Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, đại diện Công ty TNHH một thành viên (MTV) quản lý đường sắt Yên Lào.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai đi qua với chiều dài trên 85 km. Tính đến tháng 5/2015, có 294 vị trí giao cắt đồng mức với hệ thống đường bộ của tỉnh. Trong đó có 27 vị trí có đường ngang hợp pháp do Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Yên Lào thực hiện có gác chắn phòng vệ, còn lại 267 vị trí là đường ngang dân sinh, đây là những vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường sắt.
Với sự phát triển của nền kinh tế, mật độ giao thông đường bộ qua đường sắt tại các điểm giao cắt tăng cao, nhiều lối đi trái phép qua đường sắt, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt diễn ra phức tạp.
Trước thực trạng đó, những năm qua, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái đã thường xuyên chỉ đạo các ngành thành viên, các cơ quan chức năng phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Yên Lào tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các thành phần dân cư sinh sống dọc tuyến đường sắt, tổ chức ký cam kết không tự ý mở lối đi qua đường sắt, không vi phạm hành lang an toàn đường sắt à các quy định của pháp luật về đường sắt. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT nói chung và ATGT đường sắt nói riêng cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác bảo đảm trật tự, an ninh tại các nhà ga, nắm bắt tình hình hoạt động của tội phạm và các vi phạm về TTATGT đường sắt để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. Chỉ đạo các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện tốt công tác tuyên truyền và huy động các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân cùng tham gia đảm bảo ATGT đường sắt. Đồng thời, mở các đợt cao điểm để tập trung giải quyết các tình hình phức tạp về TTATGT đường sắt; Thực hiện công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn trên đường sắt; có phương án giải quyết nhanh các trường hợp phức tạp xảy ra trên đường sắt.
Trong năm 2015, đối với 27 vị trí đường ngang có phòng vệ, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tiến hành lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu, sơn vạch dừng theo đúng quy định tại các vị trí giao cắt giữa quốc lộ và đường sắt. Đối với Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Yên Lào đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra rà soát lối đi dân sinh; tiến hành lắp đặt các biển báo tại 47 vị trí giao cắt giữa đường dân sinh với đường sắt, tổ chức rào chắn hạn chế phương tiện cho 46 lối đi dân sinh công cộng, xây dựng đường gom, tường rào phòng hộ…
Tính từ ngày 15/9/2010 đến ngày 16/5/2015 trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 17 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 10 người, bị thương 5 người, hư hỏng 1 ô tô, 1 bộ ghi đường sắt, thiệt hại 51 triệu đồng. Theo đánh giá của các sở, ngành liên quan, tai nạn giao thông đường sắt có xu hướng giảm theo từng năm. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như vượt rào chắn đường ngang, đỗ xe vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: nhiều lối đi dân sinh công cộng chưa tổ chức cảnh giới theo đúng quy định, tiềm ẩn nguy hiểm mất an toàn giao thông; chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới đường sắt, thời gian thi công công trình đường sắt kéo dài ảnh hưởng tới TT ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ….
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đường sắt, những tồn tại, nguyên nhân và những khó khăn vướng mắc trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị thời gian tới tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt; rà soát các công trình, hành lang an toàn giao thông, các điểm cắt, đường ngang dân sinh để có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp, tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong công tác phối hợp; đồng thời, tổ chức quy hoạch lại hệ thống đường ngang dân sinh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.