Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về an
toàn giao thông (ATGT), xây dựng cổng trường tự quản ATGT, tổ chức các cuộc thi
tìm hiểu về pháp luật ATGT... là những hoạt động nổi bật của các cấp, ngành
chức năng để bảo đảm ATGT học đường và nâng cao văn hóa giao thông cho học
sinh, sinh viên. Quan trọng hơn, qua đó mỗi em học sinh đang dần trở thành một tuyên
truyền viên ATGT tích cực ở lớp, ở trường và tại gia đình.
Những năm qua, tình hình trật tự ATGT học
đường có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức và ý thức của học sinh, sinh
viên khi tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các hành vi vi
phạm ATGT của học sinh vẫn xuất hiện khá phổ biến; tại nhiều điểm trường vẫn
còn hiện tượng ùn tắc...
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học 2015 -
2016, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm nâng
cao nhận thức về ATGT cho học sinh các lứa tuổi. Lần đầu tiên, năm học ATGT
được Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức triển khai thực
hiện với nhiều nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng.
Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố
Yên Bái), trên 1.000 học sinh đã được đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT
tỉnh tuyên truyền quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ
em; phổ biến kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật
trật tự ATGT; hướng dẫn cách nhận biết, lựa chọn MBH bảo đảm chất lượng, cài
quai MBH đúng cách khi tham gia giao thông…
Theo kế hoạch, năm học 2015 - 2016, các
ban, ngành chức năng sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức
ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên; tăng
cường phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là
tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh, sinh
viên.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Oanh - Hiệu trưởng
Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) cho biết: "Nhà trường đã
thành lập đội ATGT để hướng dẫn các bạn học sinh ra, vào trước và sau giờ học;
đồng thời, tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng, triển lãm tranh ảnh về ATGT… để
nâng cao nhận thức về ATGT cho các em học sinh".
Bên cạnh những giải pháp trên, từ đầu năm
đến nay, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt
động để tuyên truyền, nâng cao nhận thức ATGT cho học sinh; đặc biệt, tổ chức
nhiều cuộc thi, sân chơi về chủ đề ATGT dành riêng cho các trường học.
Tỉnh đoàn triển khai xây dựng mô hình
"Cổng trường ATGT" tại nhiều điểm trường. Các trường học đưa nội dung
chấp hành ATGT vào đánh giá hạnh kiểm trong tháng. Lực lượng Cảnh sát giao
thông mở các chuyên đề tuyên truyền, xử lý hành vi không đội MBH cho trẻ trên 6
tuổi và học sinh đi xe đạp điện không đội MBH…
Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Ủy
ban ATGT quốc gia tổ chức Ngày hội ATGT các tỉnh miền núi phía Bắc với gần
5.000 người tham gia, gắn với nhiều hoạt động thiết thực: ra mắt 4 đội thanh
niên xung kích giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Yên Bái; thi lái xe
mô tô, xe đạp điện an toàn…
Nhờ đó, tình hình ATGT học đường đã có
những chuyển biến rõ nét. Những vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến
lứa tuổi học sinh đã được hạn chế rất nhiều. Qua đây, các em học sinh đang dần
trở thành những tuyên truyền viên ATGT tích cực.
Em Đỗ Đức Mạnh - học sinh Trường THCS Lê
Hồng Phong (thành phố Yên Bái) cho biết: "Hàng ngày, sau mỗi giờ tan
trường, em cùng với các bạn trong đội ATGT của Trường đều đứng ở cổng để hướng
dẫn các bạn ra về theo hàng lối và nhắc nhở không dừng đỗ trước cổng trường.
Những bạn không đội MBH sẽ bị ghi tên và nộp cho cô giáo chủ nhiệm có hình thức
xử lý".
Không chỉ hướng dẫn bạn bè trong thời gian
chính khóa mà ngay cả khi ở nhà hay ngoại khóa, việc tuyên truyền, nhắc nhở mọi
người chấp hành pháp luật ATGT cũng được các em thực hiện thường xuyên. Anh
Nguyễn Ánh Dương, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Con trai
tôi đang học tiểu học nhưng đi học hay đi chơi, cháu đều đòi đội MBH. Cháu bảo,
cô giáo dặn ngồi xe máy là phải đội MBH mới an toàn".
Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề bảo đảm
ATGT học đường lại được quan tâm như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh các giải
pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về ATGT cho các em học sinh để các em trở thành những tuyên truyền viên
ATGT sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu kéo giảm TNGT trên địa bàn.