Vai trò không thể thay thế
Bác Hồ đã dạy: "Nông dân muốn giàu,
nông nghiệp muốn thịnh thì phải có HTX". Vai trò to lớn ấy của HTX đã được
khẳng định qua nhiều năm. HTX Dịch vụ tổng hợp Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) là
một minh chứng rõ nét của vai trò HTX đối với phát triển nông nghiệp, nông
thôn. Được tách ra hoạt động từ năm 1995 với số vốn trên 100 triệu đồng.
Đến nay, HTX có số vốn hoạt động trên 650
triệu đồng với trên 600 thành viên. HTX "gánh" các dịch vụ cung giống
lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng. Nhà nào có tiền mua
vật tư sản xuất thì trả ngay. Nhà nào không có tiền, HTX đứng ra ứng trước
thanh toán, đến mùa thu hoạch, thành viên trả bằng thóc đã được thỏa thuận giá
từ trước. Với cách làm này, HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành
viên HTX và nhân dân trong xã có đủ vật tư nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa
học kỹ thuật trong thâm canh sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh việc cung ứng vật tư nông nghiệp,
HTX còn sản xuất phân viên nén dúi sâu, cung ứng cho các thành viên và bà con
nông dân. Đến nay, trên 90% diện tích cây trồng ở Nghĩa An áp dụng quy trình
này, qua đó, tiết kiệm công lao động, giảm chi phí cho nông dân và tăng suất
lúa từ 10 - 20% so với cách bón phân vãi.
Bà Phạm Thị Phương Đông - Phó chủ tịch
Thường rực Liên minh HTX tỉnh nhận định: "Thời gian qua, các HTX, đặc biệt
các HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vật tư nông nghiệp đã làm tốt các khâu
dịch vụ đầu vào cho bà con nông dân như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật. Thông qua công tác khuyến nông, các HTX đã giúp nông dân tiếp cận tiến bộ
khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và bao tiêu
một phần sản phẩm đầu ra, tạo việc làm và thu nhập cho hộ xã viên, người lao
động, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo".
Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện, toàn tỉnh có
320 HTX. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng khu vực kinh tế tập thể mà nòng
cốt là các HTX đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Tính
riêng năm 2014, doanh thu của các HTX đạt 1.059 tỷ đồng; nộp ngân sách trên
25,42 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên
6 nghìn lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo
trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Khi "bà đỡ" mờ nhạt
Bên cạnh nhiều HTX đóng vai trò "bà
đỡ" cho kinh tế hộ nông dân phát triển, cũng có không ít HTX làm ăn kém
hiệu quả, chỉ sống trên danh nghĩa còn thực chất đã "chết lịm" từ
lâu. HTX Dịch vụ nông nghiệp Pú Trạng (phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ) thành
lập từ năm 1997, với mục tiêu ban đầu là cung ứng vật tư, phân bón đem lại lợi
nhuận cho xã viên. Tuy nhiên, do vốn ít, bộ máy quản lý hạn chế, thiếu năng
động... nên hiệu quả hoạt động của HTX thấp, rồi dừng hoạt động. Đến nay, HTX
chỉ tồn tại trên hình thức chứ không đóng vai trò nào đối với địa phương. HTX
Dịch vụ nông nghiệp Pú Trạng chỉ là một trong vô số các HTX vốn đã "chết"
nhưng chưa được "khai tử".
Hiện, thị xã Nghĩa Lộ có 7 HTX hoạt động
trong lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ có HTX Nghĩa An hoạt động hiệu quả, còn lại
hầu hết đã dừng hoạt động. Thậm chí, đến nay, nhiều HTX mặc dù đã dừng hoạt
động nhưng vẫn còn nợ đọng hàng trăm triệu đồng. Do dây dưa công nợ nên nhiều
HTX chưa tiến hành giải thể được. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, trong tổng
số 320 HTX thì có 23% HTX hoạt động cầm chừng, 17% không hoạt động, số HTX này
chủ yếu làm dịch vụ nông nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Phương Đông, có nhiều
nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân
chính dẫn đến tình trạng sống vật vờ của không ít HTX hiện nay do sự thụ động
trong nội tại của HTX.
Thứ nhất, do năng lực của cán bộ quản lý
HTX, nhất là HTX nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong cơ chế
thị trường. Hiện nay, số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 4,2%, trung
cấp chiếm 44,4%, còn lại mới qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do Liên minh HTX
và các ngành khác tổ chức.
Do trình độ yếu nên kỹ năng quản trị HTX
còn yếu và tổ chức hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế cũng là đương nhiên.
Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh cũng mở các lớp đào tạo chính quy, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý và xã viên HTX song điều
này rất khó áp dụng vì cán bộ HTX có trình độ văn hóa thấp, nếu đào tạo ngắn
hạn thì khó có sự chuyển biến.
Thứ 2 là thiếu vốn, đây là thực trạng chung
của các HTX hiện nay. Tổng số vốn điều lệ của các HTX đạt 207,1 tỷ đồng, bình
quân HTX nông nghiệp có vốn điều lệ 430 triệu đồng/HTX. Vốn ít cùng với việc
không có tài sản bảo đảm khiến các ngân hàng cũng ngại rút hầu bao. Hiện nay,
số HTX có trụ sở riêng rất ít, hầu hết các HTX chưa có đất để làm trụ sở hoặc
chưa có điều kiện đầu tư, phải thuê mướn nhà xã viên làm nơi làm việc.
Thiếu vốn dẫn đến một hệ quả tất yếu là các
HTX không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các phương tiện làm việc, máy móc
phục vụ sản xuất lạc hậu nên không đem lợi nhuận cho các thành viên.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân đã đẩy các
HTX bên bờ vực phá sản, đó chính là ở nhiều nơi các cấp chính quyền nhận thức
chưa đầy đủ về vị trí vai trò của kinh tế tập thể nên thiếu quan tâm lãnh đạo,
buông lỏng quản lý đối với HTX dẫn đến HTX yếu kém, ngừng hoạt động nhiều năm
nhưng không có biện pháp củng cố hoặc giải thể. Có nhiều người nhận định rằng,
nếu không có tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới thì ở nhiều địa phương
cũng chẳng ngó ngàng đến khu vực kinh tế HTX. Ngược lại, có nơi chính quyền địa
phương can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX.