Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Lễ đặt tên con của người H Mông Hoa - Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái

07/11/2017 14:45:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Lễ đặt tên con của người Hmông được coi là nghi lễ đầu tiên của một đời người và trở thành nghi lễ của cả cộng đồng để công nhận thành viên mới. Nghi lễ này là dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời của một con người nên cộng đồng rất coi trọng. Các thủ tục trong nghi lễ được đồng bào bảo lưu khá tốt với nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người. Ngoài những giá trị văn hóa độc đáo, nghi lễ này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tộc người Hmông.

Mẹ và em bé người Mông

KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI HMÔNG Ở YÊN BÁI

I. Tộc người Hmông ở tỉnh Yên Bái.

Theo số liệu thống kê năm 2009, người Hmông ở Yên Bái có khoảng 81.921 người, chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 40 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn thuộc 5 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Tại huyện Mù Cang Chải, đồng bào cư trú ở 13/13 xã, chiếm 95% dân số toàn huyện; tại huyện Trạm Tấu, 10/11 xã (trừ xã Hát Lừu) có đồng bào Hmông sinh sống, chiếm 70% dân số toàn huyện. Huyện Văn Chấn, đồng bào cư trú ở các xã: Suối Giàng, Suối Quyền, Suối Bu. Huyện Trấn Yên, người Hmông cư trú ở xã Hồng Ca. Huyện Văn Yên, đồng bào cư trú ở xã Nà Hẩu. Tỉnh Yên Bái có 22/40 xã hoàn toàn là người Hmông. Các xã còn lại, đồng bào sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác.

Tộc người Hmông ở Yên Bái chủ yếu gồm 4 nhóm chính là: Hmông Hoa (Hmông Lềnh); Hmông Đen (Hmông Đu) và Hmông Trắng (Hmông Đơ) và Hmông Si (Hmông Đỏ). Trong đó người Hmông Hoa và Hmông Si chiếm số lượng đông hơn cả.

Tiếng nói của người Hmông thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (dòng ngôn ngữ Nam Á).

Địa hình cư trú của người Hmông chủ yếu là vùng núi cao, vùng đầu nguồn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, giao thông đi lại khó khăn. Do đặc điểm cư trú biệt lập nên người Hmông ít có quan hệ với dân tộc khác. Nếu có sống trên địa bàn xen cư với dân tộc khác thì người Hmông sống quần tụ lại với nhau thành thôn, bản riêng. Đồng bào Hmông ở nhà đất, nguyên liệu chủ yếu là gỗ, mái nhà thường lợp bằng gỗ Pơ mu chẻ mỏng và hiện nay đã có một số nhà lợp mái prôximăng.

Hình thái kinh tế của người Hmông chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trước đây họ chỉ trồng một vụ lúa do điều kiện canh tác rất khó khăn nhưng những năm gần đây, do ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo đất và được sự đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình thuỷ lợi nên số ruộng 2 vụ đã dần dần tăng lên. Đồng bào Hmông có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang với trình độ canh tác thông thạo, có những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi chỉ đủ 1- 2 đường bừa. Ngoài ra người Hmông ở Yên Bái còn có tiềm năng thế mạnh trong: nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây đặc sản và cây công nghiệp ngắn ngày. Đồng bào đã khai thác được một số cây con thế mạnh như: cây chè tuyết Shan đặc sản, cây sơn tra, thảo quả, chăn nuôi trâu, bò, ngựa, ong.... Nhờ đó, đời sống của đồng bào Hmông Yên Bái đã từng bước ổn định và dần phát triển.

Người Hmông có nghề rèn rất nổi tiếng với kỹ thuật cao, đồng bào tự rèn dao, cuốc, tự đúc lưỡi cày và đồ trang sức của phụ nữ, đúc nhạc ngựa, chuông bò... Đồng bào còn làm các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bằng gỗ như: thìa, bát, thùng, chậu… đan lát các đồ dùng như “Lù cở” (chiếc gùi), “Cáng chủa” (dụng cụ mang vác đồ), giỏ đựng cơm đi nương...

Hình thái chủ đạo của gia đình dân tộc Hmông là gia đình phụ hệ với loại gia đình nhỏ có hai thế hệ sống chung rất phổ biến. Gia đình người Hmông là đơn vị kinh tế với sự phân công lao động rất chặt chẽ theo giới tính, lứa tuổi, đồng thời là một đơn vị văn hóa với môi trường trao truyền tích cực. Xã hội Hmông được tổ chức điều hành theo dòng họ khép kín, có luật lệ, quy định, ký hiệu riêng, mang tính quy ước cộng đồng thừa nhận và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Dòng họ xã hội người Hmông còn khá quan trọng đối với sản xuất và đời sống, duy trì và lưu truyền phong tục tập quán. Người Hmông có nhiều họ, mỗi họ có nhiều dòng, mỗi dòng có nhiều chi khác nhau. Các gia đình cùng một dòng họ thường ở những cụm gần nhau. Trong bản người Hmông có vài dòng họ sinh sống nhưng thường có một dòng họ lớn. Dòng họ người Hmông có phạm vi cố kết rất rộng: bao gồm tất cả những người cùng họ, không phân biệt cư trú ở đâu. Người Hmông ở Yên Bái có thể nhận người cùng họ ở các tỉnh khác làm anh em. Người cùng họ khi đã nhận nhau được xem như anh em ruột thịt và không được phép kết hôn với nhau. Ở mỗi dòng họ có những kiêng kỵ và nghi lễ cúng bái riêng. Ví dụ: họ Giàng kiêng ăn tim, họ Lý kiêng ăn lá lách...

Các hoạt động sinh hoạt - xã hội: người Hmông ở Yên Bái có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài thờ cúng tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà đồng bào còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ gia đình, bảo vệ cho các thành viên trong nhà và của cải vật chất theo các quan niệm dân gian như thờ thần tài: Xử cang -bàn thờ đặt chính giữa gian nhà chính, thần cột nhà “Bùa đăngz”, thần cửa “Bùa trùngz”, thần bếp lò, thần bếp nấu ăn, thần bảo hộ thầy thuốc (của giêng các gia đình có nghề  bốc thuốc nam), thần bảo hộ cho thầy cúng… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Hmông đặc biệt quan trọng và khác so với một số dân tộc thiểu số khác, đồng bào không có bàn thờ tổ tiên riêng mà mỗi khi có lễ cúng tổ tiên hay trong các dịp hệ trọng của gia đình người dân lập một bàn thờ cúng tổ tiên tại chính giữa ngôi nhà trước bàn thờ thần tài “xử cang”, sau lễ cúng bàn thờ tổ tiên được bỏ đi.

Hôn nhân của người Hmông Yên Bái có nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt truyền thống được thực hiện trong đám cưới. Lễ cưới của Hmông bao gồm 3 nghi lễ chính: lễ dạm hỏi, lễ đưa đồ cưới và lễ cưới. Một điều đặc biệt trong các lễ cưới truyền thống người Hmông đều hát dân ca và múa khèn.

Lễ tang của người Hmông nhiều nghi lễ, phong tục tập quán khác nhau, phản ánh các quan niệm về lịch sử, xã hội, cộng đồng.  Người Hmông quan niệm mỗi con người có 3 vía (Plỳ) và 7 hồn (chua lua) (Cầu chua lua – Pê lỳ), hồn chỉ tồn tại khi con người còn sống, còn sau khi chết không còn hồn nữa. Tuy nhiên vía theo quan niệm của người dân vẫn tồn tại: một vía đi lên công quản (lên trời), một vía đi đầu thai thành người mới ở một nơi xa còn một vía sẽ ở quanh quẩn bên người chết và thỉnh thoảng về với gia đình khi có việc hệ trọng.

Người Hmông có kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú, vào mùa xuân, các dịp tết Hmông (khoảng từ 30/11 âm lịch). Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt nhất là loại hát kể chuyện lịch sử dân tộc gọi là hát “Thản chù”. Người Hmông có hát “Gầu Phềnh” - trai gái hát trong khi chơi Pa Pao, hát qua sợi chỉ nối với hai ống nứa bịt da ếch cho riêng hai người. Trong đám cưới còn có hát đố, hát giải. Cùng với hát, người Hmông còn có múa khèn rất đặc sắc. Trong hội “Gầu Tào”, múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người Hmông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo…

Người Hmông với ý thức tự chủ cao, tính tình trung thực thẳng thắn, có đức tin bền vững, có truyền thống yêu nước và sự cần cù trong lao động. Nhờ những phẩm chất này mà cộng đồng người Hmông đã tồn tại, phát triển trong quá trình biến thiên của lịch sử và vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh tộc người Hmông cũng đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp hơn.

