Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Phạm
Thị Thanh Trà - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tạ Văn Long – Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Tài chính,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Kho
bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh; lãnh đạo các đơn vị tài chính của các
huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành Tài chính qua các thời kỳ
cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tài chính tỉnh Yên Bái.
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã ký tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Tài
chính. Đây là dấu son đặt nền móng cho nền tài chính quốc gia Việt Nam độc lập và ngày này được lấy làm ngày truyền
thống của ngành Tài chính Việt Nam.
Trong những năm đầu mới thành lập,
công tác tài chính do Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái trực tiếp điều hành. Giúp
việc cho Ủy ban Hành chính tỉnh
khi đó là phòng Ngân sách – Kế toán đảm nhiệm các công việc xét duyệt dự toán của
các ngành, lập ngân phiếu cấp tiền cho các ngành chuyển ngân khố chi trả, lập
quyết toán chi tiền với cấp trên; Phòng thuế trực thu với chức năng là tổ chức
thu thuế, phát hành thông báo nộp thuế, quản lý các sổ bộ thuế, lập bộ thuế
hàng năm, hàng quý và hàng tháng. Ngoài ra còn có 2 cơ quan thuộc ngành Tài
chính là Ty ngân khố và Chi nhánh quỹ tín dụng sản xuất.
Từ năm 1952 đến khi kết thúc cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954 là thời kỳ tập trung thống nhất thu
chi vào ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Lúc đó tỉnh Yên
Bái thành lập 3 hệ thống mới: hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng quốc gia
và hệ thống mậu dịch quốc doanh. Riêng về hệ thống tài chính bao gồm các tổ chức
là Ty Tài chính và Chi cục Thuế Công thương.
Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia
tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, hệ thống Tài chính ở địa phương từ tỉnh đến
huyện được chia tách thành các cơ quan độc lập là Tài chính, Thuế, Kho bạc.
Cùng với sự phát triển của ngành Tài
chính nước nhà, ngành Tài chính tỉnh Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về số
lượng và chất lượng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước
giao phó, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm
Với những thành tích đã đạt được,
trong những năm qua, ngành Tài chính Yên Bái đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng
thưởng Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng
Ba cho Cục thuế tỉnh và một số Chi cục Thuế trực thuộc; Huân chương Lao động hạng
Ba cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì,
hạng Ba cho Sở Tài chính Yên Bái. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc ngành Tài chính
Yên Bái được nhận cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính,
UBND tỉnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí
Phạm Thị Thanh Trà - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng và biểu dương những nỗ lực,
thành tích và đóng góp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức công tác
trong ngành Tài chính tỉnh đạt được trong suốt 70 năm qua. Đồng chí Chủ tịch
UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới ngành tài chính tỉnh Yên Bái cần tập
trung vào các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Tập trung phấn đấu hoàn thành thắng
lợi các nhiệm vụ Tài chính ngăn sách năm 2015 đã được giao, phấn đấu thu ngân
sách năm 2015 đạt mức 1.700 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XVII. Điều hành, quản lý, kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ, hiệu
quả, tiết kiệm, đáp ứng được đầy đủ các nhiệm vụ theo dự toán, góp phần hoàn
thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai
đoạn 2010 – 2015. Chuẩn bị tốt công tác lập, phân bố, giao dự toán ngân sách
năm 2016, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính các năm tiếp
theo.
Tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND,
UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chính sách pháp luật về tài chính của Nhà
nước trên địa bàn, nhất là Luật Ngân sách nhà nước mới năm 2015. Chủ động
nghiên cứu, đề xuất, ban hành các chính sách tài chính của địa phương để khai
thác, phát huy có hiệu quả hơn nữa những lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý, giao
thông, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực
để đầu tư nhằm hoàn thiện, phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng, không
gian đô thị, chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông
thoáng, thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tích cực chủ động tháo gỡ khó
khăn, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho các
thành phần kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và coi đó là
biện pháp cơ bản, lâu dài để tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách địa
phương.
Tiếp tục thực hiện quản lý, điều
hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt, đúng quy định của pháp luật; quản
lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách, có giải pháp tích cực để nuôi dưỡng nguồn
thu, nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế, tăng cường đấu tranh chống thất
thu, xử lý nợ đọng thuế; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các
ngành, các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của nhà
nước; thực hiện quản lý chặt chẽ đầu tư công, bảo đảm chi trả đúng, kịp thời
các chế độ, chính sách cho người được hưởng; kiểm soát chặt chẽ để giảm mạnh
các khoản chi chuyển nguồn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chế độ tự chủ tài
chính trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; quản lý kho quỹ chủ động, an
toàn; theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tài chính các doanh nghiệp nhà nước
để cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; thực hiện tốt công tác
quản lý, bình ổn giá cả thị trường. Kịp thời đề xuất, tham mưu với tỉnh các giải
pháp tài chính để đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng
giá dịch vụ sự nghiệp theo lộ trình cho phù hợp, nhằm thúc đẩy các đơn vị sự
nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ công cung ứng cho xã hội, giảm dần bao cấp từ
ngân sách nhà nước.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy
quản lý tài chính. Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tuưởng, đào
tạo bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo
đức nghề nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh thời gian thực
hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan, cấp phát thanh toán, tăng cường đối thoại
giữa cơ quan thuế, hải quan với doanh nghiệp để xử lý vướng mắc, tạo điều kiện
thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận, thụ
hưởng các chính sách tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, kiểm soát chi tiêu ngân sách trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo ngân sách
nhà nước được thực hiện đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chi ngân sách nhà nước, kiên quyết cắt giảm
các nhiệm vụ chưa cần thiết, khắc phục kịp thời những hạn chế để tăng cường hơn
nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính trên địa bàn.
Tại Lễ kỷ niệm, ngành Tài chính Yên
Bái đã phát động phong trào thi đua với mục tiêu “Huy động, phân phối, quản lý,
sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần
giữ ổn định kinh tế, xã hội, đảm bảo kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tăng
trưởng hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng – an ninh trong
tình hình mới”. Trong đó tập trung vào một số nội dung như quyết tâm hoàn thành
thắng lợi các chỉ tiêu thi đua, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới,
nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, xây dựng tổ
chức Đảng trong sạch vững mạnh, Đoàn thể vững mạnh trở lên.