Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

5 thành tựu của ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái

30/09/2015 07:32:12 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) Yên Bái đã đạt được 5 thành tựu quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Lớp học mầm non ở xã Sùng Đô (Văn Chấn). (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Sắp xếp phù hợp mạng lưới, quy mô trường lớp

Tỉnh đã chỉ đạo rà soát sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp theo hướng hợp lý, ổn định, đảm bảo “Trường ra trường, lớp ra lớp”; ưu tiên phát triển các trường mầm non ở những nơi đủ điều kiện và thực sự cần thiết; tách một số phân hiệu trường THPT có học sinh quá đông thành trường độc lập; sáp nhập những đơn vị nhà trường có số lớp, số học sinh quá ít; giảm các điểm lẻ, số lớp ghép ở các điểm trường tiểu học vùng cao để nâng cao chất lượng; mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú THCS ở các huyện và Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, nhằm nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học nội trú.

Năm 2010 - 2012, tập trung củng cố, mở rộng hệ thống mạng lưới, trường lớp đào tạo nghề từ tỉnh đến huyện và cơ sở phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực. Từ 2010 - 2015, Yên Bái tập trung xây dựng mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) cấp tiểu học, THCS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp và đảm bảo số học sinh trên lớp.

Tới nay, Yên Bái đã có 587 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Trong đó, giáo dục mầm non và phổ thông có 567 trường, 6.590 lớp, nhóm lớp, trên 186.780 cháu mầm non, học sinh (so với năm 2010, tăng 13 trường, 270 nhóm lớp, trên 19.000 học sinh); giáo dục thường xuyên có 11 trung tâm, quy mô trên 20.980 học viên; 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng và so với năm 2010, tăng 8 trung tâm và 135.460 lượt người tham gia học tập…

Nâng cao chất lượng đội ngũ

5 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, bố trí đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để sàng lọc đội ngũ dôi dư. Đến hết năm 2011, đã giải quyết chế độ nghỉ cho 1.212 đối tượng. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo giải quyết việc thiếu giáo viên mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn; giáo viên tiểu học, THCS ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên bổ sung nhân viên trường học cho các trường chuẩn quốc gia và nhân viên kế toán cho 100% cơ sở giáo dục. Bổ sung gần 3.000 biên chế (số biên chế này được bù vào biên chế nghỉ hưu, thuyên chuyển, giảm lao động hợp đồng và tăng quy mô ở mầm non); tỷ lệ biên chế năm 2014 đạt 91% (tăng 12,5%).

Ngành GD - ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 115 và Thông tư 47 quy định về công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non, phổ thông phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu cân đối hợp lý. Trình độ cán bộ quản lý được nâng lên, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt trên 99,2% (trên chuẩn đạt trên 56,3%), so với năm 2010 đạt chuẩn tăng 0,35%, trong đó trên chuẩn tăng trên 17,3%.

Công tác đào tạo trình độ sau đại học được quan tâm, nên hiện có 395 người đã, đang được đào tạo (385 thạc sỹ, 10 tiến sỹ), so với năm 2010 tăng 178 thạc sỹ, 8 tiến sỹ. Công tác phát triển Đảng được chú trọng, tỷ lệ đảng viên toàn ngành đạt trên 42,3%, so với năm 2010 tăng 7,2%; triển khai tốt việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bình quân, mỗi năm có khoảng 2.500 lượt người tại tỉnh và khoảng 15.000 lượt người ở các huyện được bồi dưỡng, tập huấn. Yên Bái là một trong 4 tỉnh được Bộ GD - ĐT đánh giá thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ.

Đầu tư hiệu quả cho cơ sở vật chất giáo dục

Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 6.177 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 69,0%, so với năm 2010 tăng trên 1.490 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 4% (bình quân mỗi năm làm mới gần 300 phòng học với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng). Trong số trên 1.490 phòng tăng thêm trong 5 năm qua, khối phòng phục vụ học tập tăng 329 phòng, khối phòng hành chính quản trị tăng 870 phòng. Đặc biệt, khối phòng ở bán trú, nội trú, nhà ở công vụ của giáo viên đã được quan tâm đầu tư. 784 phòng được bố trí cho khoảng 7.000 học sinh; 553 phòng ở công vụ được đầu tư xây dựng, đảm bảo điều kiện hoạt động cho các cơ sở giáo dục.

