Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nỗ lực xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu

07/09/2015 08:25:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Mù Cang Chải là huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, giao thông đi lại khó khăn, dân tộc Mông chiếm trên 91%, chủ yếu là Mông Đu (Mông Đen), Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Xi, Mông Lềnh (Mông Hoa), còn lại là các dân tộc khác. Đồng bào dân tộc Mông Mù Cang Chải mỗi một dòng tộc lại có một phong tục tập quán khác nhau, có những nét văn hóa riêng, đồng bào nơi đây còn lưu giữ một số hủ tục, tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm mà chưa xóa bỏ được, đặc biệt trong ma chay, cưới hỏi, tập quán lao động sản xuất, tạo rào cản đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào dân tộc Mông.

Thi kéo co- một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ, tết của đồng bào Mông Mù Cang Chải

Cách đây khoảng chục năm trở về trước, khi một người Mông qua đời, các nghi thức, thủ tục như: bắn 3 phát súng khi có người vừa chết để tiễn biệt người chết, để ma quỷ sợ hãi mà đi nơi khác và thông báo cho bà con trong bản biết là gia đình có người đã chết, có nhiều đám tang nhất là đám tang người già, người có uy tín khi bà con, họ tộc tới viếng cũng bắn súng kíp chào đón. Đại đa số người Mông trong huyện khi chết không đưa vào trong quan tài mà đưa lên ky  dùng sợi lanh buộc treo trên giá; bóp chết một con gà trống chuồng treo ngay dưới đầu của người đã chết. Hằng ngày gia đình cúng cơm thì đặt một bát cơm, quả trứng hoặc một đùi gà luộc vào tay, hoặc ngực, hoặc bên cạnh đầu của người đã chết. Con cháu, người thân đến viếng còn bón cơm vào miệng cho người đã chết. Người chết thường được tổ chức tang lễ từ 3-5 ngày tùy vào thầy chọn ngày, có người do khó chọn được ngày tốt để tới 6-7 ngày, trước khi đưa đi chôn cất người Mông còn có tục “phơi nắng” cho người đã chết. Bà con dân bản đến viếng thường mang nửa cở thóc hoặc chai rượu; các con cháu, người thân đến viếng mang xôi, gà luộc, lợn con và “nông dồng”. Xôi, gà thì một phần cúng người chết, một phần chia cho mọi người ăn. Các thủ tục viếng và cảm ơn cũng rất rườm rà, người viếng vào khóc thương rất lâu, sờ tay vào người chết, quỳ lạy cảm ơn và lạy khi đốt giấy, đốt hương…Trong đám tang mổ từ 2-3 con trâu bò, khoảng 20 - 30 con lợn con. Qua nhiều đám tang cho thấy gia đình có điều kiện thì mổ nhiều trâu bò, lợn gà hơn, mỗi đám tiêu tốn đến bốn, năm trục triệu đồng. Những gia đình không có trâu bò thì phải bán ruộng đất để đổi trâu bò và sau đám tang các gia đình không có đất sản xuất nên lại rơi vào hộ nghèo đói. Khi chôn cất cho người đã chết không tuân thủ theo quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa của xã, bản mà theo tập quán lâu đời của người Mông là lúc còn sống thích chỗ nào thì chọn và chỉ cho con cháu, lúc chết con cháu cứ theo đó mà chôn cất.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tích cực tuyên truyền và vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư” xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng gia đình và bản làng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, xây dựng quy ước, hương ước nếp sống văn minh ở thôn, bản. Thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội đến với người dân. Nâng cao dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nên đời sống của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải đã có nhiều khởi sắc, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Trong đám ma hiện nay, người chết không để quá 3 ngày trong nhà; nhiều dòng họ, nhiều  xã, khu, người chết đã cho vào áo quan vừa đảm bảo vệ sinh, vừa để lại hình ảnh tốt đẹp đối với người đến dự đám tang như: xã như Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Púng Luông, Nậm Khắt… Các đám tang đã giảm bớt giết mổ trâu bò chỉ từ 1 đến 2 con, có gia đình không có thì chỉ mổ lợn. Một số đám tang cảm ơn ban tang lễ bằng tiền mặt chứ không phải chia thịt như trước kia, các hủ tục rườm rà không cần thiết đã dần được xóa bỏ hoặc giảm bớt. Những nỗ lực trên đã góp phần hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc phát triển kinh tế- xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, để xóa dần rồi tiến tới bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào Mông trên rẻo cao Mù Cang Chải,  các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung vào duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông như: Thờ cúng tổ tiên, lễ hội gầu tào… và trong các lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Tầu sừ, lảy pao, đẩy gậy, bắn nỏ… Đồng thời tranh thủ uy tín của trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong thực hiện các chế tài xử phạt, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tạo được sức răn đe, hiệu lực, hiệu quả thực hiện hương ước thôn bản. Phát huy công tác tự quản trong gia đình, dòng họ, thôn bản về tảo hôn, sinh con thứ 3, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới, trong việc hiếu, đặc biệt người chết đưa vào áo quan, không tổ chức tang lễ dài ngày, không mổ trâu bò để chia thịt…

Chính sự đổi thay của bà con dân tộc Mông nơi đây trong việc xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu và trong sinh hoạt văn hóa đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện, bộ mặt nông thôn vùng cao ngày càng khởi sắc. Đó cũng là những bước tiến vững chắc trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và từng bước đưa Mù Cang Chải thoát nghèo bền vững./.

2817 lượt xem
(Theo Trang TTĐT Mù Cang Chải)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h