Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Công tác dân số - KHHGĐ đạt kết quả quan trọng trên cả ba bình diện

14/10/2015 17:42:06 Xem cỡ chữ Google
Giai đoạn 2011-2015, kết quả về lĩnh vực dân số đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Yên Bái. Ông Lương Kim Đức - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã có những nhận định, đánh giá cơ bản với phóng viên Báo Yên Bái xung quanh kết quả này.

Một buổi ngoại khóa về tư vấn sức khỏe vị thành niên tại Phân hiệu Nghĩa Tâm, Trường THPT Văn Chấn.

P.V: Được biết, công tác dân số giai đoạn vừa qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành công nhất định. Cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Lương Kim Đức: Trong giai đoạn 2011 - 2015, với nhiều chương trình, hoạt động, giải pháp và sự nỗ lực của toàn ngành, công tác DS/KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên cả ba bình diện: quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.

Về quy mô, bằng các hoạt động tuyên truyền, vận động đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức về KHHGĐ. Mô hình gia đình ít con đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên được duy trì dưới 10%. Mức giảm sinh hàng năm đạt 0,3%o.

Hiện nay, Yên Bái đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cơ cấu dân số theo giới tính hoàn thành đạt và vượt kế hoạch trung ương giao, từ đó kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Về mặt chất lượng, các mô hình về chất lượng dân số bước đầu tác động để người dân dần dần nhận thức được lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Đặc biệt, qua việc tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giúp các nhà hoạch định chính sách có chủ trương, chính sách nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

P.V: Theo ông, những kinh nghiệm nào có thể rút ra từ thành công này?

Ông Lương Kim Đức: Yếu tố quyết định sự thành công của công tác DS/KHHGĐ là sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc quán triệt thực hiện chính sách DS/KHHGĐ đến cơ sở và mọi người dân. Cũng cần đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu DS/KHHGĐ, đặc biệt là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống chuyên trách DS/KHHGĐ; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác DS/KHHGĐ, có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó là việc tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; lồng ghép chương trình kiểm tra của cấp ủy, chính quyền với hoạt động giám sát của HĐND để tăng tính hiệu quả; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.

P.V: Những kết quả đạt được là rất khả quan nhưng chắc chắn công tác DS/KHHGĐ ở một tỉnh miền núi như Yên Bái vẫn còn những khó khăn, vương mắc?

Ông Lương Kim Đức: Đúng vậy! Đó là việc mức giảm tỷ lệ sinh chưa bền vững, không đồng đều giữa các vùng. Ở thị xã, thành phố, tỷ lệ sinh, sinh con thứ 3 trở lên tương đối thấp nhưng ở vùng cao tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn ở mức cao. Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện hơn, song vẫn còn thấp, các mô hình nâng cao chất lượng dân số mới được triển khai thí điểm ở một số xã, các hình thức tuyên truyền chưa được đổi mới. Mất cân bằng giới tính khi sinh, mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao. Chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở các xã vùng cao, vùng sâu còn hạn chế. Hệ thống cung cấp dịch vụ cho nhóm vị thành niên, thanh niên chưa phát triển.

P.V: Những hạn chế, vướng mắc này xuất phát từ đâu, thưa ông?

Ông Lương Kim Đức: Những hạn chế, yếu kém này có nguyên nhân từ nhiều yếu tố: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm đến công tác DS/KHHGĐ; chưa huy động được tham gia phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể trong công tác DS/KHHGĐ; vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số, song việc xử lý vi phạm chưa nghiêm gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân.

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức làm công tác DS/KHHGĐ thường xuyên bị thay đổi, cán bộ chuyên trách dân số xã đảm nhiệm nhiệm vụ khá nặng nề, đến nay vẫn chưa được tuyển dụng, thù lao ít ỏi, vì vậy không yên tâm, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ nên thường xuyên thay đổi.

Trình độ cán bộ làm công tác dân số còn nhiều bất cập cả chuyên môn và năng lực quản lý, chưa chủ động, tham mưu đề xuất kịp thời với chính quyền địa phương có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã. Đội ngũ cộng tác viên ở một số nơi, đặc biệt là ở vùng cao, vùng khó khăn còn hoạt động thiếu nhiệt tình, kém hiệu quả. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế, chưa phù hợp và thu hút được các nhóm đối tượng như: nam giới, vị thành niên, vùng đồng bào công giáo, đồng bào dân tộc; trang thiết bị truyền thông được đầu tư từ năm 2006 hiện nay đã hỏng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình DS/KHHGĐ chưa được thường xuyên. Tiềm năng sinh sản lớn; trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, phong tục, tập quán lạc hậu, chậm chuyển đổi (trọng nam, kinh nữ, tảo hôn, hôn nhân cùng huyết thống…). Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống mới chỉ được triển khai thí điểm tại 15 xã, chưa có điều kiện mở rộng tại các xã vùng cao khác. Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS/KHHGĐ bị cắt giảm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động.

Nhìn nhận rõ những khó khăn này, cũng là để ngành dân số nói riêng và toàn xã hội nói chung cùng vào cuộc tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác DS/KHHGĐ trong thời gian tới.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hạnh (thực hiện)

 

800 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h