II. Người Hmông ở huyện Mù Cang Chải.

1. Khái quát chung về huyện Mù Cang Chải.

Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, cách trung tâm tỉnh lỵ 180km, theo quốc lộ 32. Huyện Mù Cang Chải nằm trong tọa độ địa lý từ 21039’ đến 21050’ vĩ độ Bắc; từ 103056’ đến 104023’ kinh độ Đông, phía Bắc giáp huyện Văn Bàn - tỉnh Lao Cai; phía Nam giáp huyện Mường La - tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Văn Chấn; phía Tây giáp huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu. Trung tâm huyện lỵ đặt ở thị trấn Mù Cang Chải.

Huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 1.199,08 km­­2 (số liệu thống kê năm 2009), cơ cấu hành chính gồm 01 thị trấn, 13 xã với 110 thôn bản, bao gồm: Thị trấn Mù Cang Chải, Cao Phạ, Pú Luông, Hồ Bốn, Lao Chải, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Nâm Có, Kim Nọi, Dế Xu Phình, Chế Tạo, Khao Mang, Mồ Dề. Tất cả số xã và thị trấn của huyện thuộc khu vực III.

Theo số liệu thống kê năm 1/4/2009, tổng số dân huyện Mù Cang Chải  là 49.255 người, trong đó 90% là dân tộc Hmông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Mật độ dân cư là 42 người/km2 (năm 2009). Do Mù Cang Chải có đa dân tộc cùng sinh sống nên đã tạo ra một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc.

Huyện Mù Cang Chải nằm trong hệ thống dãy núi Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển, đỉnh núi cao nhất là đỉnh Lùng Cúng cao hơn 2900m. Các vùng núi ở đây có rất nhiều động thực vật quý hiếm như sến, táu, pơ mu, thông, trầm hương....

Hệ thống khe, suối ở Mù Cang Chải khá phong phú. Ở đây có dòng suối Nậm Kim bắt nguồn từ đỉnh Nả Háng Tầu chảy qua hầu hết qua các xã của huyện. Suối Nậm Kim cung cấp nguồn nước lớn cho sản xuất, sinh hoạt, vật liệu xây dựng và có tiềm năng thủy điện.

Khí hậu ở đây có sự khác biệt có đặc điểm riêng của khí hậu vùng Tây bắc với nhiệt độ trung bình cả năm 19,60 C, lượng mưa trung bình cả năm là 1.990mm, độ ẩm trung bình 80% vùng rẻo cao là 82 - 86%. Sương mù là hiện tượng khá phổ biến ở Mù Cang Chải trong suốt mùa đông.

Đất đai ở Mù Cang chải chia làm 4 loại chính, chủ yếu là đất Feralit vàng đỏ phân bố ở độ cao 900m trở lên. Đất đai thổ nhưỡng ở đây thích hợp cho nhiều loại cây sinh trưởng và phát triển.

Rừng và đất có khả năng trồng rừng là thế mạnh ở Mù Cang Chải. Các sản phẩm khai thác từ rừng đã trở thành hàng hóa mạng lại giá trị kinh tế đáng kể cho nền kinh tế của huyện.

Với điều kiện tự nhiên, các yếu tố khí hậu thổ nhưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Mù Cang Chải phát triển nông lâm nghiệp với các loại cây á nhiệt đới. Đặc biệt phát triển trồng rừng với nhiều loại gỗ quý như  Bên cạnh đó còn có các cây vật liệu như: xuyên khung, thảo quả, gấu tàu... và các loài thú quý: hươu, nai, khỉ, lợn rừng.....

2. Người Hmông ở huyện Mù Cang Chải.

Tính đến năm 2009, tổng số dân huyện Mù Cang Chải  là 49.255 người, nhưng trong đó 90% là dân tộc Hmông, tập trung ở 13 xã, thị trấn. Người Hmông ở đây chia thành 4 nhóm chủ yếu: Hmông Đơ (Hmông trắng), Hmông Đu (Hmông đen), Hmông Lình (Hmông hoa), Hmông Si (Hmông đỏ). Người Hmông Hoa sống chủ yếu ở các xã: La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Tạo, Mồ Dề, Thị trấn Mù Cang Chải, Nậm Có, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Púng Luông.

Địa bàn cư trú của người Hmông thường ở những sườn núi cao từ 800 - 1.700m, địa hình hiểm trở. Trước kia người Hmông ở Mù Cang Chải thường du canh du cư coi sản xuất nương rẫy là phương thức sản xuất và nguồn sống chính. Sau này, qua nhiều cuộc vận động định canh người Hmông đã sống định canh và phát triển canh tác lúa nước bậc thang. Hiện nay, người Hmông Mù Cang Chải đã xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp với trồng cây công nghiệp, trồng rừng; làm ruộng nước bậc thang với phát triển rừng phòng hộ và rừng kinh tế.

III. Khái quát về người Hmông Hoa ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

1. Khái quát về xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

* Điều kiện tự nhiên: La Pán Tẩn là một xã nghèo của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 23km, cách trung tâm tỉnh lỵ 160km. Phía Bắc tiếp giáp với xã Chế Cu Nha và xã Cao Phạ, phía Đông tiếp giáp với xã Cao Phạ, phía Tây tiếp giáp với xã Dế Su Phình  và xã Chế Cu Nha, phía Nam tiếp giáp với xã Púng Luông. Theo số liệu thống kê năm 2010, xã La Pán Tẩn có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.300,38ha. Xã La Pán Tẩn nằm ở độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển, trong hệ thống núi Hoàng Liên Sơn được cấu tạo bằng đá nguồn gốc granit, đá phun trào axit có lớp vỏ phong hóa khá dày. Địa hình ở đây cũng tương đối phức tạp, đồi núi bị chia cắt nên giao thông đi lại khó khăn. Hệ thống khe, suối khá phong phú với dòng suối Nậm Kim chảy qua xã cung cấp nguồn nước lớn cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

* Khí hậu: xã La Pán Tẩn có những đặc điểm riêng biệt của vùng Tây Bắc, có lượng mưa lớn bình quân khoảng 1.990 mm/năm. Độ ẩm thường xuyên 80%, nhiệt độ trung bình 19,6ºc, mùa hè cao nhất là 33o C mùa đông thấp nhất là 0oC. Sương mù là một hiện tượng phổ biến diễn ra trong suốt mùa đông, trung bình một năm có từ 40-60 ngày. Số giờ nắng nhiều một năm gần 1800 giờ. Với điều kiện tự nhiên và khí hậu như vậy nên ở xã La Pán Tẩn có rừng bốn mùa xanh tốt, có nhiều loại gỗ quý như sến, táu, thông... Bên cạnh còn có các loại cây dược liệu như hoàng liên, gấu tàu, thảo quả..… và các loại thú quý như: hươu, nai. Lợn rừng, rắn, gà rừng, mật ong rừng.....

*Kinh tế xã hội:

- Lĩnh vực nông nghiệp: Tổng diện tích gieo 538 ha năm 2014 (tăng 143 ha so với năm 2010), trong đó: Diện tích cây lượng thực có hạt năm 2014 đạt 528 ha, (diện tích lúa 270 ha, diện tích ngô 258 ha); còn lại là 14ha diện tích trồng cây hoa màu khác. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt 2.150 tấn. Bình quân lương thực 482kg/người/năm 2014.

- Về lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng năm 2014 là 871,4 ha trong đó diện tích cây thảo quả toàn xã là 200ha, cho sản lượng hàng năm trung bình đạt 100 tấn vượt ; diện tích cây Sơn tra là 100ha, cho sản lượng quả tươi hàng năm trung bình đạt từ 100 tấn; diện tích cây chè 107,5ha.

- Về chăn nuôi: Tổng đàn gia súc chính hiện nay là 5.821con, (đàn trâu 947 con, đàn bò 294, đàn lợn 3.339 con); đàn gia cầm là 7.470 con.

- Về Về dân số: Theo số liệu thống kê  năm 2014 dân số toàn xã là 4.454 với 709 hộ, mật độ trung bình là 101 người/ km2, với hơn 99% là người Hmông Hoa. Số người trong độ tuổi lao động 2.585 người (chiếm 60,69%).

- Về giáo dục và đào tạo: Quy mô mạng lưới trường học được củng cố và phát triển mở rộng. Đến nay, toàn xã đã có 03 trường chính,  05 điểm trường lẻ với tổng số 41 lớp, 1.145 học sinh, trong đó: mầm non 278 học sinh, tiểu học 572 học sinh, trung học cơ sở 304 học sinh. Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

2. Một số đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của người Hmông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

* Lịch sử di cư của người Hmông hoa ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Người Hmông vào Mù Cang Chải cách ngày nay khoảng 200 năm và di cư thành nhiều đợt. Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Hmông ở Quý Châu (Trung Quốc) nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Thanh nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa đều bị dìm trong bể máu, người Hmông phải di cư xuống Vân Nam vào Việt Nam. Từ những năm 1840 - 1869, người Hmông ở Quý Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) kiên cường nổi dậy tham gia phong trào “Thái bình thiên quốc” chống nhà Mãn Thanh. Cuộc khởi nghĩa thất bại, phong kiến nhà Thanh đàn áp dã man người Hmông lại ồ ạt di cư sang Việt Nam vào Lào Cai và Bắc Hà, xuống Phố Lu lên Sa Pa đi sang Than Uyên tới Mù Cang Chải [Văn hóa Hmông: 11]. Người Hmông Mù Cang Chải vẫn coi “Lồng Cống”, “ Lồng Mù” (nay là xã Nậm Có) là vùng đất tổ. Người Hmông di cư đến Mù Cang Chải  và xã La Pán Tẩn chủ yếu là nhóm Hmông hoa (Hmông Lềnh) chiếm 60% dân số, nhóm người Hmông đầu tiên đến đây thuộc họ Vàng, họ Thào, họ Giàng, họ Cứ, họ Mùa, họ Lý…. trong đó đông nhất là họ Giàng.

