Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nghĩa Lộ: Gìn giữ Điệu xòe Thái Mường Lò

18/09/2015 10:02:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Xòe được coi là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò và thành công của màn đại xòe cổ xác lập kỷ lục Việt Nam được Thị xã Nghĩa Lộ tổ chức trong Lễ công bố Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng thị xã Văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020” đã tôn vinh được giá trị văn hóa đặc sắc của xòe cổ và tạo được điểm nhấn, ấn tượng thu hút du khách đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò. Năm nay, một lần nữa nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian theo quyết định số 1877 ngày 8/6/2015. Một trong những yếu tố đóng góp quan trọng làm nên thành công này chính là những già làng, những người tâm huyết khôi phục, giữ gìn và truyền dậy 6 điệu xòe đặc trưng cơ bản nhất của đồng bào Thái.

Ông Biến say mê truyền dạy xòe cho thế hệ trẻ

Hôm nay, ông Lò Văn Biến - người vẫn thường được ví như pho từ điển sống về vốn văn hoá văn nghệ của người Thái ở Mường Lò có buổi dạy xòe tại bản Cang Nà, phường Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ. Ông Biến rời nhà đi từ khi mặt trời còn chưa tắt nắng, cho đến khi trăng lên thì cũng là lúc các chị em trong bản gác lại mọi công việc đồng áng, váy áo cỏm sặc sỡ, sẵn sàng cho buổi tập xòe. Chính ông Biến cũng không biết từ khi nào ông dành gần như cả cuộc đời mình cho việc khôi phục và truyền dạy lại nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng có của người Thái, đó là điệu xòe. Tình yêu, sự tâm huyết đối với điệu xòe, với văn hóa Thái đã thôi thúc ông  ngày nào cũng đi khắp các bản gần, làng xa để truyền dạy 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn 30 điệu dân vũ của đồng bào Thái, đó là: Xòe vòng, xòe vòng tròn vỗ tay, xòe bước tiến lùi, xòe tung khăn, xòe bổ bốn và xòe nâng khăn mời rượu. Ông Lò Văn Biến tâm sự: Đối với văn hóa Thái mà nói, điệu xòe là chủ đạo, là cái cốt lõi trong tinh thần người Thái. Chỉ có xòe mới làm cho không khí của cuộc vui thêm vui hơn, say hơn.

Múa xòe không ai nhớ có từ bao giờ, chỉ biết rằng người già ở trong bản vẫn kể cho con cháu nghe về đội xòe của vua Thái Đèo Văn Long - chủ toàn xứ Thái tự trị do Pháp dựng lên từ năm 1948. Ông Biến nhớ lại: Ban Chỉ huy quân sự thời Pháp chỉ có một thằng quan Tư lớn nhất, nó đến đất xứ Thái này nó muốn xem cái văn nghệ của người Thái. Nó đi chọn lấy những người con gái đẹp về vóc dáng... nói chung là đẹp. Đội xòe của nó từ 12-18 người chứ không phải là 6 người như bây giờ đâu.

Để chuẩn bị cho buổi tập sắp tới, ông Biến đến nhà ông Cầm Ngoan, ở Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, người duy nhất còn làm được khèn bè cổ Mường Lò để sửa lại chiếc khèn bè. Khèn bè là nhạc cụ chủ đạo trong nghệ thuật múa xòe cũng là biểu tượng âm nhạc của người Thái. Để làm được 1 chiếc khèn bè hoàn chỉnh, ông Ngoan có khi phải mất đến cả tuần từ khâu chọn nứa, hơ lửa cho đến kĩ thuật làm lam đồng. Khó những vẫn đam mê, vẫn theo đuổi vì tình yêu với khèn bè.

Mấy chục năm gắn bó với nghề này, ông Ngoan cũng chẳng nhớ nổi mình đã tự tay làm ra bao nhiêu chiếc khèn bè nữa. Với ông, mỗi thanh âm vang lên đều là những thanh âm của sự trải nghiệm. Thời còn trẻ, khèn bè gắn với ông Ngoan như một thú vui, về già ông tâm niệm làm khèn là để truyền dạy cho con cháu nghề của cha ông, góp phần gìn giữ một phần văn hóa Thái trong đời sống văn hóa tinh thần. Cũng giống như khèn bè, trống cổ là một trong những nhạc cụ quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ của người Thái, đặc biệt là trong các đêm xòe. Có tiếng trống giữ nhịp, đêm xòe như vui hơn, say hơn. Cả đời cặm cụi, tỉ mẩn căng từng mảnh da, sửa từng cái trống; Ông Hoàng Văn Ing ở Bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn chính là người duy nhất hiện nay còn chế tác trống cổ phục vụ những lễ hội xòe của người Thái, việc làm nhỏ bé và thầm lặng của ông đang góp phần giữ những đêm xoè thêm rộn rã, say đắm lòng người. Ông Hoàng Văn Ing - Người làm trống cổ nổi tiếng vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò cho biết: “Làm một cái trống hoàn chỉnh phải mất đến hơn 1 tuần, phải lựa chọn kỹ miếng da căng trên mặt trống, rồ căn chỉnh thật chuẩn. Làm trống cổ phải yêu nó, tâm huyết với nó mới làm được. Trống kêu vang thì người mua mới chuộng, người nghe cũng thấy mê say”.

Một đêm xòe bắt đầu với tiếng trống tiếng chiêng, tiếng tằng bẳng, mắc hính rộn ràng, những cô gái Thái, bình thường vẫn là chân trần lấm đất lo toan chuyện ruộng vườn, ấy vậy mà khi vào vòng xòe sao mềm mại, dẻo dai, khéo léo đến thế. Thiếu nữ Thái với áo cỏm, váy nhung, xà tích đeo bên hông đung đưa theo nhịp xòe đã góp phần thêu dệt nên phần hồn cho đêm xòe và tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Thái đến say lòng người. “Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần, vào đây anh tay cầm tay múa xòe cùng em, xòe cùng em”…

Để có một đêm xòe hoàn hảo là sự kì công của biết bao người âm thầm như ông Biến, ông Ngoan, ông Ing và cả những chị những em say mê múa xòe, vất vả luyện tập ngày đêm để giữ mãi cái cốt, cái hồn của hơn 30 điệu xòe hôm nay. Các ông không biết tự khi nào đã trở thành những “nghệ nhân” bản Thái bởi đã góp công không nhỏ trong việc giữ gìn, truyền dạy lại những điệu xòe cổ của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.

Thị xã Nghĩa Lộ vẫn đang đổi thay, phát triển từng ngày và phấn đấu trở thành thị xã văn hóa du lịch, lấy không gian văn hóa múa xòe là chủ thể. Hi vọng rng hướng đi đúng đắn này của thị xã sẽ gìn giữ và phát triển điệu xòe một cách đúng nghĩa. Còn đối với người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò, dù không hay có là “Nghệ nhân” hay chỉ đơn giản là người dân bình dị, chất phác thì múa xòe mãi là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Và cần nhiều hơn nữa những người như ông Biến, ông Ngoan, ông Ing hay lớp lớp những người trẻ, hi sinh để làm người bảo tồn và phát triển văn hóa múa xòe, bởi không ai có thể gìn giữ, phát huy giá trị của nét văn hóa đặc trưng này tốt hơn chính cộng đồng người Thái./.

1290 lượt xem
Nguyễn Thư - Đài TT.TH Thị xã Nghĩa Lộ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h