Những
năm qua, công tác bảo đảm ATGT học đường luôn được các cấp, ngành quan tâm.
Điều này thể hiện rõ qua những buổi tuyên truyền pháp luật ATGT cả trong chính
khóa, ngoại khóa với sự tham gia của lực lượng cảnh sát giao thông và đoàn viên
thanh niên các cấp đồng thời đã có nhiều cuộc thi, sân chơi về chủ đề ATGT dành
riêng cho các trường học. Tỉnh đoàn cũng đã triển khai xây dựng mô hình “Cổng
trường ATGT” tại nhiều điểm trường.
Bên
cạnh đó, để giảm tải đối với các đơn vị trường thuộc bậc học mầm non và tiểu
học thường xuyên có bố mẹ, người nhà đưa đón, các đơn vị trường đã có biển
hướng dẫn, nhắc nhở phụ huynh không được dừng đỗ, để xe dưới lòng, lề đường và
kẻ vẽ ô trong sân trường tạo không gian thuận tiện cho việc đưa đón con em.
Thêm
vào đó, các trường học đưa nội dung chấp hành ATGT vào đánh giá hạnh kiểm trong
tháng; lực lượng cảnh sát giao thông mở các chuyên đề tuyên truyền, xử lý hành
vi không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ trên 6 tuổi và học sinh đi xe đạp điện
không đội MBH. Với những giải pháp trên, công tác bảo đảm ATGT học đường đã có
chuyển biến tích cực, tình trạng ùn tắc tại nhiều điểm trường đã giảm hẳn; việc
học sinh vi phạm về ATGT cũng không còn phổ biến. Đặc biệt, đã hạn chế rất
nhiều các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Không
thể phủ nhận kết quả đã đạt được nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận
những tồn tại. Đó là tại các điểm trường vào đầu giờ học hay khi tan tầm, tình
trạng lộn xộn, ùn tắc, mất an toàn trước cổng trường vẫn còn diễn ra, nhất là
khi thiếu sự nhắc nhở, tuyên truyền của nhà trường và của các tổ chức đoàn,
đội; ý thức của nhiều học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành nội qui cổng
trường an toàn vẫn chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và nhận
thức về pháp luật ATGT chưa thường xuyên, liên tục và chưa có trọng tâm, chưa
bắt được đúng tâm lý lứa tuổi, giới tính...
Bên
cạnh đó, tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội MBH hoặc đội mũ nhưng
không cài quai diễn ra khá phổ biến. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các em
học sinh đi xe đạp điện khi đi học trong các giờ học chính khóa đều thực hiện
rất nghiêm qui định đội MBH. Thế nhưng, ngay khi tan trường, khi đi chơi hay
giờ ngoại khóa, tình trạng không đội MBH lại diễn ra khá phổ biến. Không những
thế, nhiều em điều khiển xe đạp điện còn dàn hàng hai, hàng ba, lạng lách, đánh
võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao
thông.
Trước
thực tế này, năm học 2015 - 2016, Ban ATGT tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao
trong công tác bảo đảm ATGT học đường. Trong đó, nổi bật là Lễ phát động Năm
học ATGT tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái). Tại đây, các em học
sinh đã được nghe đại diện Ban ATGT tỉnh tuyên truyền quy định của pháp luật về
đội MBH đối với trẻ em; phổ biến kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, ý thức
chấp hành pháp luật trật tự ATGT; hướng dẫn cách nhận biết, lựa chọn MBH bảo
đảm chất lượng, cài quai MBH đúng cách khi tham gia giao thông…. Đặc biệt, Ban
ATGT tỉnh sẽ phát tặng trên 1.000 MBH cho học sinh tại trường.
Theo bà
Đào Thị Xuân Huế - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, ngoài việc
đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT
đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Phòng tham mưu với chính quyền địa
phương chỉ đạo việc tham gia hỗ trợ giao thông tại cổng trường trong ngày học
và dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các nhà trường tiếp tục ký cam kết
với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định:
không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về đội MBH
và tuân thủ các quy tắc ATGT. Ngoài ra, lực lượng công an đã xây dựng kế hoạch
triển khai tuyên truyên tại từng cấp học cụ thể với hình thức linh động cho phù
hợp với từng đối tượng, lứa tuổi.
Theo cô
giáo Nguyễn Ngọc Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thực tế trong
những giờ học chính khóa, có sự giám sát của nhà trường thì học sinh chấp hành
rất nghiêm các quy định. Tuy nhiên, mỗi khi tan tầm, nhiều học sinh lại bỏ MBH,
chạy dàn hàng ngang rất nguy hiểm. Điều này cho thấy, có sự buông lỏng của gia
đình trong nhắc nhở, giáo dục con em.
Đồng
tình với quan điểm trên, nhiều người cho rằng, để học sinh chấp hành nghiêm các
quy định của pháp luật ATGT, ngoài các giải pháp của nhà trường, ngành chức
năng thì gia đình, phụ huynh phải tích cực tham gia giáo dục, tuyên truyền,
nhắc nhở con em mình. Đặc biệt, thái độ kiên quyết bắt buộc trước khi ra đường
phải yêu cầu con em đội MBH, không cho sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi và
chưa có giấy phép lái xe... đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình
thành thói quen, ý thức chấp hành luật của các em khi tham gia giao thông.
Theo Hùng Cường/Báo Yên Bái