Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2015): Phụ nữ Yên Bái phát huy truyền thống 85 năm trưởng thành và phát triển

20/10/2015 07:56:55 Xem cỡ chữ Google
Ghi nhận những đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của phụ nữ Yên Bái, trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ phụ nữ Việt Nam, lớp lớp tiếp nhau tạo nên bản sắc, phong cách riêng: là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường, dũng cảm; người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; người lưu giữ, truyền thụ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu, đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Phát huy truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, Trung ương Hội, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp Hội, hội viên phụ nữ, công tác hội và phong trào phụ nữ của tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, các cấp hội đã năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hài hòa giữa công tác vận động với chăm lo lợi ích thiết thực của phụ nữ.

Hội đã phát động, thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, tiềm năng dồi dào của phụ nữ. Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với phẩm chất “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” được đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.

Để chị em cập nhật kiến thức mới, Hội đã hướng dẫn các chi hội xây dựng trên 3.000 hộp sách, 180 tủ sách, cấp miễn phí Báo Phụ nữ Việt Nam chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi cho 1.700 chi hội, tổ phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn để phụ nữ nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào cuộc sống, sản suất, kinh doanh. Ngoài ra, để phát huy truyền thống lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, các cấp hội đã tổ chức liên hoan hát ru, hát dân ca lần thứ nhất và sau liên hoan đã đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt chi hội.

Các hình thức giúp phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu khá đa dạng, góp phần vào thành tích chung của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, phát triển rộng khắp và hàng năm đều phối hợp với khuyến nông mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, phân công hội viên khá giúp đỡ hội viên nghèo; có 260.844 lượt cán bộ, hội viên đăng ký giúp 204.741 lượt hộ nghèo bằng nhiều hình thức và chị em đã giúp nhau được 354.469 ngày công, trên 136 tấn gạo, ngô, lúa, 10.801 con giống, 37.919 cây giống, 6,3 tỷ đồng cho vay không lãi, nên 5 năm qua có 4.415 hộ phụ nữ nghèo là chủ hộ đã thoát nghèo. Các mô hình kinh tế có 4.730 mô hình, trong đó có 1.577 mô hình có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng, 1.898 mô hình có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng, 1.187 mô hình trên 100 triệu đồng trở lên và 68 mô hình thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội đã phát động phong trào “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Bằng cách tiết kiệm từ 5.000 đồng/tháng/hội viên để tự tạo thành nguồn vốn chủ động cho chị em vay phát triển kinh tế và sau 3 năm đã thu được 8,3 tỷ đồng cho 3.155 phụ nữ vay.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tích cực khai thác các nguồn lực của nhà tài trợ trong, ngoài nước xây dựng 152 mô hình điểm, giúp 3.225 phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số phát triển kinh tế như: nuôi lợn rừng lai, nuôi lợn nái, nuôi dê sinh sản, nuôi gà thả vườn, nuôi cua đồng thương phẩm, trồng rau an toàn, làm miến, may công nghiệp…

Ngoài ra, khai thác nguồn lực, vận động hội viên đóng góp trên 3 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 200 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ Yên Bái đã hình thành chuỗi giá trị liên kết. Với mô hình thành công trong dạy nghề trồng rau an toàn, đã đưa về tiêu thụ tại Cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn của Trung tâm, tạo thành thương hiệu của Hội đối với người tiêu dùng. Hiện nay, Hội đang tiếp tục thực hiện nhân rộng với các mô hình khác.

Bám sát vào chủ trương của tỉnh, Hội đã mở 92 lớp học nghề cho 2.630 người; tổ chức 42 lớp đào tạo nghề cho 1.260 lao động nữ; tập trung đào tạo nghề may và cung ứng lao động có tay nghề cho các công ty may tại khu công nghiệp. Năm 2015, Hội LHPN tỉnh thí điểm thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ làm miến và nấu ăn; duy trì hoạt động của câu lạc bộ doanh nhân nữ trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức quản trị doanh nghiệp, marketing và kỹ năng bán hàng hiệu quả cho nữ giám đốc, phó giám đốc các công ty, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hưởng ứng phong trào “Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã lựa chọn cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để tập trung thực hiện với các tiêu chí cụ thể của 5 không (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) và 3 sạch (sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp).

