Những năm
qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đã xác định công tác dân số là
nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Các ngành,
đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực
hiện công tác dân số. Nhận thức của nhân dân về công tác này có sự chuyển biến
rõ rệt. Số người chấp nhận quy mô gia đình có 1 - 2 con ngày càng nhiều. Bởi
vậy, trong 5 năm (2011 -2015), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 12,54‰ (năm
2011) xuống còn 11,63‰ (năm 2014); từ năm 2012, toàn tỉnh đã đạt mức sinh thay
thế và duy trì liên tục trong 3 năm gần đây; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong
độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 70 -
75%. Dự kiến, quy mô dân số năm 2015 đạt trên 792.000 người; tỷ lệ tăng dân số
tự nhiên là 10,86‰; tỷ số giới tính khi sinh là 110,4; tốc độ phát triển bình
quân 5 năm (2011 - 2015) là 1,06%; mức giảm sinh đạt 0,3 ‰/năm (đạt mục
tiêu kế hoạch đề ra).
Nhiều
mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai như: mô hình tư vấn
và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp
giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; can thiệp giảm thiểu
tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Cơ sở vật chất, trang thiết
bị của các cơ sở y tế được nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức
khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ của nhân dân. Bộ máy, tổ chức của ngành dân số
được củng cố, tăng cường. Ngoài nguồn kinh phí trung ương đầu tư thông qua
chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ trên 2,4 tỷ
đồng cho việc thực hiện công tác dân số. Kết quả của công tác dân số đã góp
phần đáng kể vào thành tựu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của
địa phương.
Tuy
nhiên, hiện nay công tác dân số của tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn,
thách thức. Mặc dù đã đạt mức sinh thay thế, nhưng kết quả thực hiện mục tiêu
giảm sinh chưa bền vững và còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền.
Đáng chú ý là, ở khu vực vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả
thực hiện mục tiêu giảm sinh vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo của ngành dân số
tại 72 xã vùng đặc biệt khó khăn, tỷ suất sinh thô 20,5‰ (toàn tỉnh 18,6‰); tỷ
lệ sinh con thứ 3 trở lên 17% (toàn tỉnh 9,7%); tỷ lệ các cặp vợ chồng thực
hiện các biện pháp tránh thai mới đạt 58% (toàn tỉnh 75%).
Bên
cạnh đó, chất lượng dân số của vùng này cũng còn nhiều yếu kém; tỷ lệ sản phụ
đẻ tại nhà, phụ nữ mắc bệnh về đường sinh sản, tai biến do thai sản và trẻ em
suy dinh dưỡng còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn
còn tồn tại. Một thực tế nữa là, tỷ số giới tính khi sinh tuy đã giảm, nhưng
vẫn còn ở mức cao (năm 2014 là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Chất lượng
dân số tuy đã được cải thiện hơn, song vẫn còn ở mức thấp. Các mô hình nâng cao
chất lượng dân số mới được triển khai thí điểm ở một số xã và các hình thức
tuyên truyền chưa đổi mới.
Một số
nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân số.
Công tác truyền thông, vận động chưa thực sự có hiệu quả đối với vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng vị thành niên, nam giới. Nhận thức của một bộ
phận nhân dân về sinh đẻ chưa thay đổi căn bản. Mạng lưới cung cấp dịch vụ ở
một số nơi chưa thật sự thuận tiện cho người sử dụng. Một số cán bộ trình độ,
năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Triển khai thực hiện chế độ, chính sách
đối với đội ngũ cán bộ dân số xã còn bất cập.
Đến
nay, phần lớn cán bộ dân số cấp xã chưa được tuyển dụng vào viên chức, trong
khi đó, Thông tư số 05/2008/TT - BYT của Bộ Y tế "Về việc hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương" quy
định thì từ năm 2008, cán bộ dân số xã đạt chuẩn về trình độ, được tuyển dụng
vào viên chức. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dân số tuy đã được quan tâm,
nhưng vẫn còn ở mức thấp và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Để tiếp
tục nâng cao hiệu quả công tác dân số, Ban Văn hóa - Xã hội đã đề nghị các cấp
chính quyền, các ngành liên quan, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối
với lĩnh vực dân số. Trước mắt, cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực
hiện công tác dân số giai đoạn 2015 - 2016, để tạo căn cứ pháp lý cho các cấp,
ngành thực hiện. Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện, cần quan tâm đánh
giá thực trạng công tác dân số của từng địa phương để xác định mục tiêu, giải
pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác dân số trong
tình hình mới. Đối với các địa phương đã đạt mức sinh thay thế, cần tập trung
thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu
cầu phát triển và hội nhập của tỉnh.
Đối với
các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế, cần tập trung nguồn lực cho việc
thực hiện mục tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, để sớm đạt
được mức sinh thay thế. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động
truyền thông, tư vấn cộng đồng để cung cấp thông tin dân số và chăm sóc SKSS,
nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân hướng tới thay đổi hành vi và chấp nhận mô
hình gia đình ít con một cách bền vững. Quan tâm nâng cao chất lượng cung cấp
dich vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về dân
số đang được triển khai trên địa bàn. Chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ
máy và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ dân số. Bổ sung biên chế
và tuyển dụng cán bộ dân số cấp xã vào viên chức, để bảo đảm quyền lợi cho cán
bộ dân số. Tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số, đặc
biệt quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện công tác dân số ở
vùng đặc biệt khó khăn, để từng bước nâng cao hiệu quả công tác dân số ở vùng
này.
Lê Thị
Liêm (Trưởng
ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh)
Theo Báo Yên Bái