Là tỉnh miền núi, đa dân tộc, Yên Bái có 9 huyện, thị, thành phố; 180 xã, phường, thị trấn và 2.303 thôn, làng, bản, tổ dân phố. Từ Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) từ tỉnh đến cơ sở, với mục tiêu: Làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển văn hoá góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với nhận thức phong trào TDĐKXDĐSVH có tính chất toàn dân, toàn diện, thường xuyên, lâu dài, liên tục, liên quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phong trào TDĐKXDĐSVH là động lực to lớn để phát huy dân chủ, tự quản của cộng đồng dân cư, của các cơ quan, đơn vị, trường học trong cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tháng 7/2000, tại huyện Trấn Yên, UBND tỉnh đã phát động phong trào TDĐKXDĐSVH, đến nay đã được 15 năm. Trong quá trình triển khai phong trào luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Ban Chỉ đạo TƯ, chính quyền các cấp và sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận ủng hộ và tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, để rồi phong trào đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Trong quá trình triển khai phong trào, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chú trọng chỉ đạo các mô hình điểm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Nhìn chung phong trào đã được các địa phương triển khai đồng đều, phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu, trong đó nội dung “Người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến” được gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tập thể, cá nhân được tuyên dương khen thưởng trong giai đoạn 2000 - 2010 tiêu biểu như gia đình các ông, bà: Trần Văn Thống (thành phố Yên Bái), Giàng A Vư (Văn Chấn), Hà Văn Chỉ (Trấn Yên), Triệu Quang Vân (Lục Yên), Nguyễn Hữu Khương (thị xã Nghĩa Lộ), Nguyễn Thị Vinh (Văn Yên), Đặng Văn Nam (huyện Yên Bình)… Một số làng, bản văn hoá tiêu biểu như: Ao Luông, thôn Vằm (Văn Chấn); Khe Ván, Đại Thành (Văn Yên); Khe Ngang, Làng Vần, (Trấn Yên); Tiền Phong, Khu phố 8 (Yên Bình); Cẩu Vè, Khau Dự (Lục Yên); Bản Đêu 2, Bản Vệ (Nghĩa Lộ)…
Từ kết quả của phong trào giai đoạn 2000 - 2010, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện phong trào trong giai đoạn 2011- 2015 và triển khai thực hiện “Đề án phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của Chính phủ, gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng văn hoá nông thôn mới. Trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn mới là tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả sát thực, nâng cao chất lượng bền vững gắn với xây dựng phát triển văn hoá nông thôn mới của tỉnh.
Có thể khẳng định, phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng xã văn hoá nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; hàng năm các cấp các ngành và nhân dân đã quyên góp ủng hộ được hàng trăm tỷ đồng, từ đó chi hỗ trợ xây dựng gần 2.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng...
Đến nay toàn tỉnh có 140.560/194.578 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, đạt 72%; 1.115/2.303 làng, thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá, đạt 48%; 1.135/1.485 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 76%; toàn tỉnh xây dựng được 1.230 nhà văn hóa, đạt 52,8%; có 36 xã, phường, thị trấn ra mắt xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá, trong đó 6 phường, thị trấn xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị, 2 xã được công nhận là xã nông thôn mới của tỉnh là Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) và Báo Đáp (Trấn Yên) đã đạt 2 tiêu chí về văn hóa đó là: Tiêu chí số 06 về xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá và thể thao và tiêu chí số 16 về thôn, làng, bản đạt chuẩn văn hoá.
Phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư có 935/1.944 khu dân cư văn hóa, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập được ban thanh tra nhân dân góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và đã có 2.653 tổ hoà giải, 1.880 tổ an ninh nhân dân hoạt động tích cực, củng cố các mối quan hệ đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn tốt an ninh trật tự thực hiện nếp sống văn hoá ở cơ sở... Toàn tỉnh có 505 câu lạc bộ thể dục thể thao, 58 hội thể thao, 05 liên đoàn thể thao, 1.850 đội thể thao, 21.100 gia đình thể thao, tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao đạt 28%...
Mặc dù vậy, phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh vẫn còn bộc lộnhững tồn tại cần khắc phục đó là: Chất lượng xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản văn hoá ở một số nơi còn thấp, chưa cập tiêu chuẩn mới đề ra, xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá nhiều nơi chưa đạt tiêu chuẩn quy định, trang thiết bị cho nhà văn hoá còn thiếu nhất là vùng sâu, vùng xa. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phong trào nhất là trong xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, quy hoạch quỹ đất cho khu văn hoá và thể thao ở cơ sở...
Để phong trào tiếp tục đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới, giải pháp cơ bản trong tổ chức thực hiện là: Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và ban chỉ đạo phong trào các địa phương, sự ủng hộ tham gia tích cực của nhân dân, để phong trào tiếp tục được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ và thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Văn Liệu (Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình)
Theo Báo Yên Bái