Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nối gần những bản xa

07/09/2015 15:33:54 Xem cỡ chữ Google
Hệ thống giao thông của tỉnh Yên Bái tương đối phức tạp với hệ thống sông, suối dày đặc, nhất là địa bàn các xã vùng cao. Nhiều xã, thôn, bản cách sông, cách suối, không có hệ thống cầu dân sinh nên rất khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như thông thương hàng hóa. Cách nhau có vài trăm mét nhưng mỗi khi mưa lũ về là nhiều hộ dân lại bị cô lập hoàn toàn.

Cầu treo Giàng Cài (xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn) có kinh phí đầu tư xây dựng lớn với chiều dài 70 mét.

Đề án xây dựng cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung du và Tây Nguyên được Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đã góp phần quan trọng giúp người dân đi lại thuận tiện và mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Được đánh giá là một trong những cầu treo dài nhất và có kinh phí đầu tư lớn nhất, cầu treo Khe Cam (xã An Lương, huyện Văn Chấn) có tổng chiều dài 120 mét, tổng kinh phí xây dựng 13 tỷ đồng. Khởi công xây dựng từ tháng 8/2014, sau hơn 6 tháng thi công, cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự vui mừng khôn xiết của các hộ dân trong xã. Cây cầu là huyết mạch giao thông nối vào 6 thôn gồm: Mảm 1, Khe Cam, Suối Dầm, Khe Quéo, Khe Cạnh và Đá Đen với trên 400 hộ dân sinh sống.

Dẫn chúng tôi đi trên cây cầu treo vẫn còn nguyên mùi sơn mới, ông Hoàng Văn Cội - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Là xã đặc biệt khó khăn, cả xã có 751 hộ. Xã có 12 thôn, bản thì có tới 10 thôn là cách sông, cách suối, hầu hết đều chưa có cầu đi lại. Để qua sông, qua suối, hàng ngày, người dân đã phải làm những chiếc cầu phao, cầu tạm bằng tre nứa để đi, mùa nắng đã đành còn đến mùa mưa lũ thì coi như bị cô lập hoàn toàn".

Nhiều khi có việc quan trọng, gặp mùa mưa lũ, cán bộ xã cũng không thể vào được các thôn, bản mà cán bộ các thôn, bản cũng không thể ra ngoài xã được. Giao thông cách trở khiến nhiều hàng hóa nông sản làm ra không thể tiêu thụ. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám người dân nhiều năm qua. Khổ nhất vẫn là học sinh ngày hai buổi đến trường, nhiều em phải nghỉ học cả tháng trời vì nước lớn không thể qua suối.

Ngày Đề án xây dựng cầu treo được triển khai tại xã, vui nhất vẫn là các thầy, cô giáo của trường mầm non, trường tiểu học và THCS vì từ nay không phải phụ đạo kèm cặp dạy thêm học sinh phải nghỉ học do mưa lũ.

Thầy giáo Đinh Văn Lập - Hiệu trưởng Trường THCS An Lương tỏ rõ niềm vui khi cây cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng vì nhà trường không có phân hiệu lẻ, chỉ duy nhất phân hiệu chính ở trung tâm xã. Nhà trường có 8 lớp với 329 học sinh, 80% số học sinh đều cách sông, cách suối. Vào mùa mưa lũ, có những lớp chỉ còn lại vài em học sinh. Để bảo đảm đủ số tiết học cho học sinh, năm nào, nhà trường cũng phải tổ chức phụ đạo để kịp chương trình, vừa vất vả cho giáo viên lại vừa vất vả cho học sinh.

Không chỉ có cầu treo Khe Cam, trong Đề án xây dựng tuyến đường An Thịnh - Bản Hẻo, địa phương sẽ được hưởng lợi từ cây cầu bê tông dài khoảng 120 mét nối từ trung tâm xã đi 4 thôn là Sài Lương 1, Sài Lương 2, Sài Lương 3 và Khe Cạnh. Từ đây, người dân có thể giao lưu, thông thương hàng hóa thuận tiện với xã Mỏ Vàng của huyện Văn Yên. "Chỉ nay mai thôi, An Lương sẽ bứt phá đi lên và thoát nghèo là điều không thể phủ nhận" - Phó chủ tịch UBND xã - Hoàng Văn Cội chia sẻ thêm.

Cũng giống như An Lương, Nậm Lành là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, 91% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Xã có 7 thôn, bản thì có tới 6 thôn cách sông, cách suối. Trước đây, các thôn, bản của xã cũng đã được đầu tư hệ thống cầu treo dân sinh song qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và hư hỏng nặng.

Trong đó, cây cầu treo dẫn vào thôn Giàng Cài đã bị hư hỏng nặng, hệ thống gỗ mặt cầu mục nát. Năm vừa qua, 7 người dân đã bị rơi xuống suối khi đi qua cầu, cũng may chưa có thiệt hại về người. Mặc dù cây cầu chỉ nối vào thôn Giàng Cài với trên 50 hộ dân sinh sống song đây lại là huyết mạch giao thông chính để các thôn xa nhất như Ngọn Lành, Tà Lành, Nậm Tộc… thường xuyên đi qua để ra trung tâm xã và thông thương hàng hóa.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và phê duyệt Đề án xây dựng cầu treo dân sinh Giàng Cài.

Theo ông Trần Văn Quý - Chủ tịch UBND xã, hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã đều ở thôn Giàng Cài, học sinh bên đó cũng đông. Hơn nữa, thôn được chia thành 2 bản nên có tới 2 bí thư chi bộ và 2 trưởng bản. Khi cây treo cũ bị hỏng, mỗi khi mưa to gió lớn xã đều phải cấm người và các phương tiện qua lại cây cầu, rồi nhiều cuộc họp quan trọng của xã cũng phải hủy bỏ vì thiếu cán bộ chủ chốt. Vậy mà, cứ như một giấc mơ, cây cầu treo kiên cố dài 70 mét sau hơn 3 tháng thi công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây mới 4 cầu treo và sửa chữa 22 cầu treo bằng nguồn vốn 135, 30a với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của người dân bởi theo báo cáo, kiến nghị của các địa phương thì nhu cầu đầu tư xây dựng và thay mới cầu dân sinh là 117 chiếc, trong đó cầu treo là 73 chiếc, cầu bê tông là 44 chiếc.

Trong Đề án xây dựng cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung du và Tây Nguyên, tỉnh Yên Bái qua kiểm tra thống nhất tại hiện trường 32 cầu treo, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận xây dựng 26 cầu treo. Trong giai đoạn I năm 2015, đã triển khai xây dựng và hoàn thành được 9 cầu treo và dự kiến trong giai đoạn II, 17 cầu treo sẽ thi công xong trong năm 2015. Số cầu cứng và cầu treo còn lại sẽ được triển khai vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017.  

 

1241 lượt xem
Theo Thanh Tân/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h