằng những tấm bằng khen, giấy khen trong các phong trào thi đua
yêu nước. Chính uy tín cũng như tinh thần hăng
say lao động của ông luôn là hình mẫu để đồng bào trong xã noi theo
và làm theo. Nói về người già làng đáng kính này , Ông Trần Ngọc Trác, bí thư đảng bộ xã Viễn Sơn
cho biết: Là Già làng của xã Viễn Sơn, cụ Lý có uy tín rất cao trong cộng đồng
dân cư, nhất là việc vận động nhân dân chấp hành chủ trương chính sách của
Đảng, pháp luật của nhà nước. Các thế hệ cán bộ xã Viễn Sơn chúng tôi luôn luôn
tới thăm hỏi Cụ, vừa là xin ý kiến đóng góp cho cán bộ lãnh đạo xã kinh nghiệm
tuyên truyền, vận động quần chúng. Qua đó nhờ bằng ủy tín của mình tác động tới
đồng bào các dân tộc xã Viễn Sơn nói chung và người Dao đỏ nói riêng thực hiện
tốt việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn bản sắc dân
tộc, phát triển cây quế và giữ gìn nguồn gen quý hiếm của cây quế Viễn Sơn.
Như
cây quế cổ thụ giữa rừng, già làng Bàn Văn Lý đã và đang có vai trò
quan trọng đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người Dao Đỏ xã Viễn
Sơn. Cái tâm, cái tình của già Lý như hương thơm ấm nồng của quế lan tỏa khắp
đại ngàn. Giờ đây dù đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn làm những việc
có ích cho quê hương, từng ngày, từng giờ, già Lý
vẫn tiếp tục giữ vai trò là cây cao bóng cả, là “sợi dây” kết nối giữa cấp uỷ
đảng, chính quyền với nhân dân, là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương sáng
làm nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở vùng quế Văn
Yên./.