Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nhượng quyền Xã hội “tình chị em”: Trao kinh nghiệm nhận niềm tin

18/11/2015 10:56:09 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 27/05/2015, Văn phòng đại diện Marie Stopes International (MSIVN) tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh Yên Bái tổ chức lễ khai trương Mô hình nhượng quyền xã hội “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Qua 5 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp chị em nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Cán bộ Trạm Y tế xã tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Có mặt tại phòng tư vấn “Tình chị em” Trạm Y tế xã Hát Lừu vào một buổi sáng cuối tháng 10 mới thấy hết được ý nghĩa của việc triển khai thực hiện mô hình nhượng quyền xã hội tình chị em. Căn phòng được bày trí khoa học với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác KHHGĐ. Chị Nguyễn Thị Kim Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hát Lừu phấn khởi cho biết: Tất cả các thiết bị này đều do mô hình hỗ trợ, rồi chị giới thiệu từng dụng cụ  y tế nào là dụng cụ thực hiện KHHGĐ,  là nồi hấp, đèn cực tím, dụng cụ khám điều trị phụ khoa, máy nghe tim thai... Với các trang thiết bị này đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe kế hoạch hóa  gia đình cho chị em. Chắc có lẽ vì thế mà mới đầu buổi sáng căn phòng đã rộn rã hơn hẳn các phòng khác. Đã có mấy chị em đứng đợi, hầu hết là những chị em còn trẻ, có chị em còn mang theo cả con đến để được cán bộ y tế tư vấn thêm. Chị Hoàng Thị Nhung ở thôn H2 là người đến sớm nhất, có vẻ còn e ngại chị bảo: Mình tranh thủ đến sớm để các chị tư vấn cho sau đó còn phải về gặt nốt  mảnh ruộng nếp, xung quanh họ gặt hết cả rồi. Chị Nhung cho biết thêm: Từ ngày triển khai mô hình này chị đến TrạmY tế nhiều hơn, các cán bộ ở đây nhiệt tình, gần gũi lại kín đáo nên mình cũng thẳng thắn chia sẻ với các chị những điều tế nhị mà bấy lâu nay còn băn khoăn chưa biết chia sẻ cùng ai.

Chung tâm trạng với chị Nhung, chị Hoàng Thị Đảo ở thôn Vũng Tàu bày tỏ: Lâu nay bệnh của chị em phụ nữ không phải không có. Nhưng vì đó là những bệnh thầm kín, nên chẳng dám bày tỏ, nói ra sợ mọi người chê cười. Thế nên khi có bệnh chị em thường cố chịu đếu khi không thể trụ được nữa mới đi khám thì bệnh đã quá nặng. Giờ có phòng chị em tại trạm y tế xã. Mình thấy rất tiện cho chị em phụ nữ. Tranh thủ  một tý cũng có thể kiểm tra được tình hình sức khoẻ, chứ như trước đây phải mất công mất buổi, lại tốn kém nữa.

Mô hình nhượng quyền Xã hội “Tình chị em”  do tổ chức Marie Stopes International (MSIVN) tài trợ được  khai trương thực hiện tại xã Hát Lừu từ tháng 5 /2015 nhằm góp phần thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ bởi đây là mô hình với cách tiếp cận mới, lấy người bệnh làm trung tâm, do đó đòi hỏi các cán bộ, nhân viên Trạm  Y tế “Tình chị em” phải có cách nhìn nhận, cách làm việc mới với tinh thần, thái độ niềm nở, ân cần, chia sẻ với người bệnh. Thực hiện đúng khẩu hiệu mà “Tình chị em” đã cam kết là “Thấu hiểu, kín đáo, tận tâm chăm sóc sức khỏe”. Do vậy khi tham gia thực hiện mô hình này,  đã tạo điều kiện thuận lợi để Trạm Y tế nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Chị Nguyễn Thị Kim Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hát Lừu khẳng định: Từ khi có mô hình chị em đã hiểu hơn và tiếp cận với Trạm Y tế nhiều hơn thông qua các đợt khám dịch vụ, các buổi tư vấn. Mô hình cũng tạo cho chị em cởi mở hơn, thân thiện hơn và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản được nhiều hơn.

