Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Tổng lực để về chuẩn

31/08/2015 16:21:59 Xem cỡ chữ Google
Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNCTNT) giai đoạn 2010-2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng.

Bà Hà Thị Minh Lý - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh kiểm tra tại Trường mầm non Hoa Hồng, Trấn Yên.

Yên Bái là tỉnh miền núi nhiều dân tộc chung sống, đời sống còn nhiều khó khăn, công tác giáo dục dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy vậy, với sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, tính đến thời điểm này, Yên Bái đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) kiểm tra công nhận hoàn thành PCGDMNCTNT...

Chỉ đạo quyết liệt

Quyết liệt, đồng bộ - là những từ để diễn tả sự chỉ đạo trong thực hiện Đề án PCGDMNCTNT ở tỉnh Yên Bái trong thời gian vừa qua. Ngay sau khi Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Sở GD - ĐT đã gấp rút triển khai xây dựng Đề án PCGDMNCTNT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015. Ngày 16/1/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án theo Quyết định 340/QĐ-UBND. HĐND cũng ra Nghị quyết phê duyệt đề án phát triển GDMN tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động của Ban Thường vụ thực hiện Chỉ thị số 10CT-TW về công tác phổ cập. Với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nhiều dân tộc sinh sống, UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai Đề án PCGDMNCTNT và Đề án Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú song song.

Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015. Những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đi kèm là cơ sở vững chắc cho các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổng lực thực hiện Đề án.

Trong đó, Sở GD - ĐT - đơn vị chủ chốt trong triển khai thực hiện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và các văn bản phối hợp với các sở, ban, ngành về công tác PCGDMNCTNT. Đặc biệt là kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục hàng năm đề cao thực hiện PCGDMNCTNT, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra rà soát, nắm bắt những khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo với UBND tỉnh.

Trường lớp khang trang hơn

Đó là sự thay đổi rất to lớn, toàn diện và thấy rõ ngay từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị tới nông thôn toàn tỉnh sau khi thực hiện Đề án PCGDMNCTNT. Những lớp học tạm bợ, nhếch nhác đã không còn, thay vào đó những phòng học vững chắc, sạch đẹp, môi trường giáo dục thân thiện. Trường Mầm non Suối Giàng nằm dọc bên con đường bê tông vào thôn Pang Cáng. Nổi bật giữa núi đồi xanh thẳm, bởi kiến trúc khác biệt với những ngồi nhà sàn hay kiểu nhà đất cột thấp theo đặc thù của người Mông. Không gian thoáng đãng, những lớp học kiên cố trang trí đẹp mặt. Những đứa trẻ ở đây gọi trường mầm non là vườn cổ tích.

Anh Giàng A Lạnh ở bản Pang Cáng chia sẻ: “Trường đẹp lắm! Người lớn nhìn còn thích nữa là trẻ con”. Huyện Văn Chấn dù là địa phương có tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn cao nhưng công tác huy động và sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp an toàn cho trẻ... Đặc biệt, ở thị trấn Nông trường Liên Sơn đã quy hoạch mở rộng gần 490 m2 đất cho trường mầm non; xã Thanh Lương đã vận động người dân hiến tặng 300m2 đất mở rộng diện tích cho nhà trường. Còn tại huyện Mù Cang Chải, hiện có 13 trường mầm non và 2 trường tiểu học, TH&THCS có lớp mầm non. Trong năm vừa qua, đã làm mới thêm 7 phòng học, 7 phòng chức năng 14 bếp ăn ở 14 điểm trường từ nguồn xã hội hóa.

Từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng 25 phòng học mới, nhờ đó đã xóa được phòng học nhờ. Tính đến nay, 89 lớp mẫu giáo 5 tuổi của toàn huyện được học trong 89 phòng học khang trang sạch đẹp, bảo đảm diện tích theo quy định, an toàn thoáng mát về mua hè, ấm áp về mùa đông. So với năm học 2010 - 2011 số phòng học cho lớp 5 tuổi tại huyện đã tăng 41 phòng. Quả là con số  đáng kể cho nỗ lực xây dựng trường lớp khang trang theo Đề án PCGDMNCTNT trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Tính đến thời điểm đầu năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 187 trường mầm non/180 xã, phường trong tỉnh, trong đó có 56 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 49 trường so với năm 2011 khi mới bắt đầu thực hiện Đề án. Tất cả các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh ưu tiên dành cho lớp 5 tuổi. Theo đó, 100% lớp 5 tuổi có phòng học riêng, trong đó 37,6% phòng kiên cố, 48% phòng bán kiên cố, 14,4% phòng tạm, 573 công trình nước sạch, 346 điểm trường có bếp ăn, 574 sân chơi, bảo đảm 100% sân chơi có đồ chơi ngoài trời, 100% điểm trường có nhà vệ sinh bảo đảm theo quy định.