Ở xã La Pán Tẩn người Hmông hoa có trên 600 hộ chiếm khoảng hơn 99% dân số toàn xã. Họ thường sống trên các triền núi với độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển. Trước đây người Hmông ở đây chọn những nơi có chỗ chăn thả gia súc và thuận lợi cho trồng cấy. Ngày nay đồng bào chọn những nơi thuận lợi cho giao thông đi lại. Nguồn sống chính của đồng bào là trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Những năm trở lại đây người Hmông ở La Pán tẩn đã xóa bỏ trồng cây anh túc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển những nghề vốn là thế mạnh của xã như nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng và khai thác cây đặc sản như: sơn tra, lâm thổ sản, nuôi ong lấy mật..... Tuy nhiên người Hmông hoa ở La Pán Tẩn vẫn giữ được đầy đủ các phong tục tập quán như: lễ tết, mừng ngô mới, lễ đặt tên con......

Một số đặc điểm văn hóa vật chất của người H'mông hoa ở xã La Pán Tẩn:

+ Nhà ở:  Nhà của người Hmông ở xã La Pán Tẩn là nhà nền đất. Cột và khung nhà làm bằng gỗ, mái lợp gỗ Pơ mu chẻ mỏng nhưng ngày nay chủ yếu đồng bào ở đây lợp mái bằng tấm lợp fibrôximăng. Nhà ở của người Hmông hoa ở đây thường thống nhất 3 gian 2 cửa, một cột chính, một cửa phụ và phải có hai cửa sổ trở lên. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng nhà chủ. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách, Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Nhà của người Hmông bao giờ cũng có sàn để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Phong tục của người Hmông không cho con gái, đàn bà được ngủ trên gác.

Quá trình dựng nhà của người Hmông cũng khá công phu. Đầu tiên là chọn đất khi chọn đất làm nhà người Hmông lấy 3 hạt gạo hoặc ngô đặt xuống khu đất đã chọn rồi đặt bát hoặc chậu gỗ lên trên, sau đó thắp 3 nén hương khấn thần đất, đốt 3 tờ giấy bản xin thổ công thổ địa cho gia chủ làm nhà. Sáng hôm sau hoặc sau 3 tháng, chủ nhà quay lại xem số hạt ngô đặt dưới đất, nếu thấy vẫn còn nguyên thì coi như đất ở nơi đó tốt, làm nhà được. Nếu những hạt gạo hay ngô đó đã bị sâu hay kiến ăn thì coi như đất ở đó dữ, không làm nhà được. Chọn đất song đồng bào tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Trình tường nha được coi là công đoạn tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỷ của người thợ. Để trình tường người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 mét, rộng 0,45- 0,5 mét. Khi trình tường người ta đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Đất dùng để trình tường được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trình tường xong, cây cột cái thường được đem thẳng từ rừng về, không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc ngay. Người Hmông coi hai cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà nên cây cột phải là cây rừng không bị sâu thối cụt ngọn. Đặc biệt khi vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc thường phải chọn ngày tốt hợp với tuổi của của gia chủ. Tìm được cây gỗ, phải thắp 3 nén hương, tiếp đó cắm 3 tờ giấy bản vào gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà. Theo quan niệm của đồng bào phải làm như thế thần cây, thần rừng mới không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người khoẻ mạnh, ăn nên làm ra. Cửa chính nhà của ngưòi Hmông cũng phải tìm gỗ tốt để làm, nếu là tre nứa thì phải là thân trúc hoặc mai già. Cửa bao giờ cũng mở vào trong, không sử dụng bản lề, then chốt bằng sắt mà hoàn toàn bằng gỗ.

+ Trang phục: Trang phục cổ truyền của người Hmông hoa bao gồm trang phục phụ nữ và nam giới. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Hmông hoa rất sặc sỡ, đa dạng bao gồm: khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, sau váy, thắt lưng, xà cạp…. Khăn của phụ nữ Hmông hoa có hai kiểu: một loại nhỏ hình chữ nhật có thêu hoa dùng để trùm đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu vành ngoài có thêu hoa. Áo của phụ nữ Hmông hoa làm bằng vải lanh nhuộm chàm xẻ nách, cổ cao trên vai, ngực có nẹp vải màu thêu hoa văn con ốc. Áo của phụ nữ Hmông không có cúc, khép chéo trước ngực hoặc bên sườn nách. Váy màu chàm, xếp nếp xòe rộng, thân váy in hoa văn còn gấu váy thêu và ghép nhiều họa tiết tạo thành các băng giải ngang rộng. Phía trước và phía sau váy là hai tấm vải che thân với các họa tiết hoa văn độc đáo.

Ngoài ra còn có trang phục đàn ông Hmông giống trang phục đàn ông Nùng bao gồm: quần dài, đũng chân què, cạp lá tọa, áo ngắn ống rộng cổ đứng mổ bụng cài khuy, quần áo đều màu chàm.

+ Văn hóa ẩm thực: Nguồn lương thực chính của đồng bào là ngô, lúa. Ngô thường được say thành bột làm mèn mén. Bên cạnh đó, đồng bào còn sử dụng các loại rau trồng ở vườn nhà như rau xanh, đậu đỗ, bầu bí và các loại thảo mộc lấy trong rừng. Các món ăn chủ yếu của người Hmông trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc, xào hoặc nấu canh. Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm người Hmông là bát muối ớt. Người Hmông rất thích uống rượu chủ yếu là rượu ngô được trưng cất.

* Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Hmông hoa ở xã La Pán Tẩn.

- Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Hmông nói chung và tiếng Hmông hoa nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á.  Chữ viết: Người Hmông có hệ thống chữ viết riêng.

* Một số nghi lễ truyền thống.

+ Lễ hội Gầu Tào: Đây là một nghi lễ truyền thống quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Hmông.  Lễ hội nhằm mục đích để tạ ơn các vị Thần núi, Thần suối, Thần đất, Thần trời đã cho họ một năm có nhiều điều tốt lành, đồng thời cũng cầu mong dân bản, gia đình, dòng họ bước sang năm mới gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh, yên vui. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân từ ngày mùng 2 Tết, kéo dài từ 1- 3 ngày. Địa điểm mở hội là khu vực tương đối bằng phẳng, thuận tiện đi lại.

Ngay từ trước Tết khoảng từ 26-28 tết, gia chủ đi trồng cây nêu (một cây mai vút ngọn). Trên ngọn nêu treo một dải vải đỏ, một dây bản to xúng xính, một  quả bầu khô đựng rượu. Ngày 30 Tết, sau khi cúng tổ tiên ở nhà, gia chủ làm một mâm cúng đặt trịnh trọng dưới gốc nêu cầu khẩn cho gia đình làm khấm khá. Ngày mùng 1 Tết mở hội sau bài cúng, đại diện các khách dự hội cầu chúc gia chủ, cầu chúc dân làng người yên vật thịnh. Sau điệu múa khèn nghi lễ khai hội mở đầu tiếp theo là cảnh hát hội chù gầu tào và khách ở xa gần cùng nhau tham gia các trò vui, cuộc đấu của ngày hội. Hết thời gian mở hội thầy cúng và các cụ già làm lễ hạ cây nêu. Bầu rượu được tung ra khắp bốn hướng, mảnh vải đỏ được gia chủ đem về trong nhà cầu mong hồng phúc.

+ Lễ hội Nào xồng của cộng đồng "giao": Cộng đồng "giao" có lễ hội chung gọi là Nào xồng (ăn ước). Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hmông có tác dụng cố kết cộng đồng "giao". Lễ hội này được tổ chức vào ngày thìn tháng giêng hàng năm với mục đích đưa ra các quy định, quy ước cho công việc cả làng, cả bản trong suốt một năm. Thành phần người tham dự hội là các chủ gia đình, người chủ trì hội là "lùng thầu" được bầu mỗi năm một lần. Lễ nào xồng được tiến hành theo các bước: cúng thổ ty, bàn bạc công việc của giao, bầu lại "lùng thầu" (đầu hội) mới.

