Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Giảm nghèo ở thôn “3 thiếu”

17/11/2015 08:09:56 Xem cỡ chữ Google
Thôn Chống Tầu (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu) 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm trước đây, cũng giống như một số thôn, bản khác, Chống Tầu được biết đến là thôn “3 thiếu” (thiếu đường, thiếu điện, thiếu đất sản xuất) nhưng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các đoàn thể, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, bộ mặt mảnh đất vùng cao đã đổi thay đáng kể.

Lãnh đạo xã Làng Nhì kiểm tra năng suất lúa tại thôn Chống Tầu.

Chúng tôi trở lại thôn Chống Tầu vào những ngày cuối tháng 10, con đường đất dựng đứng với những khúc cua tay áo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu ngày nào giờ đã được thay thế bằng con đường bê tông. Hai bên đường là một màu xanh biếc của ngô, vàng óng của lúa và đỗ tương chín. Những chiếc cầu gỗ mục giờ cũng đã được thay bằng cầu sắt. Vượt qua quãng đường núi dài hơn 6 km, trước mắt chúng tôi là một bản vùng cao với những ngôi nhà lợp phi-bro-xi-măng xen kẽ với những ngôi nhà mái tôn đỏ thắm. Gia đình bà Trang Thị Dua trước đây là một trong nhưng hộ đặc biệt khó khăn của thôn, 1 năm có đến 3 - 4 tháng phải mua gạo và nhận gạo cứu đói của Nhà nước. Cuộc sống của gia đình chỉ thay đổi từ năm 2010, gia đình huy động nhân công khai hoang ruộng nước, bảo đảm lương thực trong năm, vay vốn để phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình bà Dua đã có 9 con trâu, 4 con bò và hơn 20 con lợn. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 50 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình bà Dua, gia đình anh Giàng A Chư những năm trước là một trong những hộ đặc biệt khó khăn bởi gia đình anh không ruộng, không gia súc, gia cầm, chỉ trông cậy vào một ít diện tích đất để trồng lúa nương nên chuyện thiếu ăn trở thành thường xuyên. Năm 2010, gia đình anh được Huyện đoàn Trạm Tấu tổ chức khai hoang giúp hơn 4.000 m2  ruộng nước. Với bản chất cần cù, chịu khó, gia đình anh đã mở rộng thêm diện tích lúa nước, chuyển các diện tích đất nương đồi sang trồng ngô 2 vụ. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ về giống lúa, thủy lợi, đến nay, các diện tích lúa nước của gia đình anh đều sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, anh còn tích cực vay vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh đã có thu nhập trên 20 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với một gia đình người Mông ở vùng cao Trạm Tấu.

Ông Giàng A Say - người đã có gần 10 năm làm Trưởng thôn Chống Tầu cho biết: "Trước đây, người dân thôn Chống Tầu chỉ trồng lúa nương. Do canh tác nhiều năm nên đất bạc màu, năng suất thấp. Năm 2010, Huyện đoàn Trạm Tấu tổ chức tình nguyện khai hoang ruộng nước cho nhân dân. Tuy ban đầu chỉ có 4 ha nhưng với sự quan tâm của các cấp, sự vào cuộc của đảng viên, đặc biệt là những người có uy tín ở các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động, nhân dân đã tích cực khai hoang ruộng nước, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, chuyển đổi các diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô, đưa những giống cây trồng mới như lạc, đỗ tương vào thâm canh".

Chỉ 5 năm, Chống Tầu đã có sự thay đổi tích cực. Nếu như năm 2010 cả thôn có 40 hộ, diện tích lúa nước chỉ khoảng 3 ha, gần như cả thôn thiếu gạo thì đến nay số hộ đã tăng lên 58 hộ, cả thôn không còn hộ đói giáp hạt, diện tích lúa nước đã được nhân dân khai hoang mở rộng lên gần 20 ha, 100% các diện tích đều được nhân dân sản xuất ở 2 vụ. Thôn cũng duy trì hơn 10 ha ngô và 4 ha đỗ tương. Năm 2012, thôn được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng công trình thuỷ lợi dài hơn 6 km, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho bà con và tưới tiêu cho lúa. Đồng thời, lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư, từng bước nâng cao dân trí vùng cao.

Anh Giàng A Lâu cho biết: "Người Mông bản mình trước đây chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện có điện. Có điện rồi, được xem ti vi, nghe đài, tiếp thu được nhiều cái hay, cái tốt". Kinh tế phát triển, đời sống nông thôn vùng cao từng bước được nâng lên, đến nay cả thôn đã có hơn 20 hộ có ti vi, hơn 10 hộ  mua được tủ lạnh và máy xay xát để phục vụ đời sống hàng ngày. Có điện, dân trí được nâng lên, những tập tục lạc hậu dần xóa bỏ.

 Nói về sự chuyển biến của thôn Chống Tầu, đồng chí Mùa Sái Tông - Bí thư Đảng ủy xã Làng Nhì chia sẻ: “So với những thôn, bản khác, những năm trở lại đây, Chống Tầu đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Qua đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm thực tế là cần phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc để triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động sự đóng góp của các đoàn thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với một địa bàn khó khăn như vậy, việc xoá đói giảm nghèo cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là việc đầu tư về hệ thống lưới điện hạ áp, kiên cố hoá hệ thống giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất...”.

Chia tay Chống Tầu khi đàn trâu về chuồng, những ngôi nhà mái tôn đã sáng ánh điện. Trên con đường bê tông về bản, những người phụ nữ Mông gánh đỗ tương rảo bước nhanh hơn trước khi mặt trời xuống núi. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, nơi đây sẽ tiếp tục đổi thay.

 

657 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h