Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Khởi sắc giáo dục ở 2 huyện nghèo nhất cả nước

20/11/2015 15:14:10 Xem cỡ chữ Google
Yên Bái là tỉnh miền núi có 72 xã, 549 thôn, bản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 62 huyện nghèo nhất của cả nước - nơi tập trung gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển.

Tỷ lệ học sinh nữ người DTTS được ra lớp đã tăng nhanh ở các cấp học. (Trong ảnh: Cô và trò Trường PTDTBT THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong giờ học).

Để thực hiện tốt chính sách giáo dục, đặc biệt là thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, ngành Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) Yên Bái đã tham mưu ban hành nhiều chính sách nhằm ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Trong số rất nhiều chính sách đã ban hành có thể kể đến như: Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2009 - 2015; Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015; Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 12/7/2013 của Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2015...

Vì vậy, đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ cho giáo dục vùng đồng bào DTTS, tiến tới từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao theo hướng bền vững. Hằng năm, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ năm học, xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm của toàn ngành, triển khai tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tích cực tham mưu bổ sung chỉ tiêu biên chế theo hướng giảm sự chênh lệch giữa các huyện, thị, trong tỉnh; ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, cho ngành học mầm non và các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), PTDTBT.

Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 568 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông  với quy mô 6.706 lớp, 193.693 trẻ mầm non, học sinh (so với năm học 2009 - 2010 tăng 16 trường, 75 lớp, 13.620 học sinh); học sinh DTTS chiếm 59,9% (116.182 em). Toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT, với 88 lớp, 2.904 học sinh; 47 trường PTDTBT và 53 trường có học sinh bán trú với tổng số 14.740 học sinh bán trú.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, ngành GD&ĐT đã tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh DTTS cấp THPT tại 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu; hỗ trợ kinh phí để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT và các trường có học sinh ở nội trú tại trường; phê duyệt kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 3, 4, 5 tuổi; cấp kinh phí cho học sinh nội trú, học sinh bán trú.

Thực hiện Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hàng năm ngành GD&ĐT đã hợp đồng gần 300 nhân viên để nấu ăn cho học sinh. Hiện tại, có 43/47 trường PTDTBT trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức nấu ăn 3 bữa/ ngày cho học sinh; nhiều trường PTDTBT đã tổ chức nấu ăn cho 100% học sinh bán trú (cả ở trong trường và ở trọ ngoài trường).

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú…; đẩy mạnh tuyên truyền trong các cấp, các ngành và nhân dân để huy động các tập thể, cá nhân, các tổ chức đoàn thể xã hội tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho học sinh bán trú và trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh với mức kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, các trường PTDTBT và trường có học sinh bán trú đã có 1.366 phòng học, 613 phòng ở cho học sinh. Các trường PTDTNT cơ bản đủ phòng học, phòng ở và các điều kiện phục vụ việc học tập, sinh hoạt của học sinh DTTS.

Từ những nỗ lực của ngành, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các bậc phụ huynh học sinh, đến nay chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến khá rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng.

Học sinh trường PTDTNT xếp loại học lực khá, giỏi cấp THCS đạt 64,2% (tăng 15% so với năm học 2009 - 2010), cấp THPT đạt 52,3% (tăng 15% so với năm học 2009 - 2010); tỷ lệ học sinh trường PTDTNT THPT đỗ đại học, cao đẳng đạt 86,2% (tăng 22% so với năm 2010). Đặc biệt, năm 2014 có học sinh Trường PTDTNT THPT miền Tây đỗ thủ khoa Trường Đại học Nội vụ.

Học sinh trường PTDTBT cấp THCS xếp loại học lực khá, giỏi tăng từ 14% lên 23,8%; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm từ 11% xuống còn 3,06%. Đối với bậc tiểu học: xếp loại học lực hoàn thành môn Toán đạt 98,4%; môn Tiếng Việt đạt 98,2%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: bậc tiểu học giảm từ 0,2% xuống 0,04%, bậc THCS duy trì mức 1% . Tỷ lệ học sinh nữ người DTTS ra lớp tăng nhanh ở các cấp học.

Kết quả đó là yếu tố quan trọng tạo nguồn cán bộ và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương; làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các DTTS về giáo dục; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

 

1267 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h