Mở đầu cộng đầu giao chuẩn bị lễ vật gồm một đôi gà trống mái, con lợn, rượu dùng để cúng thần "Thu tỉ" (thổ địa) mong thần bảo vệ cho con người thì mạnh khỏe, gia súc sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ. Thần "Thu tỉ" là vị thần bảo vệ an toàn cho con người và gia súc, quản lý rừng không cho phá hoại mùa màng, thần ngự tại một gốc cây to trong rừng. Sau khi khấn Thần "Thu tỉ" song mới mổ gà, giết lợn lấy tiết gà và tiết lợn bôi vào gốc cây nơi thần ngự rồi làm cỗ ăn uống vui vẻ.

Tiếp đến các thành viên của "giao" tập trung lại bàn bạc thống nhất quy ước với các nội dung cụ thể liên quan đến chăn thả gia súc bảo vệ mùa màng, phòng chống trộm cướp, bảo vệ rừng, giúp đỡ tương trợ các gia đình trong "giao". Mọi người bàn bạc đi đến thống nhất các vấn đề trên thì lần lượt uống một bát rượu thề thực hiện đúng quy ước. Cuối cùng đại diện các gia đình bầu ra ông "lùng thầu" (hội đầu) và một người hội phó giúp việc cho năm tới. Những người này có quyền giám sát những người trong "giao" phải thực hiện quy ước, đồng thời xử phạt những người vi phạm.

* Một số lễ tết khác của tộc người trong năm:

+ Tết Nguyên Đán (láu tra): Tết Nguyên đán gọi theo tiếng Hmông là "láu tra", thường tổ chức từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước tết nguyên đán của người Kinh một tháng) và diễn ra trong 3 ngày. Mọi công việc chuẩn bị đón tết của người Hmông đều được tiến hành từ ngày 30/11. Từ chiều 30 tết, người đàn ông trong gia đình dọn dẹp nhà cửa. Họ sẽ dọn bếp trước tiên vì theo quan niệm của người Hmông bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho cả gia đình. Tiếp đến họ mới quét nhà, sửa sang và sắp xếp lại đồ đạc, khơi thông rãnh nước, dọn xung quanh nhà. Sau đó họ sẽ dùng giấy dó cắt hình vuông, hình chữ nhật để dán bài vị bàn thờ mới, rồi dán lên cửa nhà, cửa sổ, các xà ngang, cuốc, xẻng, gùi… thể hiện âm dương giao hoà, ngày đất trời mở chu trình mới. Một nét độc đáo trong tết truyền thống của người Hmông là mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên phải mang các dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột...

Trong ngày tết của người Hmông bánh dày là thứ bánh quan trọng không thể thiếu. Bởi người Hmông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người. Chiều 30 tết chủ nhà phải làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống và bánh dày trước bàn thờ tổ tiên, để tổ tiên thần linh làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. Lễ cúng thần linh tổ tiên ngày tết phải là gà trống to và đẹp. Sau khi cắt tiết người ta nhỏ mấy giọt tiết lên tờ giấy nơi trú ngụ của thần linh và nhổ mấy chiếc lông cổ gà dán đè lên giọt tiết để làm tin.

Mâm cỗ sáng ngày mùng 1 cúng tổ tiên thần linh, các gia đình người Hmông cúng bằng thịt con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn từ chiều 30, cùng với cơm mới nấu, được đặt trên bàn ở gian giữa nhà để mời tổ tiên thần linh về ăn tết. Họ cùng cầu chúc một năm mới mọi người trong nhà đầy sức khoẻ, sống vui vẻ hạnh phúc, ăn nên làm ra, công tác làm ăn phát đạt như ý. Tết không chỉ là dịp để mọi người vui chơi mà còn là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau và tham gia các trò chơi.

Một vài năm trở lại đây người Hmông hoa ở La Pán Tẩn đã lùi thời gian ăn tết lại để cùng ăn tết với nhân dân cả nước nhưng không hề mất đi bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, ngược lại mọi phong tục tập quán đều được giữ gìn.

+ Lễ mừng cơm mới: Lễ mừng cơm mới tiếng Hmông gọi là Nào màu xa. Ðây là lễ thức cúng tế nhằm cảm ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...  Khi những vạt lúa nương chuyển sang đỏ đuôi, báo hiệu mùa thu hoạch đã tới, là thời gian các gia đình trong bản chuẩn bị tổ chức lễ mừng cơm mới. Sau một thời gian nhất định, những hạt thóc đã chín dẻo và dậy hương thơm, căng tròn mới được đem đi xát thành gạo, mang lên bếp để rang. … Những người phụ nữ đảm nhận việc nấu xôi thì còn đàn ông trong gia đình sẽ lo việc bắt gà và chế biến thành món ăn. Lúc này, gia chủ cùng một số bà con họ hàng chuẩn bị các dụng cụ cắt lúa. Khi công việc gặt lúa kết thúc bà chủ nhà   gùi những cum lúa mới gặt về nhà đặt tại chân cột chính gian giữa nhà. Người Hmông quan niệm rằng, làm như vậy để báo với thần cột nhà biết về những công việc của gia chủ đã làm và xin ma cột nhà hãy gìn giữ, bảo vệ hồn lúa mới.  Kết thúc buổi lễ khách và chủ cùng nâng những chén rượu nồng ấm tình cảm anh em họ hàng, tình cảm láng giềng bà con thôn, bản. Lễ mừng cơm mới không chỉ có ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc,  một mùa màng lúa tốt bội thu .

Các tập quán xã hội và tín ngưỡng - Các tập quán theo chu kỳ đời người

+ Sinh đẻ: Người Hmông sinh sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, tỉ lệ trẻ sơ sinh bị chết vào loại cao so với các dân tộc khác. Người Hmông sinh ở trong nhà ngay tại buồng ngủ của vợ chồng. Khi đẻ khó người Hmông làm lễ cầu cúng "mẹ tròn, con vuông" gọi là lễ "đề ca sủa". Người Hmông tin rằng nếu làm lễ này thì người sản phụ sẽ dễ sinh hơn. Khi đứa trẻ được sinh ra, rau thai nhi sẽ được chôn ở cột chính (nếu đưa trẻ là trai) với ý niệm con trai là trụ cột của gia đình. Nếu đưa trẻ là gái thì rau thai sẽ được chôn ở gậm giường ngủ với niềm tin con gái sau này sẽ là người nuôi dạy cái, nội trợ giỏi. Trẻ sinh được 3 ngày, gia đình tổ chức lễ "húp plì" (gọi hồn). Trong nghi lễ này tiến hành đặt tên cho trẻ luôn, thông thường bé trai đặt tên Pao, còn con gái thường được đặt là Mỷ. Những tên này không đặt trùng với tên tổ tiên, tên những người trong gia đình. Lễ gọi hồn, đặt tên trở thành nghi lễ của của cộng đồng công nhận thành viên mới. Đứa trẻ được một tuổi, người Hmông làm lễ mừng tuổi cho con. Lễ đổi tên lót của bố cũng tiến hành cùng lễ mừng con đầu tròn một tuổi. Trong trường hợp nếu đứa trẻ thường xuyên ốm đau, bệnh tật người Hmông còn có nghi lễ nhận bố nuôi "Tua sảo" cho con.

+ Cưới hỏi: Lễ cưới truyền thống của người Hmông hoa có rất nhiều nghi lễ và tập tục có từ xưa, nhưng vẫn được tiến hành qua 3 nghi lễ chính: lễ dạm hỏi, lễ đưa đồ cưới và lễ cưới. Khi chàng trai thích một cô gái sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Nhà trai sẽ tìm một ông mối (thường là những người có uy tín trong dòng họ) để sang nhà gái làm lễ hỏi. Lễ ăn hỏi thường có rượu, gà, thuốc lá… Khi đi làm lễ hỏi, ông mối cũng không quên mang theo một chiếc ô.

Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài giới thiệu bản thân và đề nghị gia đình mở cửa. Khi nhà gái mở cửa thì ông mối cầm chiếc ô treo lên trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi ông mối thưa chuyện với gia đình cô gái thì dù có đồng ý hay không đồng ý, phía gia đình cô gái cũng phải giữ nhà trai ở lại 2-3 ngày mới cho về. Nếu nhà cô gái chưa đồng ý, nhà trai sẽ phải tiếp tục đến khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Khi nhà gái đồng ý thì họ sẽ lấy một chiếc ghế dài để hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, một chiếc ô và mời nhà trai uống hết 4 chén rượu. Nhà trai uống xong thì rót lại 4 chén rượu và mời họ nhà gái. Khi nhà gái uống hết rượu trong chén, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định là nhà gái đã gả con gái cho gia đình mình. Người con trai sẽ phải vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái và như thế chàng trai đã được coi cô gái là vợ của mình. Tiếp đến họ sẽ cùng chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới và dự tính đồ thách cưới. Sau khi đã thống nhất xong, nhà trai sẽ quay về nhưng hôm đó chưa được đưa con dâu về nhà mình ngay. Gia đình chú rể sẽ nhờ ông mối là đại diện (đoàn đón dâu thường từ 6 - 9 người và bố mẹ chồng không được đi đón con dâu).

Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ phải mang đầy đủ lễ vật mà gia đình cô dâu thách cưới. Theo phong tục của đồng bào Hmông, khi đưa cô dâu về nhà chồng phải tổ chức ăn một bữa cơm ở dọc đường. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã được đón con gái người ta về làm dâu con trong nhà và mời các vị thần linh chứng kiến và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, phát tài, sinh được nhiều con cháu. Khi đoàn đưa, đón dâu về tới nhà, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh.
Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm, cô dâu mới về nhà chồng không được ăn cơm cùng gia đình mà phải vào trong buồng ngồi, chỉ có chú rể ra tiếp khách. Trong 3 ngày đầu tiên, cô dâu có thể đi làm nương, làm rẫy, kiếm củi song không được đi chơi ở nhà người khác, kể cả quay về nhà bố mẹ đẻ.

+ Tang ma: Lễ tang của người Hmông là tập tục gồm nhiều nghi lễ khác nhau, phản ánh các quan niệm về lịch sử, xã hội, cộng đồng. Lễ tang được phân biệt già, trẻ, giàu, nghèo. Người Hmông khi tắc thở con cháu phải bắn ba phát súng, sau đó dùng tù và thổi ba hồi báo cho dân làng biết gia đình có người chết. Gia đình tắm và khâm niệm cho người chết. Sau đó họ dùng một chiếc ván gỗ đem thi thể người chết đặt giữa nhà rồi người con trai trưởng nhanh chóng đi mời ông "dở mổ" (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ "khai kế" đưa đường chỉ lối cho linh hồn cho người chết về với tổ tiên. Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong bất cứ đám tang nào của người Hmông. Trong lễ tang của người Hmông, ông cậu và ông anh rể là hai người quan trọng nhất, trước khi về chịu tang bao giờ họ cũng phải thuê một người làm chủ hát "chí sùng sình" để thay mặt gia đình bên ngoại cùng gia đình tổ chức lễ tang cho người chết theo đúng truyền thống. Ngoài ra, phái đoàn nhà cậu còn mang theo một con lợn, một thồ thóc, 10 lít rượu, 3 quả trứng luộc, một cây tiền để làm lễ phúng viếng cho người chết mang đi. Còn bà con làng xóm mỗi người đều mang sang một thồ thóc, một chai rượu, một bó hương để làm lễ phúng viếng cho người chết. Trước khi mang thi thể người chết ra khỏi nhà, gia đình phải nhờ một người thầy cúng làm lễ đuổi ma ngựa ra khỏi nhà, với ý nghĩa người chết rồi phải đuổi hồn ra khỏi nhà để sau này con cháu yên ổn làm ăn. Thi thể người chết được khiêng ra ngoài bãi mổ trâu, người con trai cả bao giờ cũng là người dắt trâu ra giao cho người chết. Trước khi làm lễ, ông chủ ma làm lễ điểm, sau đó ông chủ ma, lấy một sợi dây lanh buộc vào dây thừng trâu rồi làm lễ giao trâu cho người chết mang đi. Người cậu hoặc người anh rể sẽ thay mặt cho bên ngoại là người giết trâu với ý nghĩa người cậu là người đại diện cho bên ngoại nhận lễ vật thay cho người chết. Trâu giết xong được mọi người mang đi mổ, rồi chế biến thành đồ lễ chín để thầy cúng làm lễ cúng chín cho người chết và đem chế biến làm các món ăn trong lễ tang, phần còn lại họ chia thành các miếng nhỏ đem chia cho những gia đình có lễ vật đến phúng viếng để cảm ơn. Trong ba ngày đầu vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối, ông chủ ma phải mang cơm, lửa giao cho người chết ăn. Chôn được ba ngày, con cháu tập trung mang cuốc, mang xẻng đi sửa sang và rào mộ cho người chết được mồ yên mả đẹp. Người chết được 12 ngày, con cháu ra mộ đón linh hồn người chết về thăm lại nhà. Sau một hai năm, con cháu lại tổ chức lễ cúng "ùa plì" để hồn người chết ra đi được thanh thản, sau một vài năm, gia đình tiếp tục tổ chức lễ cúng "nhù đăng" (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng trong lễ tang của người Hmông.

+ Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Hmông là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường chọn những khu vực ở vị trí thuận lợi, có thế đất tương đối bằng phẳng, đằng sau có điểm tựa, mặt trước thoáng đãng. Sau khi chọn đất xong, người Hmông hoa có tục bói đất bằng cách đào một chiếc hố tròn bằng chiếc bát con, sau đó đặt 5 hạt thóc xếp đều ở bốn góc, một hạt xếp ở giữa tạo thành các đường chéo nhau. Họ lấy một chiếc bát úp lên trên, đến sáng hôm sau ra mở chiếc bát ra xem, nếu thấy 5 hạt thóc không dịch chuyển thì đó là khu đất tốt. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, chủ nhà lấy giấy bản, 1 chai rượu, 2 chiếc chén đặt trên chiếc mâm gỗ đối diện với bàn thờ tổ tiên rồi châm hương cắp vào các ống hương trên bàn thờ, mỗi ống 3 nén, 1 nén cắm ở cột cái, 2 nén cắm hai bên cửa, mỗi bếp cắm 1 nén. Chủ nhà ôm con gà đứng quỳ lạy trước bàn thờ để báo cáo với tổ tiên là hôm nay gia đình làm lễ vào nhà mới, cầu mong ma tổ tiên, ma cửa phù hộ con cháu làm ăn được thuận lợi, may mắn. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

* Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian:

+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Hmông, với  nhân sinh quan hướng thiện mà người dân quan tâm chăm sóc tới người đã khuất như để thể hiện lòng hiếu thảo .

Đồng nào Hmông quan niệm, tổ tiên chính là thờ cúng bố mẹ mình sau khi đã qua đời. Tuy nhiên, người Hmông chỉ thờ tới đời ông bà của họ (riêng họ Thào thờ tới đời thứ 5) bởi sau khi làm xong lễ ma khô cho ông bà, bố mẹ, gia đình không phải thờ cúng những người đã khuất nữa. Đồng bào không làm bàn thờ tổ tiên riêng biệt, lễ cúng tổ tiên chỉ cúng mỗi khi cúng mỗi khi gia đình có công việc hệ trọng như trong tết cổ truyền (láu tra), lễ cơm mới (máu lấy tra), lễ cưới (hầu chớ). Mỗi khi cúng tổ tiên, gia chủ mới lập một bàn thờ tổ tiên ngay trước bàn thờ thần tài "xử cang", bàn thờ tổ tiên là một mâm cúng được đặt trên chiếc ghế dài bốn chân truyền thống, phía trên bài trí 1 bát cơm to, trong đó có từ 7-9 thìa có cán dài  được đặt theo thứ tự vòng tròn quanh bát. Người H'mông quan niệm rằng, tổ tiên sẽ về và sử dụng chiếc thìa đó để ăn cùng con cháu. Tương ứng với mỗi chiếc thìa là một chiếc ghế con đặt dưới đất cúng với quan niệm là chỗ ngồi của tổ tiên. Trên mâm cúng phải có một bát canh, một đĩa thịt và rượu là thức uống không thể thiếu trong lễ cúng tổ tiên. Lễ cúng tổ tiên thường diễn ra trong khoảng 15 phút do chủ nhà tiến hành cúng khấn, ông chủ thắp hương cắm vào phía trước của bát cơm tay rót rượu, tay gắp thức ăn và cơm mời tổ tiên về ăn. Nghi thức cúng mời tổ tiên bao giờ cũng diễn ra trước tiên sau đó gia đình mới được làm việc khác.

+ Thờ cúng thần bảo hộ gia đình.

Hệ thống tín ngưỡng thờ cúng thần bảo hộ gia đình được đồng bào thờ cúng quanh ngôi nhà với những nghi thức thờ cúng hết sức độc đáo. Thần bảo hộ gia đình là hệ thống thần thờ có liên quan mật thiết với nhau bao gồm: Thần tài (Xử cang), Thần cửa (Bùa trùngz), thần cột nhà (Bùa đăngz), thần bếp lò (Đăng khùa khó trùz), thần bếp nấu ăn (Đăng khùa khó chu).

