Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Duy trì và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, quan tâm đầu tư sản phẩm mới, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020

19/10/2015 08:56:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 13.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Yên Bái xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao là một trong ba khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Yên Bái xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao là một trong ba khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp và các quy hoạch sản phẩm chủ yếu. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất công nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ cho công nghiệp hóa. Bước đầu đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp phía Nam, khu công nghiệp Âu Lâu, khu công nghiệp Minh Quân; các cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Yên Thế, Hưng Khánh... tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; đã xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn. Các chính sách đều hướng vào khuyến khích phát triển ngành nghề có lợi thế của tỉnh, phát triển các loại hình doanh nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực, sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng tới công nghệ cao và hiện đại để chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Trong 5 năm, đã thu hút được 145 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng và 99 triệu USD; tập trung kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai, không đảm bảo năng lực tài chính và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Một số dự án đầu tư thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và chế biến nông, lâm sản, may xuất khẩu đã đi vào hoạt động đạt được kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 7.500 tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2010; tốc độ tăng bình quân 5 năm 2011 - 2015 ước đạt 10,7%, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực và đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái  tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu.

Phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của cả nước, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở vừa phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế, vừa coi trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn xác định hướng phát triển và lựa chọn phương án đầu tư.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu, chế biến tinh, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và dịch vụ trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu ngành, cơ cấu đầu tư, quy mô từng sản phẩm công nghiệp phù hợp. 

Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 13.000 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2020: Công nghiệp khai khoáng chiếm 11%; công nghiệp chế biến chiếm 65%; sản xuất và phân phối điện nước chiếm 22,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chiếm 1,5%.

Tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện công tác quy hoạch, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có phù hợp với điều kiện thực tế để thu hút các nhà đầu tư nhằm khuyến khích phát triển những ngành nghề có lợi thế của tỉnh. Tiếp tục rà soát chính sách, tạo điều kiện giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan để các nhà đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai, triển khai chậm tiến độ, không đảm bảo năng lực tài chính để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc chuyển cho nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đến năm 2020 cơ bản hoàn chỉnh công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng. Khuyến khích, khôi phục các nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và phát triển nghề mới. Thực hiện chiến lược đưa công nghiệp về nông thôn, về những vùng có nhiều lao động để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lao động sản xuất công nghiệp, gắn liền đào tạo với thực tế sản xuất; giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí trung gian, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực và thế giới.

898 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h