Công tác xã hội hoá đã huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học, nhà công vụ, ký túc xá, góp phần cùng Nhà nước giải quyết một phần khó khăn về cơ sở vật chất. Từ năm 2010 - 2014, Yên Bái đã huy động trên 95 tỷ đồng từ các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư, hỗ trợ cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục... Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, huy động xã hội hoá, tăng cường sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn tỉnh đã có 178 trường đạt chuẩn quốc gia và so với thời điểm năm 2005, trước khi bắt đầu triển khai Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tăng tới 147 trường (gấp 7,4 lần).

Tăng cường thiết bị hiện đại cho các trường học để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: T.L)

Chất lượng giáo dục được nâng lên

Chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực, vượt bậc; các chỉ số về phát triển giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức trung bình so với quốc gia. Số lượng học sinh giỏi đạt giải các kỳ thi quốc gia hàng năm xếp vị trí thứ 5, thứ 6 so với 15 tỉnh vùng I. Đặc biệt, năm học 2014 -2015, lần đầu tiên Yên Bái có học sinh đạt giải Khuyến khích quốc tế (khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Nhiều năm qua, Yên Bái luôn có học sinh đạt thủ khoa các trường đại học lớn trong nước. Đặc biệt, năm 2013 có một học sinh người dân tộc Mông đạt thủ khoa Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục các bậc học được nâng lên. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở mầm non giảm trên 5%; tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá, giỏi tăng từ 5 đến 20%, loại yếu kém giảm từ 2 đến 7% ở các cấp học; tỷ lệ học sinh hoàn thành khoá học tăng 9,2%; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt 35,1%, tăng 7,7% so với năm 2010. Công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ngành đã tích cực tham mưu với tỉnh, phối hợp cùng các ngành, các địa phương trong việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Trong đó, tập trung ưu tiên các nguồn lực cho thực hiện Đề án phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi năm 2010, đạt chuẩn PCGD THCS năm 2008. Riêng PCGD cho trẻ 5 tuổi đã có 178/180 đơn vị cấp xã (đạt 98,9%) và 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GD - ĐT công nhận Yên Bái đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015. Bằng các giải pháp quyết liệt, đến nay Yên Bái cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học và tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,5% (giảm 0,71% so với năm 2010) và giảm từ 3,2 đến trên 10% ở các cấp học so với năm 2005.

Phát triển giáo dục dân tộc, vùng cao

Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng cao là nỗ lực và là hướng đi đúng của tỉnh. Ngành GD - ĐT đã chỉ đạo quyết liệt các cơ sở giáo dục, phối hợp với các địa phương và các cấp, ngành rà soát, sắp xếp quy mô cho phù hợp, hiệu quả; đảm bảo số học sinh/lớp hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương; bố trí đủ giáo viên, ưu tiên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi và các trường PTDTBT; chỉ đạo các phòng GD - ĐT phối hợp với các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện để huy động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

Thực hiện Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015, tới nay toàn tỉnh có 79.210 học sinh phổ thông là người dân tộc, chiếm tỷ lệ 57,2%; tỷ lệ học sinh con em các gia đình chính sách chiếm 49,8% (con gia đình thuộc diện hộ nghèo chiếm 29,1%, thuộc vùng đặc biệt khó khăn chiếm 19,7%). Hệ thống trường PTDTNT có 9 trường, trong đó THCS có 7 trường, 1.972 học sinh; THPT có 2 trường, 842 học sinh. So với năm 2010, học sinh DTNT tăng 33,0%; tỷ lệ học sinh người dân tộc được học tại trường PTDTNT THCS đạt 7,5%  (tăng 1,6%), THPT đạt 10,0% (tăng 4,4%). Hệ thống trường PTDTBT được quan tâm, phát triển với quy mô 43 trường (12 trường tiểu học, 16 trường THCS và 15 trường tiểu học &THCS) và 55 trường có học sinh bán trú với 13.872 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ (năm 2010, có 4.799 học sinh thuộc diện bán trú dân nuôi).

 

1199 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h