Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Vĩnh Kiên phát triển nuôi trồng thủy sản

03/11/2015 11:09:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Vĩnh Kiên là một trong những xã nằm ven hồ Thác Bà của huyện Yên Bình, với tổng diện tích đất tự nhiên 2.717,73 ha, trong đó diện tích mặt nước của hồ Thác Bà do xã quản lý là 500 ha. Trong những năm gần đây, cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của huyện, nhiều hộ dân đã biết tận dụng tiềm năng lợi thế, diện tích mặt nước để phát triển chăn nuôi thủy sản, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Theo thống kê của xã Vĩnh Kiên, tính đến năm 2015 trên địa bàn xã, người dân đã đưa vào thả nuôi 70 lồng, trong đó làm mới 10 lồng, người dân chủ yếu tập trung đầu tư nuôi cá trắm cỏ, một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã đầu tư nuôi cá nheo, là một trong những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp giống cá nheo còn hạn chế, người dân chủ yếu thu mua cá giống từ các thương lái nên số hộ nuôi giống cá đặc sản này chưa nhiều.

Để việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã phát triển hiệu quả và bền vững, xã Vĩnh Kiên đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô nuôi, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân. Bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết thêm: “Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản suất nông nghiệp. Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, đặc biệt là giống cá đặc sản như cá nheo. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, để giúp người nông dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả”.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng lâu năm của xã, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên đã có nguồn thu nhập cao và ổn định từ nghề nuôi cá lồng. Năm 2004, do vốn ít lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị chỉ đầu tư 1 lồng nuôi cá trắm cỏ với kích thước vừa phải. Nhờ chăm chỉ lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ đã làm nên vụ cá đầu tiên đã cho gia đình chị nguồn thu nhập đáng kể.

Qua những kiến thức học được sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, chị đã áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình mình từ khâu làm lồng, chọn con giống và chăm sóc nên các đối tượng cá thả nuôi của gia đình chị luôn phát triển tốt, ít bị dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 3 lồng nuôi cá trắm cỏ của gia đình, mỗi lồng có thể tích trung bình 90 m3, theo tính toán của chị mỗi năm sau khi trừ đi mọi chi phí cũng cho thu lãi gần 80 triệu đồng. Chị Nhung cho biết: Để cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cá giống trắm cỏ nhà chị mua tận trại giống bên Tuyên Quang. Cá trắm cỏ là loại cá dễ nuôi lại  có hiệu quả kinh tế cao. Việc chăm sóc không quá vất vả do tận dụng được nguồn thức ăn là các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như lá sắn, lá chuối, ngô, đặc biệt là cỏ khá nhiều tại khu vực gần lòng hồ… Do vậy, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao và nhanh cho thu hồi vốn. 

Để tận dụng diện tích mặt nước trong eo, ngách của hồ Thác Bà, một số hộ dân lại lựa chọn hình thức nuôi cá theo hình thức chắn lưới. So với hình thức nuôi cá lồng thì nuôi cá quây lưới tại các eo ngách hồ Thác Bà theo phương thức bán thâm canh có những ưu điểm vượt trội như diện tích nuôi trồng lớn, tận dụng được không gian môi trường nuôi sạch, không phải thay nước, hơn nữa có thể tận dụng được tối đa rất nhiều nguồn thức ăn tự nhiên... nên không phải đầu tư thức ăn nhiều, tiết kiệm nhân công mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, qua tìm hiểu, tham quan một số hộ dân nuôi cá chắn lưới thấy có hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với cá lồng, ông Trần Văn Thịnh, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên đã mạnh dạn áp dụng vào điều kiện của gia đình mình. Ông lựa chọn loại lưới tốt, có tuổi thọ cao được chôn dưới đáy hồ giữa 2 hẻm đồi, chiều cao lưới 20m, được ghim vào các thùng phi nhựa, cứ vài mét thì có 1 phao, các phao lưới được liên kết chắc chắn với nhau, chống chịu được gió bão và giữ cho các phao lên xuống khi mực nước hồ lên hay xuống theo từng mùa. Với diện tích 5 ha, ông đầu tư mua cá giống, tiền lưới quây và các trang thiết bị khác hết khoảng 100 triệu đồng. Đầu năm 2015, ông bắt đầu thu hoạch cá rô phi và cá chép được hơn 80 triệu đồng, dự kiến cuối năm nay ông sẽ thu hoạch cá trắm cỏ, với giá bán khoảng 60 nghìn đồng/kg, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 3 - 4 kg/con, dự kiến sẽ cho thu về khoảng 200 triệu đồng.

Từ thực tế cho thấy, nuôi cá lồng hay nuôi cá quây lưới trên Hồ Thác Bà đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các hình thức khác, điều quan trọng là phải chọn được con giống chất lượng, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ mới đảm bảo năng suất và chất lượng cá thương phẩm. Trong quá trình nuôi nên tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ, lúc thời tiết thay đổi cần bổ sung thêm vitamin C cho cá, thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá để phát hiện dịch bệnh và có biện pháp chăm sóc kịp thời, nên nuôi với mật độ thưa để hạn chế dịch bệnh và ngột nước xảy ra ở cá.

Từ việc phát triển mô hình nuôi cá lồng đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở xã Vĩnh Kiên nói riêng và huyện Yên Bình nói chungNhiều hộ dân đã có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng. Nhiều hộ dân đã làm trang trại trên đảo hồ để tiện chăm sóc và quản lý các lồng cá. Tuy nhiên, để việc nuôi trồng thủy sản phát triển một cách bền vững thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân với chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể trong việc quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Người dân cần tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm./.

743 lượt xem
Nguyễn Thị Minh Phượng: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h