Để chị em sớm tiếp cận đươc mô hình. Tại mỗi thôn của xã đều có một đại sứ thương hiệu tuyên truyền do cán bộ y tế và cán bộ dân số thôn đảm nhiệm. Việc tuyên truyền chủ yếu được lồng ghép vào các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ. Cùng với đó, một tuần hai lần tại phòng “chị em” đã mở đĩa tuyên truyền do chương trình cung cấp vào thời gian đưa đón trẻ để chị em có thêm điều kiện tiếp cận được mô hình.  Qua đó bước đầu chị em đã biết được tại TrạmY tế của xã đã có phòng “chị em”, đến đây chị em sẽ được tư vấn miễn phí các biện pháp tránh thai, các bệnh qua đường tình dục, các bệnh phụ khoa, chăm sóc sức khỏe thai nghén ... Do đó, từ một vài chị em đến khám lúc ban đầu ngày càng có nhiều hơn chị em tìm đến với mô hình, cứ thế dần dần chị em hiểu được sự cần thiết phải được tư vấn chăm sóc sức khỏe đặc biệt là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, từ khi có mô hình việc tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản đã giúp chị em mạnh dạn hơn, chủ động hơn. Thay vì phải đi vận động chị em đã chủ động tìm đến cán bộ y tế để được tư vấn các vấn đề sức khỏe của chị em.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Hát Lừu bình quân mỗi tháng trạm đón tiếp hàng chục bệnh nhân đến xin tư vấn tại phòng “chị em”. Nội dung được tư vấn nhiều nhất là các biện pháp tránh thai, các bệnh phụ khoa. Qua 5 tháng thực hiện đã có khoảng 50 - 70% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã tiếp cận và hiểu được mô hình.

Là người trực tiếp thực hiện mô hình, chị Nguyễn Thị Minh Định - cán bộ Trạm Y tế xã Hát Lừu cho biết: Để tham gia thực hiện mô hình bản thân chị đã được tham gia nhiều lớp tập huấn do chương trình tổ chức như: Phòng chống nhiễm khuẩn, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, tiếp thị xã hội, nhượng quyền xã hội. Qua các lớp tập huấn này đã giúp chị nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là xử lý tốt hơn các tình huống về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cơ sở. Chị Định cho biết thêm: Khi được tập huấn thì tôi cảm thấy tự tin hơn khi làm chuyên môn, ngoài khơi lại những kiến thức đã bị mai một tôi còn được tiếp cận những kiến thức mới. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục được tập huấn những nội dung mới, được trang bị thêm thuốc men để  có thể điều trị cho chị em ngay tại trạm đặc biệt là những bệnh phụ khoa, để chị em đỡ phải mất công đi mua.

Hiện nay xã Hát Lừu có 925 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, việc triển khai mô hình nhượng quyền Xã hội “Tình chị em” có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản mà còn góp phần đáng kể thực hiện tốt việc giảm tình trạng sinh con thứ ba trên địa bàn xã. Nếu như năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ ba của xã  là 13 % thì đến nay tỷ lệ sinh con thứ ba của xã chỉ còn 7,5%. Và theo như lời chị Nguyễn Thị Kim Hương Trạm trưởng Trạm Y tế thì việc thực hiện mô hình đã giúp  đơn vị duy trì và thực hiện tốt một số tiêu trí trong các tiêu trí của trạm y tế chuẩn quốc gia đó là tỷ lệ sinh con thứ ba, tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bên cạnh thuận lợi trên thì sau 5 tháng triển khai thực hiện, mô hình cũng gặp phải một số khó khăn nhất định đó là: Do mô hình có tính tự nguyện, xuất phát từ tính chủ động của mỗi đối tượng do vậy còn một số ít chị em chưa nhận thức rõ được hết ý nghĩa của mô hình nên chưa tích cực tham gia. Do vấn đề được tư vấn chủ yếu là việc tế nhị liên quan đến sức khỏe sinh sản của chị em nên vẫn còn không ít chị em có tâm lý e ngại khi đến tư vấn. Thêm vào đó do mô hình mới chỉ dừng lại ở việc khám, tư vấn phương pháp điều trị chứ chưa có thuốc để điều trị tại trạm đối với các bệnh về phụ khoa cho chị em nên chưa thu hút được nhiều chị em đến tư vấn về lĩnh vực này.

Kể từ khi triển khai thực hiện mô hình nhượng quyền xã hội “Tình chị em”,  đã giúp chị em trên địa bàn xã Hát Lừu có thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc sức khỏe cho bản thân đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Trao cho chị em kinh nghiệm, mô hình thực sự đã có được niềm tin từ chị em - niềm tin được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

655 lượt xem
Thu Hằng: Đài TT - TH Trạm Tấu

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h