Thần tài (xử cang) là thần quan trọng nhất trong các thần bảo vệ gia đình. Theo quan niệm của đồng bào thần tài là vị thần lớn nhất luôn che chở và bảo vệ cho người và gia súc, của cải vật chất, thóc lúa trong ngôi nhà. Xử cang được thờ ngay trong chính giữa ngôi nhà, nơi thờ được gián hai miếng giấy bản màu vàng và bạc trên đó có đính 3 (hoặc 9) lông gà bôi ít máu gà. Mỗi năm cúng xử cang một lần vào đêm 30 tết. Đồ cúng là con gà trống màu vàng đỏ. Ông chủ nhà cắt tiết gà gần chết rồi thả vào trong nhà để đoán định việc làm ăn trong năm mới.

Thần cửa (Bùa trùngz) được người Hmông thờ ngay tại cửa chính thẳng với bàn thờ xử cang nằm ngay gian nhà giữa. Lễ vật chính cúng thần cửa là một con lợn nái từ 10-15kg, nghi lễ được tổ chức vào ban đêm dưới sự chủ trì của thầy cúng. Lễ cúng thần cửa được diễn ra ngay tại cửa chính. Sau khi cúng xong, mọi người cùng ăn uống và chúc mừng cho gia chủ, toàn bộ xương lợn, lông và các phần thừa của lợn cúng sẽ được chủ nhà đào một hố nhỏ ngay giữa gian nhà trước cửa chính và chôn xuống đó.

Tín ngưỡng thờ thần cột nhà "bùa đăngz" trong hệ thống thờ thần bảo hộ là nghi thức cúng lớn hơn. Sau ba lần tổ chức lễ cúng thần cửa, người dân lại tổ chức cúng thần cột nhà. Thần cột nhà được người Hmông thờ ngay tại cột cái chính giữa ngôi nhà, được nối từ nóc nhà chôn xuống đất. Cây cột thờ thần có dán một miếng giấy bản khoảng 20 x 10cm màu trắng bên ngoài, bên trong có một lớp giấy bạc màu đỏ và ở giữa là lớp giấy bạc màu trắng. Lễ cúng thần cột nhà được tổ chức vào ban đêm ngay tại chân cột nhà, chỉ những người nam giới mới được tham gia nghi lễ, những người phụ nữ được ngăn cách tại một gian nhà cuối bằng một cây tre tươi, cuối buổi lễ mới vào ăn uống với những người nam giới.

* Văn học dân gian: Dân tộc Hmông vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của tộc người. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Hmông, văn học dân gian (Thần thoại, Truyện cổ, Tục ngữ, dân ca...) chiếm phần lớn. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Hmông, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái, kinh nghiệm sản xuất, các mối quan hệ trong xã hội, lối sống cùng những ứng xử của đồng bào.

* Tri thức dân gian:

+ Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Hmông, việc tính toán thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp (10 can, 12 chi ) và gọi tên theo tên 12 con vật.

+ Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi nào thấy con kiến bò ra báo hiệu trời sắp mưa, nếu con giun bò ra trời nắng, khi nào cây mận rừng nở là báo hiệu mùa xuân đến chuẩn bị ăn tết và đón một năm mới.....

+ Y học dân gian: dân tộc Hmông đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa.... Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ...; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng.... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

LỄ ĐẶT TÊN CON CỦA NGƯỜI HMÔNG HOA (XÃ LA PÁN TẨN, HUYỆN MÙ CANG CHẢI, TỈNH YÊN BÁI).

I. Khái quát về nghi lễ đặt tên con.

Trong vòng đời của người Hmông từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên đều trải qua rất nhiều nghi lễ độc đáo: lễ đặt lại tên đệm, lễ cưới, nghi lễ tang ma,... Trong đó, lễ đặt tên con là một trong những nghi lễ có vị trí quan trọng, nó khẳng định sự có mặt của thành viên mới trong một gia đình. Một đứa trẻ ra đời là niềm vui của cha mẹ, gia đình và cả cộng đồng dòng họ và thành viên mới này được cộng đồng đón nhận một cách rất trân trọng.

Lễ đặt tên con được coi là nghi lễ đầu tiên của một đời người và trở thành nghi lễ của cả cộng đồng để công nhận thành viên mới. Nghi lễ này là dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời của một con người nên nhất thiết phải có sự chứng giám của tổ tiên, cả gia đình và dòng họ. Đây một nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tộc người Hmông. Phong tục tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn này hiện vẫn được bảo tồn và duy trì trong cuộc sống của cộng đồng.

Cũng giống như người Việt, người Hmông đặt tên gồm có 3 phần chính: Họ - Tên Đệm - Tên Chính. Tên đệm của con trai thường là "A", con gái thường là "Thị". Khi đặt tên, đồng bào thường chọn lọc kỹ lưỡng về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Trong cách gọi của người Hmông là gọi tên chính thường kèm tên đệm. Ví dụ: A Chu, A Pó, ... ,

Nghi lễ đặt tên con phải qua hai lễ là lễ gọi hồn "húp plì", đặt tên và lễ cúng trình báo tổ tiên. Trong số những người đặt tên cho đứa trẻ, nhất thiết phải có sự có mặt của ông trưởng họ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bố, mẹ đẻ của đứa trẻ. Sở dĩ nhất thiết phải có sự có mặt của ông trưởng họ vì ông sẽ là người biết rõ nhất những cái tên của đứa trẻ có trùng với tên của các vị tiên tổ (khoảng 3 đến 5 đời trở lại đây) hoặc ông bà chú bác trong nội tộc hay không. Nếu có thì phải đổi tên bởi đồng bào quan niệm như thế là không tôn trọng tổ tiên, hơn nữa, phần lớn những mang tên đó là những người đã khuất mà đứa trẻ mới ra đời người ta không muốn liên quan gì đến những người đã khuất vì sợ không may mắn. Đặc biệt người ta kiêng những tên đã trùng mà lại còn gắn với những bi kịch số phận không may mắn.

Trong các bản Hmông, các gia đình thường chọn những vị có uy tín trong cộng đồng để nhờ chọn tên cho con. Người chọn tên trong buổi lễ đặt tên con này được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.

II. Thời gian và địa điểm tổ chức nghi lễ.

1. Thời gian: Sau khi sinh được ba ngày gia đình đã chọn đúng: 4h giờ sáng ngày 7 tháng 9 năm 2015 tiến hành nghi lễ đặt tên cho bé.

2. Địa điểm: Nghi lễ diễn ra tại nhà ông Giàng A Tếnh và bà Sùng Thị Mây, bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

III. Quá trình chuẩn bị

1. Thành phần tham gia: Chủ lễ: Ông Giàng Chứ Ly - một người có uy tín trong bản La Pán Tẩn. Gia đình ông Giàng A Tếnh và bà Sùng Thị Mây, những người nam giới trong dòng họ hiện đang sinh sống tại xã La Pán Tẩn. Cùng những người thân quen với gia đình và bà con hàng xóm lân cận.

2. Lễ vật:

- 1con gà trống; 1 con gà mái.

- 1 quả trứng gà sống đặt trên một bát ngô bột sống

- Rượu trắng.

- Hương, tiền vàng cắt từ giấy bản.

IV. Quy trình tiến hành nghi lễ.

Sau khi sinh ra được 3 ngày, đứa trẻ sẽ được gia đình và dòng họ tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên cho bé. Nghi lễ này được coi là đặt tên khai sinh cho đứa trẻ và cái tên này sẽ theo bé suốt cuộc đời (nếu là bé gái), còn bé trai sẽ dùng đến khi đổi tên đệm.

Sau khi bà Sùng Thị Mây sinh con, ông Giàng A Chua (ông nội của bé trai) đã đến mời ông Giàng Chứ Ly - một người có uy tín nhất trong thôn La Pán Tẩn đến làm chủ cho lễ đặt tên của cháu nội mình vào sáng sớm ngày thứ ba. Cùng với việc mời chủ lễ, gia đình còn mời anh em trong dòng họ, bà con hàng xóm những người quen thân với gia đình đến chứng kiến lễ đặt tên cho con.

Khi ngày giờ đến, mọi lễ vật đã được chuẩn bị đẩy đủ, các thành viên được mời có mặt đông đủ, lễ đặt tên chính thức được tiến hành. Người Hmông hoa thường chọn rạng sáng khoảng từ 4 - 5h sáng để tiến hành nghi lễ. Theo quan niệm của đồng bào, tiến hành nghi lễ vào rạng sáng, khi người dân chưa ra đường, những linh hồn lang thang vơ vất đã về nghỉ thì tiến hành nghi lễ sẽ không bị các hồn ma vơ vất quấy nhiễu, linh hồn của đứa trẻ sẽ tìm đường về với gia đình một cách dễ dàng hơn. Rạng sáng cũng thường được coi là lúc tiết trời trong lành nhất, mở đầu cho một ngày mới, cũng là lúc bình minh lên, mặt trời từ đằng đông ló rạng. Người Hmông mong muốn những đứa trẻ được làm nghi lễ đầu tiên trong cuộc đời vào buổi sáng lúc bình minh lên sẽ thông minh, khỏe mạnh,  giỏi giang, mạnh mẽ để trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.

