Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Mở hướng cho ngành chè

05/11/2015 14:58:53 Xem cỡ chữ Google
Những kết quả ban đầu của mô hình liên kết công - nông ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn) đang mở ra hướng đi, cơ hội mới cho doanh nghiệp, cho ngành chè Yên Bái...

Người dân vận chuyển chè búp tươi đến nhà máy.

Bao năm qua, ngành chè Yên Bái vẫn luẩn quẩn trong vòng quay chất lượng nguyên liệu và sản phẩm. Vùng chè ngày một thu hẹp, năng suất không tăng, chất lượng búp tươi ngày càng kém. Nguyên liệu không ổn định, sản xuất không thể phát triển, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, giá bán không cao và tiêu thụ chậm. Doanh nghiệp “trách” nông dân không đầu tư thâm canh, thu hái chè búp dài, già, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều…

Nông dân “tránh” doanh nghiệp mua giá thấp, tiền bán chè không đủ chi phí vật tư đầu vào và công thu hái… Hàng loạt chương trình, đề án, giải pháp đã được đưa ra nhưng ngành chè vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy. Giá chè vẫn chỉ loanh quanh mức ba nghìn đồng mỗi ki-lô-gam. Nguyên liệu “một tôm, hai lá” chỉ là giấc mơ xa vời, thực tế vẫn là năm, sáu, bảy lá; vì “nhắm mắt cắt bừa” nên cá biệt có cả cẫng già, cành cứng trong nguyên liệu. Kêu gọi nông dân thu hái thật chuẩn nhưng không ít doanh nghiệp vẫn thu mua “dễ tính” vì không mua sẽ không có nguyên liệu để sản xuất.

Có năm chè già, chè dài mà vẫn tranh mua mới đáp ứng nguyên liệu cho số lượng nhà máy khổng lồ. Tổng công suất vượt quá xa tổng sản lượng. Trong khi chính quyền không thể can thiệp sâu vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì Hiệp hội Chè Yên Bái lại vai trò còn mờ nhạt!

Trong bối cảnh khó khăn, lận đận chung của ngành chè đã xuất hiện mô hình liên kết công - nông ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ -ông Nguyễn Thành Vinh cho biết: “Tính đến thời điểm 20/10/2015, Công ty đã thu mua gần 4.000 tấn chè búp tươi; sản xuất và tiêu thụ trên 1.000 tấn sản phẩm. Còn một lứa chè nữa là kết thúc niên vụ, công nhân đang tập trung chế biến, hoàn thành phẩm để kịp giao hàng. Làm được như vậy cũng là phấn khởi rồi. Năm nay làm chè khó khăn lắm! Chè tươi có rất muộn, sinh trưởng và phát triển kém.

Giá bán chè khô thấp hơn năm ngoái từ 2.000 - 2.500 đồng/kg mỗi loại sản phẩm”. Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hỗ trợ người làm chè từ nhiều năm qua như: tư vấn kỹ thuật, cung ứng phân bón, thuốc BVTV (bán chịu, không lãi); cho vay và hỗ trợ nông dân tiền mua phân chuồng để bón cho chè; đầu tư làm đường bê tông để nông dân có thể chạy xe máy lên tận đồi chè nhằm giảm bớt sức lực, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái…

Nông dân phấn khởi lắm nhưng tính bền vững vẫn chưa có. Khi chè tốt, chè đẹp, thể nào cũng có doanh nghiệp A, công ty B tìm đến thu mua. Họ chẳng đầu tư gì nên sẵn sàng mua cao hơn giá của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ và không ít người nông dân đã bội tín. Nhìn những xe chè từ bên ngoài ra vào vùng nguyên liệu mình bỏ công sức, tiền bạc với cả tấm lòng, anh em ức lắm. Nhưng xét đến cùng, chẳng có luật nào cấm họ vào mua, ngăn nông dân bán nông sản của mình. Những người làm chè ở đây đã tâm sự với chúng tôi như vậy và điều đáng nói là Công ty không hề lùi bước, tiếp tục đầu tư, tiếp tục gắn bó với nông dân.

Bước vào niên vụ 2015, Công ty áp dụng hàng loạt chính sách như: tăng cường công tác khuyến nông để trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân; tiếp tục hỗ trợ 50% kinh phí làm đường bê tông lên những đồi chè; bán trả chậm (6 tháng) phân hóa học. Không thể lạm dụng phân hóa học, doanh nghiệp kiên trì áp dụng chương trình hỗ trợ nông dân vay vốn không lãi để đầu tư bón phân chuồng nhằm cải tạo đất và canh tác bền vững.