Bà Đoàn Thị Hà - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD - ĐT cho biết: “Đó là bước tiến lớn trong giáo dục mầm non của tỉnh. Nếu so với năm 2011, số phòng học kiên cố, bếp ăn, sân chơi, đồ chơi tăng lên rất nhiều. Tính từ năm 2011 đến nay, tổng các nguồn lực huy động đã làm mới được 513 phòng học, phòng làm việc, bếp ăn, 151 công trình vệ sinh, 96 công trình nước sạch. Đặc biệt, cảnh quan sân chơi đã được quan tâm đầu tư với 316 sân chơi được làm mới”.

Theo thông tin từ Sở GD - ĐT từ năm 2011 đến hết năm 2015, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư xây dựng phòng học, bếp ăn, nhà công vụ từ nguồn trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu Quốc gia GD - ĐT là 132 tỷ 967 triệu đồng; bổ sung mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho các trường với tổng kinh phí 57 tỷ 446 triệu đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đã đầu từ 50,723 tỷ đồng và huy động xã hội hóa các  nguồn tài trợ được trên 40 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi.

Giờ ăn của các cháu Trường Mầm non Yên Thành (Yên Bình).

Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ giáo viên

Cùng với những đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng. Tỉnh đã bổ sung chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng và chỉ đạo ngành giáo dục giao chỉ tiêu giáo viên mầm non cho một số huyện. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm; tổ chức rà soát quy mô trường, lớp học sinh trong toàn tỉnh; ưu tiên phát triển các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Chưa bao giờ, chất lượng đội ngũ giảng dạy lại được nâng cao như hiện nay, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non.

Ông Đặng Quốc Bình, Phó phòng GD - ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Nâng cao đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 5 tuổi là nhiệm vụ thường xuyên của ngành giáo dục thị xã. So với năm 2011, đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn. Tỷ lệ giáo viên trên một lớp tăng 0,9%. Nếu như năm 2011, toàn thị xã chỉ có 28,8% giáo viên mầm non đạt trên chuẩn thì đến nay tỷ lệ ấy là 70,1%. Điều này tác động rất lớn tới nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn thị xã”.

Còn tại huyện Mù Cang Chải thì tỷ lệ 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là một bước tiến lớn trong phát triển giáo dục mầm non. Không dừng lại ở đó, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái mở lớp cao đẳng mầm non tại huyện, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên mầm non của huyện nâng cao trình độ.

Kết thúc khóa học, đã có thêm 58 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Ngoài việc tổ chức cho đội ngũ giáo viên học tập nâng chuẩn, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải còn tổ chức mở lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho giáo viên, hỗ trợ giáo viên trong giao tiếp với trẻ, đặc biệt là hỗ trợ giáo viên trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ người DTTS.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.452 giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi. Trong đó, 34,2% có trình độ đại học, 37,8% có trình độ cao đẳng và 28% có trình độ trung cấp, 100% có trình độ chuẩn, 72% có trình độ trên chuẩn, bình quân 1,95 giáo viên giảng dạy trên một lớp 5 tuổi. Hàng năm, trung bình có trên 600 lượt cán bộ gáo viên được đào tạo nâng chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, 94,8% cán bộ quản lý giáo viên mầm non được triển khai có hiệu quả chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có 28,4% giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc, 59,7% giáo viên có chứng chỉ tin học, 5,6% có chứng chỉ ngoại ngữ.

Sự chuyển biến tích cực trong phát triển đội ngũ và nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ giáo viên mầm non nói chung là kết quả to lớn của chặng đường PCGDMNCTNT và cũng là điều kiện đủ để công tác PCGDMNCTNT trên địa bàn tỉnh được thành công. Đằng sau những đáp ứng về tiêu chuẩn PCGDMNCTNT thì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non - tiền đề trong nâng cao chất lượng giáo dục nói chung mới thực sự quan trọng.

Yên Bái đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GD - ĐT công nhận tỉnh đạt PCGDMNCTNT năm 2015. Tuy nhiên, đạt được đã rất khó, nhưng giữ được lại càng khó hơn. Bài toán đặt ra cho ngành giáo dục những năm tiếp theo là, làm thế nào để giữ vững chuẩn PCGDMNCTNT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

1281 lượt xem
(Theo Thanh Ba/Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h