1.  Lễ gọi hồn "húp plì" và đặt tên.

Mở đầu buổi lễ, gia đình của đứa trẻ tiến hành nghi lễ gọi hồn cho đứa trẻ mới sinh ra. Theo quan niệm của đồng bào, thì khi đứa trẻ mới sinh ra hồn của nó còn đi lang thang, vơ vất nên phải gọi về với gia đình, nhận gia đình và trở về để được tổ tiên công nhận là thành viên mới đồng thời sẽ được tổ tiên che trở.

Trước khi làm lễ, bà nội của đứa bé nhóm một đống lửa nhỏ ở cửa chính nhà để gọi hồn thể hiện niềm vui, sự ấm áp, sum vầy của gia đình. Chính vì vậy nhóm đống lửa ở cửa chính với ý muốn hồn của đứa trẻ khi được gọi sẽ nhìn thấy dấu hiệu của gia đình để trở về sum họp.

Cùng với việc nhóm lửa gia đình còn chuẩn bị một đôi gà (1 con gà mái và 1 con gà trống) trong quẩy tấu làm vật tế thần. Theo quan niệm của đồng bào Hmông hoa, đôi gà sẽ giúp đi tìm hồn của đứa trẻ nhanh hơn. Đôi gà được chọn bắt buộc phải có một con gà mái và một con gà trống vì theo đồng bào tất cả mọi thứ cỏ cây đều có đôi, có cặp nên khi chọn lễ vật cúng cũng phải chọn đủ đôi. Hai con gà được gia đình chọn phải là những con gà đẹp, khoảng từ 1kg - 1,2kg, chân vàng đủ bốn ngón, không ngón nào bị khuyết, chân gà cũng không được có một chấm đen, gà trống có mào đỏ, đuôi cong, gà mái tơ.

Khi lễ vật được gia đình chuẩn bị xong, thầy cúng bắt đầu tiến hành nghi lễ gọi hồn. Trước khi làm lễ gọi hồn, mọi người trong gia đình tập trung bàn bạc, thảo luận chọn tên cho đứa trẻ, gia đình có thể chọn nhiều tên đẹp có ý nghĩa nhưng cuối cùng chủ lễ là người quyết định chọn tên nào phù hợp cho đứa trẻ. Việc chọn tên cho đứa bé, nhất thiết phải có sự có mặt của trưởng dòng họ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bố, mẹ đẻ của đứa bé, ngoài ra, anh em họ hàng cũng có mặt trong lễ chọn các tên để đặt cho bé.

Đầu tiên, chủ lễ thổi ba hồi kèn bằng sừng trâu và bắt đầu gọi từng tên đã được gia đình chọn lựa trước. Sau khi đã gọi hết số tên đã được gia đình đặt thì người chủ lễ đọc tên mà mình quyết định lấy cho đứa trẻ (trên thực tế, trước khi tiến hành nghi lễ, ông chủ lễ này đã xem qua các tên và thống nhất với gia đình về cái tên mà mình chọn cho đưa trẻ từ trước rồi) rồi cúng trình tổ tiên báo cáo về sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình, dòng họ với tên là Giàng A Pủa. Cùng trong lúc thầy đọc các tên và chọn lấy một tên thì gia đình lấy một quả trứng gà sống đặt trên một bát bột ngô (ngày nay một số gia đình đã thay ngô bằng gạo), chỉnh sao cho quả trứng đứng thẳng lên theo chiều đầu nhỏ xuống dưới, đầu to lên trên đặt trước nơi làm lễ  (Theo quan niệm của đồng bào, quả trứng gà đặt trên bát ngô này thể hiện trời - đất, âm - dương giao hòa và sự sinh sôi nảy nảy nở của con người và vạn vật).

Sau khi đã đọc và chọn được tên, chủ lễ vừa chỉnh quả trứng vừa bắt đầu khấn với đại ý:

 "Hôm là ngày lành tháng tốt, tôi là thầy cúng tên Giàng Chứ Ly thay mặt gia đình ông Giàng A Tếnh và dòng họ Giàng gọi hồn cho Giàng A Pủa về nhận tên của mình và từ nay bé trai có tên là Giàng A Pủa và trở thành con trai trong gia đình ông Giàng A Tếnh và bà Sùng Thị Mây ở bản La Pán Tẩn, xã  La Pán Tẩn và là cháu trai thuộc dòng họ Giàng ở xã La Pán Tẩn. Từ nay, gia đình, dòng họ đã có thêm thành viên mới".

Từ sau nghi lễ này đứa trẻ đã chính thức có tên và coi đây là tên khai sinh của đứa trẻ. Khi thầy cúng cúng gọi hồn đứa trẻ song thì bà nội trao cho đứa bé một chiếc vòng bạc, bà vừa bế cháu vừa hát ru. Tiếng hát ru ngân dài, vời vợi, xa xăm với những lời khuyên dạy thành viên mới chào đời và mang tính nhắc nhở cộng đồng có trách nhiệm chăm sóc trẻ thơ. Cùng với tiếng hát ru là những người trong dòng họ trao cho em bé những chiếc vòng cổ bằng bạc và những chiếc áo giữ vía.

Trước kia trong nghi lễ đặt tên con của người Hmông hoa vẫn giữa đầy đủ các thủ tục nhưng ngày nay một số các nghi thức đã bị lược bỏ như việc anh em họ hàng trao những chiếc áo vía và vòng bạc mà thay vào đó là tiền, gạo để chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới.

Cùng lúc đó, chủ lễ còn đeo vào tay đứa trẻ một sợi dây chỉ được gia đình chuẩn bị sẵn và thầy cúng đã làm phép với ý nghĩa đây là sợi dây vía sẽ theo đứa trẻ đến khi trưởng thành. Sợi dây vía này theo quan niệm của đồng bào là sợi dây giữ hồn (plì) ở lại, không cho hồn đi vì nếu một phần hồn đi lang thang sẽ làm cho đứa trẻ ốm đau, bệnh tật.

Khi gọi hồn đưa trẻ về xong, chủ lễ lấy 3 nén hương cắm ngay vào chân giường nơi cha mẹ và đứa trẻ nằm, với ý nguyện sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn có đức tính cần cù, chịu khó và không có bệnh tật, suốt đời gặp may mắn và đặc biệt là luôn luôn gắn bó với cha mẹ, gia đình, dòng họ, là một thành viên ngoan ngoãn, giỏi giang. Đây là một nghi lễ quan trọng và khá độc đáo trong buổi lễ đặt tên của tộc người Hmông hoa ở La Pán Tẩn.

Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức trên thì mọi thành viên khác trong nhà mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quyét dọn nhà cửa để cúng tổ tiên.

2. Lễ cúng trình báo tổ tiên.

Sau khi kết thúc lễ gọi hồn và đặt tên gia đình bắt đầu tiến hành nghi lễ cúng trình báo các ma nhà. Theo quan niệm của đồng bào, ma nhà là các vị thần luôn che chở và bảo vệ cho người và gia súc, của cải vật chất, thóc lúa trong ngôi nhà. Đây được coi là nghi lễ bắt buộc của cộng đồng Hmông. Trong gia đình người Hmông khi tiến hành bất cứ một lễ nào dù to hay nhỏ đều phải tiến hành cúng báo hệ thống ma nhà. Bởi thế, đây cũng là một nghi lễ không thể thiếu trong nghi lễ đặt tên con.

Sau khi làm lễ gọi hồn và đặt tên kết thúc chủ lễ lấy gà sống và trứng sống đưa cho nhà bếp chế biến thành đồ chín để làm tiến hành lễ cúng trình báo hệ thống ma nhà. Lễ vật để tiến hành lễ cúng là một mâm cơm: thịt gà làm lễ gọi hồn và đặt tên luộc chín sau đó chặt ra đĩa, một rá cơm trắng, một bát canh và tiền vàng của người Hmông cắt bằng giấy bản. Mâm lễ vật khi được gia đình chuẩn bị và được đặt trên một chiếc bàn để ngoài cửa chính. Ở cửa chính, cắm hai gốc tre, ở chỗ nước chảy xuống của máng nước lần cắm 6 nén hương với quan niệm đây là nơi các vị ma chính trong nhà về trú ngụ để dự lễ đặt tên con của gia đình. Hai gốc tre ở cửa chính vừa để dùng để thắp hương vừa để báo hiệu với mọi người và ma nhà gia đình có thành viên mới. Sau đó, ông chủ lễ tay tái cầm hai nén hương còn tay phải cầm 2 mảnh sừng trâu vừa khấn vừa nhìn ra cửa chính. Trong bài khấn của mình, ông chủ lễ trình báo với ma nhà (ông bà, tổ tiên) với nội dung:

 "Hôm nay gia đình nhà họ Giàng chúng tôi có thêm thành viên mới, chúng tôi bày cơm mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em về chứng giám gia đình có thêm thành viên mới tên là Giàng A Pủa. Từ nay công nhận Giàng A Pủa là con cháu trong nhà, mong tổ tiên họ Giàng che trở, phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, khôn lớn, thông minh, giỏi giang gặp nhiều may mắn, có cuộc sống ấm no, đủ đầy". Cúng song chủ lễ thắp hương vào cửa chính nhà.

