Trở lại
xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu trong những ngày tháng 9, cảm nhận đầu tiên của
chúng tôi về sự thay đổi nhanh chóng của xã vùng cao này là trục đường chính từ
quốc lộ 32 về trung tâm xã đã được mở rộng thông thoáng, các con đường giao
thông về bản đã được làm mới rộng rãi đi lại thuận tiện hơn, trụ sở UBND xã,
trường học, trạm y tế xã... được xây mới khang trang, nhà dân ở các thôn, bản
mái được lợp bằng tấm lợp prô xi măng sáng trắng, nhà nhà đều có cờ Tổ quốc bay
phất phới, tạo nên bức tranh mới ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Nằm
cách trung tâm huyện lỵ gần 60km, Tà Si Láng được coi là nơi "gần núi đồi,
xa đô thị", toàn xã có 5 thôn với 308 hộ, 1.735 nhân khẩu, 100% là đồng
bào dân tộc Mông. Cách đây 10 năm về trước, trên mảnh đất này đường đi chưa có,
người dân đi chợ, lên nương, xuống đồng chỉ đi bằng những con đường mòn rộng
chưa đầy một mét xuyên qua núi cao, vực thẳm trùng điệp vô cùng vất vả nhưng
nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, những con đường đã được mở mới rộng rãi
từ 3 - 4m và đi thẳng, không còn vòng vèo như trước nữa, việc đi lại đã trở nên
dễ dàng hơn. Những con ngựa thồ hàng trước đây, nay đã được thay bằng xe máy,
đi lại nhanh hơn; các công trình dân sinh được đưa vào khai thác phục vụ cuộc
sống nhân dân. Xã đã tập trung xây dựng nông thôn mới với những công trình, dự
án trọng điểm tạo nên sự thay đổi nơi vùng cao này. Thời gian qua, Tà Si Láng
đã thực hiện kiên cố hóa được 3,5km đường bê tông và mở mới gần 37km đường liên
thôn, tạo thuận lợi cho các cháu học sinh đến trường, lớp học và người dân chở
hàng nông sản, giao thương hàng hóa đi lại thuận lợi hơn.Trường học, trạm y tế
cũng được xây dựng khang trang, các thôn bản đều có lớp học cho con em đồng
bào, về đêm tại trung tâm xã đã có điện thắp sáng...
Chủ
tịch UBND xã Tà Si Láng - Giàng A Chang cho biết: “Để phát triển kinh tế, xóa
đói giảm nghèo một cách bền vững, những năm qua, Đảng bộ chính quyền xã đã tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước và phát huy nội lực, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ
cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực xây dựng nếp sống văn hoá, không ngừng nâng
cao đời sống cho nhân dân”.
Đảng
bộ, chính quyền xã đã phát huy, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng
viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thôn, bản luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được
giao. Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa”, thực hiện tốt chính sách dân tộc và các chương trình, dự án xóa
đói, giảm nghèo. Là địa phương có diện tích đất rộng lớn với trên 8.000ha Tà Si
Láng đã định hướng cho nhân dân phát huy lợi thế, tích cực sản xuất nông - lâm
nghiệp, đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở vùng cao.
Thực
hiện chủ trương của xã, nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào thi đua
yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, đặc biệt là tích cực gieo cấy lúa vụ
chiêm xuân, ngô vụ hè thu, luôn thực hiện việc gieo cấy 2 vụ/năm, tích cực
chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) áp dụng
vào sản xuất. Từ đó, nhiều hộ dân không những vươn lên thoát khỏi đói nghèo mà
còn làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương như gia đình các ông: Sùng
Rủ Gia ở thôn Chống Chùa, ông Vàng A Kê ở thôn Làng Mảnh, ông Vàng A Ninh ở
thôn Tà Cao…
Để kinh
tế hộ gia đình ngày càng phát triển, xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện hơn
tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cây, con giống cho những hộ còn khó khăn
để cùng vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, chỉ
đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn
của huyện tổ chức mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất cây trồng, chế
biến, bảo quản nông sản… Xã đã thực hiện thành công 3 mô hình canh tác ngô trên
đất dốc với các giống C919, Bioseed 9698, NK 66, Nk 54 và 2 mô hình thâm canh
giống lúa mới đạt năng suất cao như: ĐS1 và đặc biệt là mô hình chuyển diện
tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu sang trồng ngô năng suất cao.
Cùng
đó, vận động nhân dân tích cực bảo vệ và phát triển rừng kinh tế, đến nay toàn
xã đã trồng mới được 230ha cây sơn tra dưới tán rừng khoanh nuôi. Thông qua các
mô hình, đã giúp bà con biết áp dụng KH-KT vào sản xuất theo từng mùa vụ, từng
loại cây trồng, đảm bảo đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp - lâm
nghiệp.
Để cho
cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng kênh mương dẫn
nước về đồng như các công trình thủy lợi ở thôn Chống Chùa, thôn Tà Chơ và kiên
cố hóa 2 con mương ở thôn Háng Đề La và thôn Tà Cao…
Nhờ đó,
đã giúp bà con có đủ nước tưới tiêu và thuận lợi trong việc thâm canh tăng vụ,
mở rộng diện tích gieo trồng cây lương thực. Đồng thời, tuyên truyền, vận động
bà con tích cực ứng dụng KH - KT vào sản xuất, góp phần làm tăng sản lượng
lương thực. Với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo chính quyền và nhân dân trên
địa bàn, diện tích đất sản xuất của toàn xã đã tăng nhanh từ 293ha (năm 2010)
lên 712ha (năm 2014). Tổng sản lượng lương thực có hạt của xã là trên 1.969
tấn/năm, tăng 783 tấn so với năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt trên
1.113 kg/năm, tăng 529kg so với năm 2010. Ngoài ra, nhân dân còn chú trọng đến
việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện nay tổng đàn gia súc chính của
xã có 2.308 con, đàn gia cầm là trên 6.000 con.
Trong
xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện vệ sinh môi
trường, cảnh quan nhà ở, tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các
công trình phúc lợi của thôn, xóm. Trong đó, cán bộ, đảng viên luôn là gương đi
đầu trong mọi phong trào hoạt động để nhân dân thực hiện theo. Với tinh thần
đoàn kết, cùng góp sức người, sức của vào việc xây dựng nông thôn mới, đến hết
năm 2014, xã Tà Si Láng đã thực hiện đạt 3/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây
dựng nông thôn mới.
Thời
gian tới, xã Tà Si Láng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng
phát triển kinh tế hàng hóa, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy
mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, để Tà Si Láng có sức bật mới, giảm tỷ lệ
hộ nghèo nhanh và bền vững.