Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Chùa Lạc Điền xã Tuy Lộc - Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

01/08/2019 13:36:18 Xem cỡ chữ Google
Ngày 06/2/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND công nhận Chùa Lạc Điền xã Tuy Lộc - Thành phố Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

1. Tên gọi Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Lạc Điền xã Tuy Lộc - Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Tên gọi khác

Chùa Tuy Lộc (Tên chùa đặt theo địa danh xã).

3. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 06/2/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Chùa Lạc Điền xã Tuy Lộc - Thành phố Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

5. Địa điểm và đường đến Di tích

Chùa Lạc Điền thuộc thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 13.572,7m2. Di tích chùa Lạc Điền cách Ủy ban nhân dân xã Tuy Lộc khoảng 500m, cách trung tâm thành phố Yên Bái 5km về phía Bắc. Đến di tích du khách đi theo đường bộ rất thuận tiện.

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Cuối thế kỷ XIX, vùng đất Tuy Lộc còn hoang sơ, đồi núi, chưa có người ở. Một số người dân ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ), do cuộc sống khó khăn, cùng với sự hà khắc của thực dân Pháp nên đã di cư lên xã Bái Dương, Trấn Yên sinh sống. Khi đến vùng đất Tuy Lộc (ngày nay) trù phú, phù sa bồi đắp thuận lợi cho canh tác nên họ đã định cư, lập làng và lấy tên vùng đất cũ (Tuy Lộc) đặt tên cho vùng đất mới để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn đất Tổ, từ đó có tên Tuy Lộc.

Chùa Lạc Điền được xây dựng cuối thế kỷ XIX, từ nhu cầu trong đời sống văn hóa tâm linh, người dân vùng đất Tuy Lộc dựng Am nhỏ bên sông để thờ Phật. Khởi đầu, Am được xây dựng bằng gỗ mít, mái lợp cọ, nền đất, tường lịa ván xung quanh. Năm 1935, do chiến tranh, Am bị hư hỏng, người dân trong vùng đã cùng nhau xây dựng Chùa Lạc Điền (thay Am) tại thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc với kiến trúc nhà xây cấp 4, lợp ngói, tường lịa ván xung quanh, quay hướng Nam. Năm 1952 - 1953, Chùa Lạc Điền được tu sửa lại do bị xuống cấp. Năm 1968, do bị ngập, Chùa Lạc Điền bị sụp đổ hoàn toàn.

7. Các nhân vật được thờ tự

Hệ thống tượng thờ tại Chùa Lạc Điền, xã Tuy Lộc gồm 3 lớp sau: Lớp thứ nhất: Phật Tam thế; Lớp thứ hai: Đức Chúa Ông; Lớp thứ ba: Phật Thích Ca.

Phật Tam thế: Thể hiện Phật ở 3 thời là hiện tại thế, vị lai thế, quá khứ thế. Phật Tam thế liên quan đến lực lượng tự nhiên, thể hiện khát vọng cầu mưa, cầu mùa màng của người Việt.

Đức Chúa Ông: Còn gọi là Ban Đức Ông, là trưởng giả cấp Cô độc bởi ông thường xuyên giúp đỡ người nghèo, cứu người khổ, chia sẻ với những ai thiếu thốn.

Phật Thích Ca: Có tên là Tất - Đạt - Đa Cồ - Đàm, là người sáng lập ra đạo phật. Phật mặc áo cà sa vàng, choàng chéo qua vai, đầu búi tóc cao.

8. Các hiện vật trong Di tích

Năm 1968, sau khi bị ngập và sụp đổ, các hiện vật trong chùa Lạc Điền được người dân trong vùng vớt lên và gửi tại đền Bái Dương, xã Tuy Lộc. Các hiện vật gồm: 01 Cối đá; 01 Ống đựng trầu; 03 Mâm bồng; 05 Chân nến; 03 Chuông đồng; 01 Ống hương; 02 Mâm gỗ; 03 Cối hương; 01 Đĩa men.

9. Phong tục lễ hội:

Hàng năm tại chùa Lạc Điền, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái diễn ra nhiều nghi lễ, trong đó có các lễ hội chính như: Tết Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng); Lễ Xá tội vong nhân (ngày 15 tháng 7); Lễ Tất niên.

Lễ Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng): Đây còn gọi là Lễ hội hoa đăng hay Lễ hội đèn hoa, là ngày lễ thiêng liêng nhất của năm mới. Vào ngày lễ, người dân trong vùng lại nô nức chuẩn bị mâm lễ gồm: Oản, bánh mật, hoa quả và hương, hoa, đèn, nến đi chùa lễ Phật cầu bình an, tài lộc và sức khỏe. Trong ngày lễ Thượng Nguyên, nhà chùa và đông đảo người dân trong vùng còn tổ chức đốt đèn cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho người đã khuất. Đây là lễ hội giàu truyền thống mang nhiều giá trị tâm linh cho một năm mới.

Lễ Xá tội vong nhân (ngày 15/7): Hàng năm, vào ngày 15/7 (âm lịch), người dân trong vùng cùng Phật tử và du khách thập phương lại chuẩn bị lễ vật như: oản, chè, bánh, kẹo, hương, hoa dâng lên chùa lễ Phật và cúng chúng sinh nhân ngày Xá tội vong nhân "mở cửa địa ngục" và lễ Vu Lan. Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống, đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Lễ Vu lan có ý nghĩa báo ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Đây là ngày lễ quan trọng của Phật giáo đã thu hút đông đảo các Phật tử và du khách thập phương tham dự. Lễ xá tội vong nhân “mở cửa địa ngục” là ngày các cô hồn được xá tội thoát về dương thế. Do đó, mọi nhà đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối…để siêu sinh cho những linh hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa.

Lễ Tất niên hàng năm được chùa Lạc Điền, xã Tuy Lộc tổ chức để kết thúc một năm cũ, chuẩn bị đón năm mới với nhiều may mắn và tài lộc. Vào ngày này, người dân trong vùng và du khách thập phương mang hương, hoa, xôi, oản, bánh, kẹo…dâng lên kính Phật và cầu mong tài lộc, sức khỏe cho năm mới. Cùng ngày, nhà chùa còn tổ chức lễ cầu siêu cuối năm cho các linh hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa.

Chùa Lạc Điền đánh dấu mốc lịch sử phát triển thờ Phật của cư dân sông Hồng ở miền núi Yên Bái nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung. Tuy không còn kiến trúc của chùa, chỉ còn lại không gian văn hóa, nhưng qua nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực địa và nhân chứng có thể khẳng định di tích chùa Lạc Điền, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và sự hình thành, phát triển vùng đất từ xa xưa. Do đó, Chùa Lạc Điền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là di tích cấp tỉnh để tiếp tục được bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di tích, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

2408 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h