Sau khi mời tổ tiên về hưởng cơm canh thì chủ lễ tiếp tục xé một miếng thịt, một thìa cơm và một chén rượu đi từ trong nhà ra ngoài sân vừa đi vừa khấn mời các   ma nhà, các thần xung quanh nhà về dự lễ và phù hộ cho đứa trẻ: "Hôm nay gia đình họ Giàng tổ chức lễ đặt tên cho cháu trai mới sinh, mời  thần nhà, ma cột chính, ma cửa, ma buồng, ma bếp, ma bảo vệ hồn lúa, hồn ngô về cùng tham dự lễ và chứng giám từ nay bé Giàng A Pủa  là con cháu trong nhà. Cầu mong các vị trong hệ thống ma nhà phù hộ, giúp đỡ để đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, khôn lớn, thông minh, sáng dạ".

Sau khi làm lễ gọi hồn, đặt tên và cúng mời gia tiên và các vị thần, hệ thống ma nhà xong chủ lễ và những người có tuổi trong gia đình, dòng họ dựa vào biểu hiện ở con gà và quả trứng đã luộc xong để xem trẻ sau này dễ nuôi hay khó nuôi. Quả trứng luộc xong bóc vỏ, bẻ làm đôi nếu nhân ở giữa mà nhão là tốt, còn nếu nhân đặc là sức khỏe của đứa trẻ sẽ không tốt, khó nuôi. Còn đối với con gà người ta thường xem chân và sọ của nó. Nếu sọ gà trắng, chân gà chụm đều, đùi gà có 4 lỗ đen bằng nhau là điềm lành đứa trẻ sau này sẽ hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh. Ngược lại nếu sọ gà mà có chấm đen chân gà có ngón giữa quặp vào trong, đùi gà có các chấm không bằng nhau là điềm xấu, đứa trẻ sẽ khó nuôi cần phải chăm sóc chu đáo hơn. Trước đây, việc xem chân và trứng này là bắt buộc và người ta tin vào những biểu hiện trên chân và trứng gà này nhưng đến nay, tục lệ này chỉ còn duy trì ở một số gia đình, phần nhiều cộng đồng đã bỏ, nhất là đối với các gia đình trẻ, bố mẹ các bé thường không tin lắm vào việc xem trứng và chân gà này.

Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc anh em, họ hàng trong dòng họ cùng nhau quây quần quanh ngôi nhà chính cùng nâng chén rượu chúc mừng gia đình, dòng họ có thêm thành viên mới.

Nghi lễ kết thúc, những người đến tham dự tặng cho trẻ ít trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc tành viên mới sẽ mau khôn lớn, ngoan ngoãn, biết làm ruộng, làm nương, giỏi đi rừng. Theo quan niệm của người Hmông, lễ đặt tên con là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của một con người, nên mọi người từ đầu bản đến cuối bản ai ai cũng háo hức đến chúc mừng thành viên mới của gia đình, của bản làng, của dòng họ và cùng cầu chúc cho đứa trẻ sẽ khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn trong suốt cuộc đời. Gia đình đứa trẻ cũng cử người đại diện cảm ơn bà con đã đến chia vui và giúp đỡ. Từ sau lễ đặt tên này đứa trẻ đã chính thức có tên, đây chính là tên khai sinh của đứa bé. Đối với những đứa bé gái thì sẽ mang tên đặt trong nghi lễ này suốt cuộc  đời, còn đối với bé trai đến tuổi trưởng thành sẽ làm lễ đổi lại tên đệm.\

V. Giá trị của nghi lễ đặt tên.

1. Giá trị lịch sử: Lễ đặt tên con là một tập quán xã hội mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Hmông hoa nói chung cũng như người Hmông ở Yên Bái nói riêng. Đây là nghi lễ đầu tiên của một người Hmông trong nghi lễ vòng đời.

Qua các bước trong quá trình tiến hành nghi lễ đã thể hiện rõ những đặc điểm văn hóa trong quá trình lịch sử của tộc người. Ví như việc: bà nội là người đầu tiên bế và ru cháu của mình khi vừa mới được đặt tên thể hiện tàn dư của chế độ phụ hệ tồn tại trong quá trình lịch sử của tộc người khá rõ nét; hay như việc trong lễ đặt tên nhất thiết phải có bát ngô và quả trứng gà đã thể hiện truyền thống canh tác và cư trú của tộc người.

2. Giá trị văn hóa: Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Qua lễ đặt tên con thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện những phong tục tập quán, tính giáo dục cộng đồng.

Lễ đặt tên con được cộng đồng duy trì liên tục qua nhiều thế hệ; các nghi lễ, các giá trị nghệ thuật độc đáo liên tục được kế thừa và phát huy trong nghi lễ, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

3. Giá trị khoa học: Lễ đặt tên con của tộc người Hmông là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người.Qua các hình thức chuẩn bị, các bước tiến hành nghi lễ sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng tộc người.

4. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Lễ đặt tên con là để được họ hàng, hệ thống ma nhà và thánh thần công nhận là thành viên mới trong gia đình, dòng họ. Đây là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của người Hmông. Được mọi người chúc trong lễ đặt tên thì đứa trẻ sẽ khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Lễ đặt tên là một trong những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Hmông, nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả và là nét văn hóa truyền thống độc đáo cần được lưu giữ và phát triển. Phạm vi của nghi lễ hẹp chỉ diễn ra trong gia đình, dòng họ. Nhưng xét về tổng thể, có thể nhận thấy lễ đặt tên con của cộng đồng tộc người Hmông là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, do vậy nó chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá Hmông. Bởi thế, bảo tồn lễ đặt tên con sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các đặc trưng văn hoá truyền thống của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

VI. Hiện trạng nghi lễ đặt tên con.

Lễ đặt tên con là một tập quán xã hội truyền thống của người Hmông được cộng đồng duy trì và bảo tồn khá tốt trong đời sống. So với những nghi lễ truyền thống, lễ đặt tên con hiện nay cũng đã ít nhiều có những thay đổi như: thời gian diễn ra nghi lễ ngắn hơn trước kia, việc tập trung anh em họ hàng để đặt tên không nhất thiết phải đầy đủ thành phần như trước, hay quà tặng cho đứa bé và gia chủ không nhất thiết chi có gà, gạo mà thay bằng tiền mặt.

Mặc dù có thay đổi ít nhiều về hình thức thực hành nghi lễ nhưng đây vẫn được xác định là một nghi lễ bắt buộc trong vòng đời của một con người, được tộc người bảo lưu và trao truyền khá tốt trong cộng đồng, bất cứ ai sinh ra trong cộng đồng cũng đều phải trải qua nghi lễ này. Có thể khẳng định: đến nay, lễ đặt tên con của người Hmông là một tập quán xã hội được bảo lưu khá tốt trong cộng đồng.

VII. CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ.

Nghi lễ đặt tên con là một nghi lễ bắt buộc và quan trọng trong vòng đời của người Hmông, bởi vậy từ xưa nó vẫn được duy trì thường xuyên và liên tục trong đời sống xã hội tộc người. Những người đứng ra thực hiện, duy trì, bảo tồn và phát huy cũng chính là cộng đồng tộc người ấy. Bởi vậy, chủ thể văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Từ trước, công việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này chỉ mang tính chất tự nguyện và được chính cộng đồng thực hiện và đạt hiệu quả được khá cao. Trong thời gian tới, địa phương và các sở, ban, nghành liên quan cần quan tâm để đầu tư lưu giữ, bảo vệ các yếu tố văn hóa độc đáo của nghi lễ, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghi lễ.

Để phát huy hơn nữa giá trị của nghi lễ đặt tên con của người Hmông trong năm 2015 Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên Bái đã tiến hành lập hồ sơ lý lịch để tiến hành công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.

KẾT LUẬN

Lễ đặt tên con của người Hmông được coi là nghi lễ đầu tiên của một đời người và trở thành nghi lễ của cả cộng đồng để công nhận thành viên mới. Nghi lễ này là dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời của một con người nên cộng đồng  rất coi trọng. Các thủ tục trong nghi lễ được đồng bào bảo lưu khá tốt với nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người. Ngoài những giá trị văn hóa độc đáo, nghi lễ này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tộc người Hmông.

Phong tục tốt đẹp này mang nhiều giá trị và thể  hiện vai trò trong đời sống của cộng đồng. Nghi lễ mang ý nghĩa nhân văn này xứng đáng được bảo tồn và duy trì bền vững trong cuộc sống của cộng đồng.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Ban Biên tập Cổng TTĐT

16207 lượt xem
BBT

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h