Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi

28/11/2015 09:22:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Bằng những giải pháp đồng bộ, cùng với sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, góp phần vào thành tích chung của giáo dục tỉnh nhà.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, có những bước chuyển biến khá rõ nét về chất lượng, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước ổn định qui mô trường lớp, bố trí giáo viên và học sinh phù hợp điều kiện của tỉnh, đáp ứng yêu cầu qui hoạch phát triển ngành. Cơ sở vật chất, hệ thống mạng l­ưới trường, lớp tiếp tục đ­ược củng cố, hoàn thiện. Toàn tỉnh có 567 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với 6.672 lớp; 185.895 cháu mầm non, học sinh phổ thông; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên; lần đầu tiên tỉnh có học sinh tham dự giải quốc tế môn Vật Lý. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tăng cường, toàn tỉnh hiện có 209 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 37,6%.

Kết quả chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đẩy mạnh thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTNT), tính đến tháng 5/2015 toàn tỉnh có 178/180 xã, phường thị trấn (98,8%), 9/9 huyện, thị xã, thành phố (100%) đạt chuẩn PCGDMNTNT.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - Chống mù chữ và Xây dựng xã hội học tập (BCĐPCGD) của tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện PCGDMNTNT. Đã ban hành Đề án PCGDMNTNT tỉnh, Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 của địa phương (cấp huyện và cấp xã). Hàng năm bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, phân công trách nhiệm của các thành viên BCĐ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp đã tham mưu đưa các mục tiêu, nhiệm vụ PCGDMNTNT vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chương trình, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm huy động mọi lực lượng và nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập. Tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương có kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và toàn xã hội đối với công tác PCGDMNTNT. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo về công tác PCGDMNTNT của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, các điều kiện đạt chuẩn PCGDMNTNT và kế hoạch triển khai thực hiện của tỉnh thông qua việc tổ chức hội nghị, giao ban tập huấn. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về công tác PCGDMNTNT tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về PCGDMNTNT tới các cấp, các ngành và toàn thể xã hội thông qua nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua Website của ngành giáo dục; tuyên truyền trên Đài, báo, trả lời phỏng vấn về công tác PCGDMNTNT. Tuyên truyền kết quả giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010-2015 (trong đó có kết quả về giáo dục mầm non) 25.000 tờ gấp; đăng trên Bản tin giáo dục Yên Bái 30 bài viết về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, gương điển hình tiên tiến trong GDMN, phát tờ rơi tờ tuyên truyền 8.460 tờ; cấp phát 197 pano về tiêu chuẩn và điều kiện PCGDMNTNT với khổ lớn cho 100% xã, phường, thị trấn để tuyên truyền. Năm 2012 Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện tổ chức tập huấn cho 100% các bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng thôn về đường lối của Đảng, các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo và công tác PCGDMNTNT. Từ đó, đã tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

Phát triển quy mô trường, lớp; huy động trẻ đến trường, thực hiện các chính sách đối với trẻ em

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp, chỉ đạo các đơn vị tích cực rà soát, quy hoạch và giao quyền sử dụng đất cho các trường mầm non. Củng cố và phát triển mạng lưới giáo dục mầm non phù hợp với từng vùng, miền; chỉ đạo tốt việc điều tra số trẻ trong độ tuổi mầm non ở từng địa bàn, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển cho từng đơn vị; nơi có đủ điều kiện chia tách, thành lập trường mầm non mới, nhằm thu hút tối đa trẻ trên địa bàn đến lớp, huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi để thực hiện phổ cập.

Năm học 2014-2015 so với năm học 2010-2011, tỉnh Yên Bái có 187 trường mầm non (tăng 03 trường), trong đó: 177 trường công lập (94,7%), 09 trường tư thục (4,8%), 01 trường của Nhà máy Z183 (0,5%); 56 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 49 trường, đạt tỷ lệ 31,6%); 1.702 nhóm, lớp (tăng 90 nhóm lớp); 48.594 trẻ ra lớp (tăng 5.658 trẻ). Riêng lớp MG 5 tuổi có 744 lớp (trong đó: tăng 58 lớp; có 334 lớp 5 tuổi đã chia độ tuổi và 410 lớp ghép); 15.822 trẻ 5 tuổi (tăng 2.180 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 0-5 tuổi ra lớp đạt 52%; trong đó: tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,5% (tăng 1,8%).

Việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ mẫu giáo được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ. Hiện nay, việc chi trả chính sách này do Phòng GD&ĐT cấp huyện thực hiện. Tính đến thời điểm tháng 5/2015, toàn tỉnh có 71.470 lượt trẻ em được cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập; tổng kinh phí thực hiện chính sách này cho trẻ em trong 5 năm là 60.430 triệu đồng. Chi phí hỗ trợ chính sách khác là 91.590 triệu đồng.

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên

Tính đến thời điểm tháng 5/2015, toàn tỉnh có 4.193 lao động. So với năm học 2011-2012, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 99,5% (tăng 5,5%), trong đó: tỷ lệ CBQL, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt 61% (tăng 34,7%); tỷ lệ CBQL, giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc 28,4% (riêng Huyện Trạm tấu 82,5% và Mù Cang Chải 95%); tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ tin học 59,7%; tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ 5,6%; tỷ lệ đảng viên toàn cấp học 34,3%.

Tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non cho một số huyện thiếu nhiều giáo viên (đào tạo giáo viên người địa phương cho các huyện Mù Cang Chải: 35 giáo viên, Văn Yên: 67 giáo viên). Phối hợp với các trường đại học, học viện mở các lớp liên kết đào tại địa phương, hệ vừa làm vừa học, tổ chức trong dịp hè để cán bộ giáo viên có cơ hội học tập nâng cao trình độ. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL, giáo viên cốt cán của trường mầm non về nghiệp vụ chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc...đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Từ năm 2011 đến nay, cử 210 cán bộ quản lý đương nhiệm, giáo viên trong diện quy hoạch tham gia đào tạo trung cấp lý luận chính trị; cử 19.515 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng. Trong đó: bồi dưỡng kiến thức quản lý giáo dục 475; tiếng dân tộc 327; chứng chỉ tiếng Anh 277; chứng chỉ tin học 1.628; bồi dưỡng thường xuyên 16.808 lượt người); hằng năm trung bình có trên 600 lượt người (tỷ lệ 17,1%) tham gia đào tạo nâng chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, triển khai có hiệu quả chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho 3.581 (tỉ lệ 94,8%) cán bộ quản lý, giáo viên mầm non theo 10 mô-đun.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng, triển khai các kế hoạch liên ngành về nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ thông qua các hoạt động như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiêm chủng phòng bệnh, tổ chức khám sức khỏe định kì, chăm sóc theo dõi trẻ bằng biểu đồ; chỉ đạo các đơn vị tiến hành tự kiểm tra đánh giá các trường mầm non theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-BGD&ĐT về xây dựng trường học đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. (năm học 2014-2015 có 186/187 trường được đánh giá trường học an toàn đạt tỷ lệ 99,5%).

Đã chỉ đạo thực tốt công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cảnh quan môi trường; cải tạo bếp ăn một chiều, tạo nguồn nước sạch, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng. Năm học 2014-2015, trẻ được ăn bán trú tại trường 45.289/48.594 cháu đạt tỉ lệ 93,2%, trong đó: 100% trẻ nhà trẻ và 92% trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú. Riêng trẻ 5 tuổi được tổ chức ăn bán trú: 15.160 trẻ, tỉ lệ đạt 95,8%; So với năm học 2011-2012, số trẻ được ăn bán trú tại trường tăng 18,6% (tăng 18.683 cháu). Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 2.874 cháu, tỷ lệ 5,9%. Trong đó, 342 cháu nhà trẻ, tỷ lệ 4,8%; 2.532 cháu mẫu giáo, tỷ lệ 6,1%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi thể nhẹ cân tỷ lệ 5,5%. So với cùng kỳ năm 2011-2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ 5 tuổi thể nhẹ cân giảm 0,8%. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 3.375 cháu, tỷ lệ 6,9%. Trong đó: 467 cháu nhà trẻ, tỷ lệ 6,5%; 2.908 cháu mẫu giáo, tỷ lệ 7,0% (riêng trẻ 5 tuổi thể thấp còi tỷ lệ 5,7%). So với cùng kỳ năm 2011-2012 tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ 5 tuổi thể thấp còi giảm 0,5%.

