Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới

21/09/2015 14:58:07 Xem cỡ chữ Google
Trong 5 năm qua, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội toàn tỉnh Yên Bái ước đạt 6.813,4 tỷ đồng.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. (Ảnh: Đồng bào Dao Văn Chấn phơi vỏ quế).

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là chủ trương, chính sách lớn, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Đảng, Nhà nước đề ra, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với bảo đảm công bằng xã hội. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về những kết quả XĐGN của tỉnh Yên Bái thời gian qua.

P.V: Xin ông cho biết khái quát về kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh 5 năm qua?

Ông Hoàng Đức Vượng: Thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững với 11 nhóm chính sách, dự án và các giải pháp tổng thể chung mà trung ương chỉ đạo, gồm: Truyền thông nâng cao năng lực, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo, chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội - bảo trợ xã hội, lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Ngoài chính sách chung của trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù về giảm nghèo và an sinh xã hội như: hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011- 2015 ngoài huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015; chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp giai đoạn 2013 - 2016; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái năm 2015 đến năm 2016.

Trong 5 năm qua, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội toàn tỉnh ước đạt 6.813,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương 3.505,5 tỷ đồng, vốn địa phương 578,2 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội 1.720 tỷ đồng... Từ đó, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 58.893 người. Đến hết năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 42,6% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27,8%).

Ước đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%); giải quyết cho trên 26.441 lượt hộ nghèo, 3.200 hộ cận nghèo được xét duyệt cho vay vốn phát triển sản xuất; mỗi năm cấp phát miễn phí khoảng 460 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần nâng tỷ lệ số người dân tham gia bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn tỉnh lên 84% hiện nay. Đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, thuỷ lợi... đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sản xuất, đi lại, khám chữa bệnh và học tập của nhân dân. 

Thông qua thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56% cuối năm 2014 (bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 4%/năm, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải trên 6%/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ước tính năm 2015, giảm trên 4% tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 16%, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, an sinh xã hội được bảo đảm; nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt, nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hoá, biết kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm làm ra để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

P.V: Xin ông cho biết, kết quả nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua?

Ông Hoàng Đức Vượng: So với mục tiêu đề ra, kết quả nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo là thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua. Cụ thể như sau: Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 29,23% cuối năm 2012 và còn 25,38% cuối năm 2013, 20,56% năm 2014. Riêng hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, bình quân tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm trên trên 6%, vượt mục tiêu đề ra. Dự kiến năm 2015, giảm trên 4% tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn 16%.

P.V: Thưa ông, có thể thấy, nguồn lực cho công tác giảm nghèo 5 năm qua là rất lớn. Vậy, với điều kiện của tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, xuất phát điểm thấp, Yên Bái đã làm những gì trong lồng ghép và phát huy hiệu quả các nguồn lực phục vụ giảm nghèo bền vững?

Ông Hoàng Đức Vượng: Theo các chính sách hiện hành, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, hiện có đến 16 chương trình và chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ giảm nghèo. Đây là những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm XĐGN cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, đáng kể nhất là chính sách XĐGN nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chính sách 30a), chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167), Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa, ngoài ra còn có sự ủng hộ, đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thực hiện lồng ghép các chương trình kể trên, những năm qua, Yên Bái đã huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư, phát triển và XĐGN. Kết quả, đã huy động khoảng 6.800 tỷ đồng trong 5 năm qua để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đạt được kết quả như đã nêu trên. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 32,53% năm 2011 xuống còn khoảng 16% năm 2015. Theo đánh giá của địa phương, kết quả trên một phần là nhờ có sự kết hợp, lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn chính sách cho mỗi mục tiêu.

Ước tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 45%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. (Ảnh: Minh Tuấn)

PV: 5 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm gì thưa ông?

Ông Hoàng Đức Vượng: 5 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, phải xác định XĐGN là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, là mục tiêu hàng đầu của các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện XĐGN phải hướng vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần và chủ trương phải đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo, phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; về chủ trì, phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo nhưng đúng pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, xây dựng lộ trình thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN. Đi đôi với công tác này, phải tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động chất lượng cao. Đây là một trong những giải pháp tích cực có tác động rất lớn đối với công tác XĐGN  ở Yên Bái.

Thứ ba, xã hội hóa các hoạt động XĐGN, phát động phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn tỉnh. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống. Phấn đấu thực hiện mục tiêu XĐGN nhanh và bền vững thông qua đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn kết hợp và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên từng địa bàn và dựa trên cơ sở đề xuất của nhân dân cho phù hợp. Đồng thời, xem việc xóa nhà ở tạm là nội dung quan trọng trong chương trình XĐGN của địa phương.

Thứ tư, thiết lập cơ chế phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch và có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

Thứ năm, hàng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình XĐGN và xóa nhà tạm, kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn cho những năm tiếp theo.

P.V: Trên cơ sở kết quả 5 năm qua, ông cho biết mục tiêu công tác giảm nghèo thời gian tới?

Ông Hoàng Đức Vượng: Thời gian tới, ngành lao động sẽ tham mưu với các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có nghị quyết, chỉ thị chuyên đề và chương trình hành động cụ thể của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai được hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, đối với người nghèo cần khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo không chông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3,5 % năm; bảo đảm nguồn lực thực hiện đầy đủ chính xác, kịp thời các chính sách đã được ban hành hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo theo qui định; thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thành Trung (thực hiện)

 

830 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h