Đối với vùng cao, vùng đông phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội chỉ đạo 3 sạch áp dụng mô hình giáo dục hành động cộng đồng Wind; lựa chọn điểm chỉ đạo để tập trung và nhân diện ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện. Để giúp hội viên hiểu rõ cách thực hiện, Hội cấp phát 13.972 bảng kiểm, trên 50 nghìn tranh lật, sách hướng dẫn, tời rơi, sách giáo dục hành động cộng đồng Wind, phát phiếu tự đánh giá 5 không, 3 sạch đến các hộ.

Vận động gia đình hội viên hiến đất và tham gia trên 25.000 ngày công làm đường nông thôn; đào 156.000 hố rác tại nhà; có 107 đoạn đường phụ nữ tự quản; 135 mô hình 5 không 3 sạch; 16 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” và tặng 1.000 làn nhựa cho hội viên đi chợ; tổ chức truyền thông về phòng, chống mua bán người, đối thoại chính sách về phòng chống mua bán phụ nữ và tổ chức 3.125 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, bạo hành trong gia đình, phòng, chống mua bán người, Luật Giao thông đường bộ; tổ chức các hội thi tìm hiểu về phòng chống mua bán người; tập huấn cho các ngành liên quan và hội phụ nữ các cấp kiến thức, kỹ năng về phòng chống mua bán người; hỗ trợ sinh kế 16 nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 6/11/2007 của Tỉnh ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội LHPN tỉnh xác định tổ chức Hội với vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, phải tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội; tăng cường quản lý hội viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh...

Qua đó, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về “Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Hội giai đoạn 2012 - 2016" và “Nâng cao chất lượng, bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, hội viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng" Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 21 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, các kỹ năng tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt cho 1.351 chị; cấp huyện đã tổ chức 120 lớp cho 6.484 lượt học viên là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành và chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ cơ sở.

Các cấp Hội đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng về công tác cán bộ nữ. Kết quả được thể hiện qua tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, trong đó, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp ủy tỉnh đạt 17,64%, cấp huyện 19,1%, cơ sở 21%.và đại biểu Quốc hội khoá XIII là 33,33%; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh 37,28%, cấp huyện 31,77%, cấp xã 28,3%; phụ nữ là trưởng, phó các sở, ngành và tương đương 17,5%; tỷ lệ nữ đảng viên kết nạp hàng năm đều đạt trên 40%.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư, trái sang) với các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện, thị, thành phố trao đổi về công tác tham mưu trong lĩnh vực hoạt động Hội.

Ghi nhận những đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của phụ nữ Yên Bái, trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Giải thưởng Kova cho tập thể Hội LHPN tỉnh; giải thưởng “Bông hồng vàng"; giải “Doanh nhân văn hoá - Nữ tướng thời bình” cho nữ doanh nhân thuộc Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, phong trào Hội LHPN tỉnh còn được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh và nhiều bằng khen của các bộ, ngành trung ương, của tỉnh.

Tiếp nối truyền thống chặng đường 85 năm trưởng thành và phát triển, Hội LHPN các cấp tiếp tục phấn đấu làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", góp phần góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bằng việc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là: Nắm chắc và phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước những tâm tư nguyện vọng chính đáng của hội viên, phụ nữ. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động của Hội, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Hai là: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội, sâu sát cơ sở, khắc phục bệnh hành chính hóa trong công tác Hội; xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và tâm huyết với Hội; làm tốt việc xây dựng cơ sở, chi, tổ hội vững mạnh, nâng cao chất lượng hội viên gắn với phát triển hội viên mới.

Ba là: Chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” trọng tâm là cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch",

Bốn là: Tham mưu với cấp ủy các cấp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW, Kết luận 55 - KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, Chỉ thị 48 - CT/TW ngày 09/9/2015 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Năm là: Thực hiện "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội", "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền" theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

Nhân dịp này, Hội LHPN tỉnh trân trọng cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo của Hội Phụ nữ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện để phong trào phụ nữ Yên Bái ngày càng phát triển.

Nguyễn Thị Thu Hà
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

853 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h