Đã chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non (100% các nhóm/lớp học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình giáo dục mầm non). Chỉ đạo việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các lớp mẫu giáo ghép, sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Quan tâm chỉ đạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 187/187 trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non; 1.669 nhóm, lớp (tỷ lệ 98,1%); 47.923 trẻ (tỷ lệ 98,6%). Trong đó 95,6% trẻ 5 tuổi được học chương trình giáo dục mầm non (672 lớp, 12.583 trẻ). So với năm 2011-2012, số trường, lớp, trẻ được học chương trình giáo dục mầm non: tăng 7 trường, 229 nhóm/lớp, tăng 10.464 trẻ. Có 187/187 trường (100%), 717 lớp (97,7%) được đánh giá chất lượng phát triển của trẻ theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Bên cạnh đó chỉ đạo lồng ghép, tích hợp các chuyên đề do Bộ Giáo dục triển khai như giáo dục an toàn giao thông; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giáo dục phòng ngừa ứng phó với biển đổi khí hậu trong trường mầm non; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo vào chương trình giáo dục mẫu giáo. Chỉ đạo, khuyến khích cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giáo dục trẻ ở trường (phần mềm quản lý dinh dưỡng Nutrikids, soạn giáo án trình chiếu, phần mềm “Vui học kidsmart” ở các cơ sở GDMN, tổ chức thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning, trong năm học, có 187/187 trường mầm non kết nối Internet với 1.116 máy tính (máy tính xách tay 202, máy tính để bàn 914 máy) máy vi tính kết nối mạng, có 69/187 (36,9%) trường có phòng kidsmart cho trẻ 5 tuổi được “vui chơi cùng kidsmart”, có 3.297 cán bộ quản lý và giáo viên biết khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ, đạt tỷ lệ 87,3%. So với năm 2011-2012, tăng 14 trường được kết nối internet, tăng 46 trường có phòng kidsmart.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu với tỉnh lồng ghép các nguồn vốn đầu tư các chương trình, đề án, dự án để thực hiện mục tiêu PCGDMNTNT: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên 2008-2012; Đế án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015; Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015; các Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo...Đề xuất danh mục chuẩn bị đầu tư CSVC cho các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã huy động được 190.413 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Trong đó, riêng đầu tư cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi ngân sách TW là 54.187 triệu đồng; ngân sách địa phương chi đầu tư và sự nghiệp là 109.452 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 22.522 triệu đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.252 triệu đồng. Các đơn vị tích cực tham mưu cho UBND và phối hợp với các ban, ngành trong việc quy hoạch, giao quyền sử dụng đất cho các trường mầm non để đảm bảo đủ diện tích theo quy định, chuẩn bị tốt việc quy hoạch mặt bằng để xây dựng cơ sở vật chất.

Toàn tỉnh hiện có 1.710 phòng học. Trong đó: 766 phòng kiên cố, tỷ lệ 47,1%; 603 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 37,1%; 257 phòng học tạm, tỷ lệ 15,8%; 84 phòng học nhờ (của các lớp 3, 4 tuổi). Riêng phòng học dành cho lớp 5 tuổi: 744/744 lớp, đạt tỷ lệ 1,0 phòng/lớp.

Từng bước xã hội hóa giáo dục nhằm triển khai thực hiện PCGDMNTNT

Cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và Chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo đã tham mưu chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành đoàn thể và địa phương trong việc huy động toàn xã hội cùng chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục, huy động nguồn lực từ nhân dân đóng góp, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công san tạo mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng trường học, cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy học, xây dựng cổng, tường rào, nhà vệ sinh, xây dựng khuôn viên cho các nhà trường.

Từ năm 2011 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư 50,723 tỷ đồng; huy động xã hội hóa và các nguồn tài trợ khác 40,077 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho cấp học mầm non. Các đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa như: Thành phố Yên Bái đã huy động từ các nguồn vốn xây dựng mới 35 phòng học và phòng chức năng, tổng trị giá 29.157 triệu đồng; xây dựng được 06 bếp ăn một chiều, 04 sân chơi, tường rào tổng trị giá 3.605 triệu đồng. Huyện Văn Chấn xây dựng bổ sung 44 phòng học, 12 phòng chức năng trị giá 36.009,8 triệu đồng; mua sắm bổ sung 238 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, sách giáo viên cho các trường mầm non 29.386,83 triệu đồng. Huyện Văn Yên huy động xã hội hóa trên 11 tỷ đồng xây dựng mới 64 phòng học...

Duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng PCGDMNTNT

Phát huy những kết quả đạt được, đẩy mạnh công tác PCGDMNTNT trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu duy trì, củng cố và đạt vững chắc về Phổ cập. Tập trung chỉ đạo các xã còn lại trong tỉnh đạt chuẩn PCGDMNTNT vào năm 2016, đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn, 100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT.

Tỉnh Yên Bái phần đấu duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn PCGDMNTNT năm 2015 của 178 đơn vị xã, phường, thị trấn và 9 đơn vị cấp huyện. Phấn đấu công nhận 2 đơn vị cấp xã (xã Tà Si Láng huyện Trạm Tấu; xã Chế Tạo huyện Mù Cang Chải) đưa số đơn vị cấp xã đạt chuẩn lên 180/180 đơn vị đạt 100% . Tiếp tục củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp thực hiện mục tiêu PCGDMNTNT huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp, nâng cao chất lượng phổ cập bền vững, đồng thời duy trì và phát triển số lượng trẻ dưới 5 tuổi, năm học 2015-2016 huy động 87% trẻ độ tuổi 3-5 tuổi ra lớp, trong đó riêng trẻ 5 tuổi ra lớp từ 99,5% trở lên, 17% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chung toàn tỉnh xuống dưới 6% (vùng thuận lợi xuống dưới 5%, vùng khó khăn xuống dưới 10%), đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN, 100% trẻ 5 tuổi thuộc diện chính sách được hưởng các chế độ theo qui định, 100% trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt và trẻ được chuẩn bị tốt tâm thế bước vào lớp 1. Tiếp tục bổ sung đủ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non; 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi được thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định và tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt 75% trở lên. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Phấn đấu đến năm 2016 duy trì đảm bảo lớp 5 tuổi có đủ thiết bị theo yêu cầu tối thiểu, bổ sung thiết bị cho các lớp dưới 5 tuổi; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xóa  phòng nhờ, phòng học tạm, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cơ bản phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Quan tâm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu tăng 5% trường mầm non được công nhận vào năm 2016. Xây dựng cảnh quan môi trường giáo dục đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, 100% đơn vị trường thực hiện tự đánh giá, 40% đơn vị trường được đánh giá ngoài đạt cấp độ 1 trở lên theo đúng kế hoạch.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tơi tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của PCGDMNTNT, thu hút mọi tổ chức và toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục mầm non. Rà soát quy mô trường lớp, giao chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, huy động tối đa trẻ em 5 tuổi và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đội ngũ cán bộ, giáo viên và trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình GDMN; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, tăng cường tổ chức ăn bán trú cho trẻ, nâng cao chất lượng bữa ăn, từng bước giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tinh thần. Triển khai có hiệu quả các chuyên đề Bộ GD&ĐT đang triển khai, chú trọng nâng cao chất lượng chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở GDMN, thực hiện tốt việc đánh giá trẻ 5 tuổi theo bộ Chuẩn phát triển và công tác tự đánh giá cơ sở GDMN. Xây dựng đội ngũ CBQL,GV, NV mầm non đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em bước vào lớp 1, tăng cường công tác đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng tiếng địa phương, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên giúp giáo viên cập nhật kiến thức và kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ thực hiện Chương trình GDMN có hiệu quả. Thực hiện đúng tiến độ kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên theo Dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non". Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư về cơ sở vật chất đặc biệt là đầu tư hệ thống phòng học cho các lớp 5 tuổi được xây dựng theo hướng kiên cố hóa; đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Ưu tiên quỹ đất cho các trường, lớp mầm non. Huy động mọi nguồn lực, ưu tiên nguồn kinh phí để chi cho công tác PCGDMNTNT, bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ giai đoạn 2016-2020, bảo đảm tối thiểu 20% ngân sách GDMN được chi cho hoạt động chuyên môn; khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ.

1036 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h