Khi những thửa ruộng trên cánh đồng thôn
Phai Lò, xã Hạnh Sơn mới bước vào độ chín, những người nông dân đã tất bật
chuẩn bị bầu ngô giống để gieo trồng vụ đông. Những khoảng đất trống bên mương
nước được tận dụng, vài khoảng ruộng gặt sớm được nhào bùn, cắt đất, làm chỗ
ươm mầm cho những hạt ngô vừa được ngâm ủ. Chưa đầy một tuần, những bầu ngô đã sẵn
sàng làm bầu giống thay áo cho những thửa ruộng đang nhuộm vàng sắc nắng. Bằng
kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp nhiều năm, nay người nông dân Hạnh Sơn đã chủ
động cơ cấu giống lúa ngắn ngày nên đầu tháng 9 các trà lúa sớm đã bắt đầu cho
thu hoạch.
Vụ này, gia đình chị Đinh Thị Ngọc ở thôn
Phai Lò đã gặt từ rất sớm, tranh thủ cày lên luống 2.000m2 ruộng, làm bầu ngô,
giờ chị đã gieo trồng được trên 1.500m2 ngô đông. Vụ này, chị trồng ngô toàn bộ
diện tích đất 2 lúa, trong đó 2/3 diện tích trồng ngô nếp. Chị Ngọc cho biết, làm
sớm thì thời tiết thuận lợi, ngô phát triển nhanh, ngô nếp đầu mùa lại được
giá. Vả lại trồng ngô nếp chỉ 2 tháng là được thu, vừa tận dụng lá vừa có thể
làm thêm một vụ màu đón tết. Vậy là giá trị vụ đông có thể cao hơn cả vụ xuân.
Là một trong những địa phương đi đầu trong
sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn nhưng nông dân Hạnh Sơn chỉ sở hữu gần 240ha
lúa nước. "Cái khó ló cái khôn", từ việc đi đầu trong ứng dụng khoa
học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nhiều năm qua, nông dân Hạnh Sơn đã
đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao ngắn ngày vào sản xuất để nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng đất. Vụ mùa năm 2015, toàn xã gieo cấy 237ha
lúa nước với cơ cấu 75% giống lúa thuần chất lượng cao như Nghi Hương, Chiêm
Hương, Shéng Cù.
Vào thời điểm lúa ở khu vực cánh đồng Mường
Lò mới bước vào độ chín, nông dân Hạnh Sơn đã bắt đầu thu hoạch với năng suất
trung bình ước đạt 50 - 52 tạ/ha. Tranh thủ thời gian, ngay những ngày đầu
tháng 9, nhân dân đã trồng xong 50ha ngô nếp và xuống giống gần 3 tấn ngô tẻ
chuẩn bị gieo trồng vụ đông. Trong vụ này, xã phấn đấu gieo trồng 230ha cây vụ đông,
trong đó gần 200ha ngô trên đất 2 vụ lúa.
Trao đổi về kinh nghiệm trong chỉ đạo sản
xuất vụ đông, ông Nguyễn Văn Nhưỡng - Phó chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn chia
sẻ: "Ngoài chỉ đạo cơ giống lúa, đẩy nhanh tiến độ thời vụ, khâu quan
trọng nhất là chuẩn bị giống, vật tư phân bón. Từ trung tuần tháng 8, xã đã
liên hệ để cung cấp đủ lượng giống cho nhân dân trước thời điểm lúa chín. Vụ
này, xã chủ động trong gieo trồng 50ha ngô nếp làm hàng hóa, còn diện tích rau
màu chủ yếu là trồng cà chua, mướp đắng, bí ngô".
Tuy có tiến độ chậm hơn ở Hạnh Sơn nhưng
những ngày này nông dân hầu khắp cánh đồng Mường Lò đều tất bật thu hoạch lúa
mùa chuẩn bị làm vụ đông. Với 4.000m2 lúa nước, vụ này, gia đình bà
Lò Thị Mò ở bản Tèn, xã Phù Nham gieo cấy chủ yếu là lúa thuần Chiêm Hương,
Thiên Hương. Do ruộng xa nguồn nước nên thời gian đầu vụ, nhiều diện tích ruộng
của gia đình bà thiếu nước. Tuy nhiên, do chủ động chăm sóc nên đến nay hầu hết
các diện tích lúa của gia đình đã cho thu hoạch. Tranh thủ thời tiết thuận lợi,
gia đình bà đã huy động nhân lực thu hoạch để kịp làm vụ đông. Theo bà Mò, năm
nay, bà con trong xã thu hoạch sớm hơn mọi năm khoảng 1 tuần nên sẽ thuận lợi
hơn cho gieo trồng vụ đông. Gia đình bà mới thu hoạch được 20% diện tích nhưng
năng suất trung bình cũng đạt 50 tạ/ha. Dự kiến, đến trung tuần tháng 9, gia
đình sẽ thu hoạch xong lúa mùa và sẽ hoàn thành gieo trồng 3.000m2 ngô đông vào
cuối tháng 9.
Với diện tích trên 1.600ha, nhiều năm qua,
diện tích cây vụ đông ở cánh đồng Mường Lò - Văn Chấn luôn đạt trên 1.400ha.
Hầu hết các thửa ruộng được sử dụng với hệ số cao mà vẫn không làm giảm năng
suất, sản lượng qua mỗi mùa vụ. Điều đó khẳng định trình độ canh tác của nông
dân Mường Lò đã trở nên thuần thục. Những khái niệm “2 lúa, 1 ngô” hay “sáng lúa,
chiều ngô” đã trở nên quen thuộc với những người nông dân. Mùa nào thức đấy,
những người nông dân cần mẫn, chủ động, bắt đất nhả vàng. Trong vụ này, nông
dân Văn Chấn phấn đấu gieo trồng 2.450ha cây vụ đông, trong đó trên 2.000ha
ngô.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ huyện lần thứ XX về xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hầu hết
các địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy nhanh tiến độ thời
vụ để kéo dài thời gian sản xuất vụ đông. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã quy hoạch
các khu vực, diện tích sản xuất ngô nếp hàng hóa, định hướng cho nhân dân một
số cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông.
Theo ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện
Văn Chấn, điều quan trọng nhất để tiến tới sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa
là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để không chỉ khu vực cánh đồng Mường Lò mà cả vùng
cao và vùng ngoài của huyện đều có thể trồng được ngô đông. Huyện đã chỉ đạo quy
hoạch lựa chọn những giống cây phù hợp có năng suất, chất lượng để bà con gieo
trồng, tạo ra các loại nông sản có chất lượng đồng đều, đáp ứng yêu cầu thị
trường.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường nâng cấp hệ
thống mương phai, thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới
vào sản xuất để giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chuyển dịch
cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, những cánh đồng đồng ở Mường Lò
- Văn Chấn đã không còn thời gian ngơi nghỉ. Ranh giới về mùa vụ dần bị xóa
nhòa để mùa nọ nối tiếp mùa kia luân hồi trải dài bất tận. Ngô, lúa, lúa, ngô
những cây trồng vốn quen thuộc lại đang có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng.
Chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa khiến những cánh đồng vẫn thao thức
chờ thêm mùa vàng ấm no.