Với mức đầu tư 320.000 đồng/m3 phân trâu, bò và 1,2 triệu đồng/tấn phân gà, riêng niên vụ này đã có hơn 3.000 m3 phân trâu, bò và 650 tấn phân gà được nông dân thị trấn bón cho cây chè. Chè bón bằng phân chuồng bao giờ cũng tốt, sâu bệnh giảm, chất lượng búp tăng, cây chè phát triển bền vững.

Thuốc BVTV cũng là một vấn đề nhức nhối trong sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng. Thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc cấm sử dụng… rất khó kiểm soát. Đứng trước vấn đề này, Công ty đã và đang làm tốt dịch vụ cung ứng thuốc BVTV cho nông dân. Bán thuốc trong danh mục, rõ nguồn gốc; không những Công ty không lấy lãi mà còn hỗ trợ bà con 20%. Một cán bộ của Công ty chia sẻ: “Với nông dân, bớt được đồng nào hay đồng đó, quan trọng hơn là họ có thuốc tốt để sử dụng. Giúp dân là tự giúp mình, năm tới, Công ty sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền để nông dân có thuốc rồi nhưng phải dùng thuốc cho đúng, bảo đảm thời gian cách ly. Có thế, chè mới sạch, giá mới cao. Khi ấy, Công ty mới có điều kiện đầu tư trở lại vùng nguyên liệu”.

Đầu tư cho vùng nguyên liệu, hỗ trợ bà con nông dân là nỗ lực rất lớn của Công ty nhưng những cách làm ấy chưa phải là hay nhất, đáng nói nhất. Giám đốc Nguyễn Thành Vinh chia sẻ: “Cây chè ra búp có kỳ, có lứa, đầu vụ chè ít, chính vụ chè nhiều. Giờ làm chè còn có cái khó là do thu hoạch bằng máy nên quá trình chế biến khi “bội thực”, khi lại “đói” nguyên liệu. Thời điểm chính vụ có ngày chè về cả trăm tấn, năng lực chế biến có hạn nên khó tránh khỏi tình trạng để chè ôi, phẩm cấp tụt xuống. Ngược lại, hết lứa chè, mỗi hôm, thu mua vài tấn, không bõ một ca sản xuất. Tính kế hoạch rất thấp, ảnh hưởng lớn đến bố trí lao động, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chất lượng sản phẩm làm ra”.

Bài toán hóc búa đã có lời giải sau khi lãnh đạo Công ty triển khai phương án đặt lịch thu mua đến từng hộ nông dân, từng nương chè trong vùng nguyên liệu. Công ty phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn kỹ thuật phẩm cấp chè búp tươi đến mọi người dân; áp dụng giá thu mua cao hơn 1.000 đồng mỗi ki-lô-gam chè (chè B giá 4.900 đồng/kg, chè C giá 3.900 đồng/kg và cương quyết không mua chè già, dài, không phẩm cấp). Thông qua 7 đội trưởng đội sản xuất, Công ty lên lịch thu mua đến từng hộ gia đình. Trên cơ sở đó, các hộ gia đình thu hái chè mang bán thẳng cho nhà máy.

Ông Vũ Tuấn Anh - Đội trưởng Đội sản xuất Thái Lão cho biết: “Do giá bán chênh lệch lớn nên hộ nào cắt chè non (đương nhiên khối lượng thấp hơn) nhưng không phải chịu thiệt vì giá cao. Ngược lại, hộ gia đình nào nhận lịch cắt chè già hơn (khối lượng nhiều hơn), giá bán cũng thấp đi. Chúng tôi áp dụng luân phiên, lứa này hộ này cắt non, lứa sau cắt già để bảo đảm tính công bằng. Bà con yên tâm, phấn khởi lắm, tuân thủ rất nghiêm. Công ty cũng ổn định sản xuất”.

Tính toán sơ bộ cho thấy, bình quân hàng tháng nhà máy chế biến của Công ty bảo đảm nguyên liệu sản xuất 25 ngày - một con số ấn tượng khi thu hái bằng máy, lứa chè nọ cách lứa chè kia trên 40 ngày!

Niên vụ chè 2015 đang dần về kết thúc. Một năm đầy khó khăn, nhưng vẫn có những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh chè mà Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ là một ví dụ. 

 

703 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h